Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

TIẾNG HÁT SÔNG LA

ĐỘNG BỤT KHE GIAO

“Trèo động Bụt, trụt Khe Giao
Chồng ăn thêm một bát, vợ đã rao khắp làng”
Câu ca cũ bây giờ ai hát nữa?
Nỗi niềm thương đôi lứa đến se lòng

Câu ca buồn tôi nhặt giữa mùa đông
Trên vạt áo ướt đầm người đốn củi
Trên thúng gạo người gánh qua vách núi
Cơn gió chiều, gió thổi dáng nghiêng nghiêng.

Có phải nơi này đất đã hóa thần tiên
Mà tên núi tên sông hóa thành tên của Bụt,
Bụt sống giữa lòng dân yêu thương và chân thật
Sao chẳng cứu nhân độ thế cho đời.

Đường về Hương Khê núi dựng bên trời
Ngọn hoa lau quyét vào mây bạc
Sao người thiện lại tin vào kẻ ác
Tấm lòng thành gửi cho kẻ yêu ma?

Đất cỗi cằn đời vẫn cứ nở hoa
Hoa cỏ mọc bên đồi se sắt gió
Bóng ai xiêu giữa chiều nắng đổ
Hạt cơm nào trộn lẫn giọt mồ hôi.

Quê ta nghèo cá gỗ với áo tơi
Con đường đi qua Cầu Cày, Sông Cụt…
Củi gánh về xuôi, cá lên miền ngược
Dấu chân trần dẫm lõm đá thời gian.

Nơi quê nghèo Bụt cũng sống kiệm cần
Lễ dâng lên bát cơm quả trứng
Lễ dẫu mọn có tấm lòng thánh thiện
Xin nguyện cầu có hai chữ bình an.

Đã bao đời Bụt sống giữa nhân gian
Sao Người chẳng cứu nhân, độ thế
Bao người thiện vẫn sống đời dâu bể
Để mưa tuôn, nắng cháy mái tranh nghèo.

Nơi quê nghèo ta giàu có tin yêu
Đất cẵn cỗi vẫn xanh khoai, xanh lúa
Vẫn tiếng hát, lời thơ chan chứa
Bụt trong lòng. Bụt sống giữa nhân gian.  

GỬI VỀ EM

Anh vẫn biết xa em là đau khổ
Tháng ngày qua… ta là của nhau rồi
Xa nhau rồi mới hiểu hết em ơi
Những ngày tháng gần nhau và hạnh phúc

Trời Tây Nguyên mùa khô cơn gió thức
Cứ thổi hoài qua những tháng ngày xanh
Hoa cà phê đã nở trắng trên cành
Thơm ngan ngát như những lời hò hẹn…

Trời cứ nắng vẫn không quên se lạnh
Để cho ai khoe những mốt áo quần
Nhớ về quê gió lạnh mưa dầm
Thương anh qua Truông Bồng, Động Bụt…

Lòng hướng về em quên giá rét
Bỏ đằng sau đồi dốc với đường trơn
Cái rét quê mình lạnh đến thấu xương…
Một chút ấm bên nhau dẫu phút giây ngắn ngủi.

Em vẫn biết rồi ngày mai sẽ tới
Một ngày mai … dẫu đổi hết trên đời.
Đường ta đi sấm chớp nổ rung trời
Em vẫn tin. anh không bao giờ thay đổi.

Em vẫn biết tháng ngày anh chờ đợi
Và yêu em, yêu nhất trên đời
Dẫu cả khi cay đắng dập vùi
Anh vẫn vì em thắm lòng nhân hậu

Được gần anh em càng hiểu thấu
Trái tim này đã dành trọn cho em
Con đường đời ngày lại tới đêm
Anh đã thắp hồn em cây nến nhỏ…

Em đã có cái mình không thể có
Là anh - mạnh mẽ - dịu hiền
Là tấm lòng can đảm với niềm tin
Cay đắng buồn vui cùng em chia sẻ

Anh đến bên em qua mưa nguồn chớp bể
Thấm hồn em như mạch chảy trăm nơi
Sống bên anh em vững bước trên đời
Anh gánh bớt buồn đau vai em gầy guộc nhỏ

Em đã sống những ngày sóng gió
Em soi bóng mình qua những tháng ngày đông
Một ngày có anh - trời chuyển sang xuân
Em nguyện cầu trời xanh để có anh mãi mãi…

Anh. Cuộc đời ta như dòng sông cứ chảy
Vượt qua bao đá dựng thác ghềnh
Một chút niềm vui anh đã nhân lên
Anh là dòng sông của đời em xanh thẳm…

Em vẫn biết anh yêu em nhiều lắm
Và biết trái tim mình đã thuộc về anh
Dẫu khổ đau gian khó cũng đành
Em nguyện cùng anh đi cùng trời cuối đất

Anh, em vẫn nhớ những lời anh hát
Rằng thương nhau cay đắng chẳng chia lìa
Em mong nắng ấm sẽ sớm về
Sưởi ấm cho anh qua những ngày lạnh giá

Hạnh phúc có anh chờ em nơi đất lạ
Tháng ngày qua anh cần mẫn gieo mầm
Một trăm ngày em cứ ngỡ bao năm
Em nếm đắng cay để được gần mãi mãi

Anh, em mong lắm ngày anh trở lại
Để em khoe với tất cả mọi người
Để được nghe anh hát anh cười
Để thấy trong mắt anh ngọn lửa nồng hạnh phúc...
                                        Hoàng Lan NOEL-1997  

BUÔN MA THUỘT

Thành phố Buôn Mê Thuột thành đô thị loại I
16:15 | 09/02/2010 (Chinhphu.vn) -
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận thành phố Buôn Mê Thuột là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đắk Lắk. Buôn Mê Thuột (hay Ban Ma Thuột) là thành phố tỉnh lị của tỉnh Đắk Lắk và là thành phố lớn nhất ở vùng Tây Nguyên. Với lợi thế là trung tâm của Đắk Lắk cũng như toàn Tây Nguyên, một vị trí có tầm chiến lược về quân sự và kinh tế của cả vùng, lại nằm gọn trên một cao nguyên đất đỏ màu mỡ và bằng phẳng, năm 1904, khi tỉnh Đắk Lắk được thành lập, Buôn Mê Thuột được chọn làm cơ quan hành chính của tỉnh này thay cho Bản Đôn. Là một thành phố năng động nhất Tây Nguyên, Buôn Mê Thuột được công nhận là thành phố có quy hoạch tốt nhất Việt Nam. Năm 2009, tốc độ tăng trưởng hàng năm bình quân của thành phố đạt 20%; tổng thu ngân sách 1.523 tỷ đồng, trong đó ngân sách được giao thu 717 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 1.326 USD/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo là 2,3%. Tỷ trọng các ngành: Công nghiệp-xây dựng 42%, thương mại-dịch vụ 47% và nông-lâm nghiệp là 11%. Theo Nghị quyết đề nghị công nhận Buôn Mê Thuột là đô thị loại I trực thuộc tỉnh của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk, thành phố đạt các chỉ tiêu cụ thể như: Chức năng đô thị đạt 10,89/15 điểm; quy mô dân số toàn đô thị đạt 8,37/10 điểm; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 3,5/5 điểm; hệ thống công trình hạ tầng đô thị đạt 48,92/55 điểm; kiến trúc cảnh quan đô thị đạt 8,4/10 điểm. Như vậy, đối chiếu với các quy định phân loại đô thị thì thành phố Buôn Ma Thuột đã cơ bản đạt được các tiêu chuẩn của đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Đắk Lắk, với tổng số điểm là: 83,58/100 điểm. Thành phố đang tiếp tục phấn đấu phát triển để đến năm 2015 trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương.
Phương Mai (Nguồn: Quyết định 228/QĐ-TTg)  
                   (RẤT TIẾC LÀ TRANG TIN CHINHPHU.VN CŨNG VIẾT SAI. VIẾT ĐÚNG LÀ BUÔN MA THUỘT)

CÁC QUYẾT ĐỊNH VỀ BUÔN MA THUỘT

QUYẾT ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
SỐ 75/HĐBT NGÀY 19-9-1981
VỀ VIỆC PHÂN VẠCH ĐỊA GIỚI CỦA HUYỆN VÀ THỊ XÃ BUÔN MA THUỘT THUỘC TỈNH ĐẮC LẮC
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ điều 107 Hiến pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ điều 16 của Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4/7/1981;
Theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắc Lắc và Ban tổ chức của Chính phủ,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Thành lập huyện Krông Ana trên Cơ sở tách các xã EA Bông, EA Na, EA Tiêu, Quảng Điền của Thị xã Buôn Ma Thuột và các xã Hiệp Hoà, EA EHOK, EA Ktur của huyện Krông Pách cùng tỉnh đưa sang. Trụ sở huyện đóng tại xã EA Bông. Địa giới của huyện Krông Ana ở phía bắc giáp thị xã Buôn Ma Thuột và huyện Krông Pách, phía nam giáp huyện Lắc, phía đông giáp huyện Krông Pách, phía tây giáp huyện Đắc Min.
Điều 2: Thành lập huyện Krông Bông trên cơ sở tác các xã EA Trul, Hoà Sơn, Khuê Ngọc Điền, Krông Bông, Hoà Lễ, Hoà Phong, Hoà Tân, Hoà Thành, Cư Kty, EA Yiêng của huyện Krông Pách cùng tỉnh đưa sang. Trụ sở huyện đóng tại xã Khuê Ngọc Điền. Địa giới của huyện Krông Bông ở phía bắc giáp huyện Krông Pách, phía nam giáp huyện Lắc và huyện Lạc Dương của tỉnh Lâm Đồng, phía đông giáp huyện M'drăk và huyện Diên Khánh của tỉnh Phú Khánh, phía tây giáp huyện Krông Ana.
Điều 3: Huyện Krông Pách sau khi được phân vạch lại địa giới bao gồm các xã EA Kar, Krông Búk, EA Kuăng, EA Yông, EA Knuéc, Hoà Tiến, Hoà An, EA Uy. Trụ sở huyện đóng tại xã Hoà An. Địa giới của huyện Krông Pách ở phía bắc giáp huyện Krông Búk, phía nam giáp huyện Krông Bông, phía đông giáp huyện M'drăk, phía tây giáp thị xã Buôn Ma Thuột. Điều 4: Các đồng chí Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắc Lắc và trưởng Ban tổ chức của Chính phủ chịu trách nhiêm thi hành Quyết định này.
Người ký: Tố Hữu
(Theo Xalộ luật)  
 -----------------------------------------------------
NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ
SỐ: 06/CP NGÀY 21 THÁNG 1 NĂM 1995
VỀ VIỆC THÀNH LẬP THÀNH PHỐ BUÔN MA THUỘT
VÀ ĐIỀU CHỈNH ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH
GIỮA THÀNH PHỐ VỚI CÁC HUYỆN
CƯ JÚT, EA SÚP, KRÔNG PẮC
THUỘC TỈNH ĐẮK LẮC

CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắc và Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,
NGHỊ ĐỊNH
Điều I.- Nay thành lập thành phố Buôn Ma Thuột, thành lập các phường mới và điều chỉnh địa giới hành chính giữa thành phố Buôn Ma Thuột với các huyện Cư Jút, Ea Súp, Krông Pắc thuộc tỉnh Đắk Lắc như sau:
- Thành lập thành phố Buôn Ma Thuột trên cơ sở thị xã Buôn Ma Thuột.
- Thành lập phường mới và chuyển một số xã của thành phố Buôn Ma Thuột về các huyện Cư Jút, Ea Súp, Krông Pắc quản lý.
1. Thành lập phường Ea Tam trên cơ sở xã Ea Tam hiện tại. Phường Ea Tam có diện tích tự nhiên 1.199 héc ta với 11.654 nhân khẩu. Địa giới phường Ea Tam: phía Đông giáp phường Tự An và xã Ea Kao; phía Tây giáp phường Khánh Xuân; phía Nam giáp phường Khánh Xuân và xã Ea Kao; phía Bắc Giáp phường Tân Thành và phường Tự An.
2. Thành lập phường Khánh Xuân thuộc thành phố Buôn Ma Thuột trên cơ sở diện tích tự nhiên 628 héc ta, 10.105 nhân khẩu của xã Hoà Khánh và diện tích tự nhiên 1.500 héc ta, 8.777 nhân khẩu của xã Hoà Xuân.
- Phường Khánh Xuân có diện tích tự nhiên 2.128 héc ta, 18.882 nhân khẩu. Địa giới phường Khánh Xuân: phía Đông giáp xã Ea Kao và phường Ea Tam; phía Tây giáp xã Hoà Xuân và xã Hoà Khánh; phía Nam giáp xã Hoà Khánh; phía Bắc giáp phường Thống Nhất, phường Tân Thành và xã Ea Nuôl.
- Xã Hoà Khánh còn lại diện tích tự nhiên 3.682 héc ta và 10.071 nhân khẩu. Địa giới xã Hoà Khánh: phía Đông giáp xã Ea Kao; phía Tây giáp xã Hoà Phú; phía Nam giáp huyện Krông Ana; phía Bắc giáp xã Hoà Xuân và phường Khánh Xuân.
- Xã Hoà Xuân còn lại diện tích tự nhiên 2.495 héc ta và 4078 nhân khẩu. Địa giới xã Hoà Xuân: phía Đông giáp phường Khánh Xuân; phía Tây giáp xã Hoà Phú; phía Nam giáp xã Hoà Phú và xã Hoà Khánh; phía Bắc giáp xã Ea Nuôl.
3. Chuyển 3 xã Cuôr Knia, Ea Nuôl, Ea Bar của thành phố Buôn Ma Thuột với diện tích tự nhiên 17.928 héc ta, 28.736 nhân khẩu về huyện Ea Súp quản lý (trừ diện tích tự nhiên 400 héc ta, 2.044 nhân khẩu của xã Ea Nuôl giao lại cho phường Thống Nhất).
- Huyện Ea Súp sau khi điều chỉnh địa giới có diện tích tự nhiên 333.528 héc ta, 50.236 nhân khẩu, gồm 10 đơn vị hành chính là các xã: Ea Súp, Ea Bung, Ea Lê, Ea Rôk, Ea Huar, Ea Wer, Krông Na, Cuôr Knia, Ea Nuôl, Ea Bar. Địa giới huyện Ea Súp: phía Đông giáp huyện Ea Hleo và huyện Cư Mgar; phía Tây giáp biên giới Việt Nam - Căm-pu-chia; phía Nam giáp thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Cư Jút; phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai.
- Xã Ea Nuôl (thuộc huyện Ea Súp) còn lại diện tích tự nhiên 7.400 héc ta và 5.416 nhân khẩu. Địa giới xã Ea Nuôl: phía Đông giáp xã Ea Bar và xã Cư Êbur; phía Tây giáp huyện Cư Jút; phía Nam giáp xã Hoà Xuân; phía Bắc giáp xã Cuôr Knia.
4. Chuyển các xã Hoà Phú, Hoà Xuân, Hoà Khánh của thành phố Buôn Ma Thuật với diện tích tự nhiên 10.932 héc ta và 24.271 nhân khẩu về huyện Cư Jút quản lý. Huyện Cư Jút sau khi điều chỉnh có diện tích tự nhiên 82.432 héc ta, 62.433 nhân khẩu; bao gồm các xã: Ea Pô, Trúc Sơn, Tâm Thắng, Đăk Drông, Nam Dong, Hoà Phú, Hoà Khánh, Hoà Xuân và thị trấn Ea Tling. Địa giới huyện Cư Jút: phía Đông giáp thành phố Buôn Ma Thuột; phía Tây giáp huyện Đăk Mil và biên giới Căm-pu-chia; phía Nam giáp huyện Krông Nô, Đăk Mil và huyện Krông Ana; phía Bắc giáp huyện Ea Súp.
5. Chuyển xã Hoà Đông thuộc thành phố Buôn Ma Thuột với diện tích tự nhiên 3.739 héc ta và 7.971 nhân khẩu về huyện Krông Pắc quản lý (trừ diện tích tự nhiên 125 héc ta với 4.481 nhân khẩu giao lại cho phường Tân Lập).
- Huyện Krông Pắc sau khi điều chỉnh có diện tích tự nhiên 62.239 héc ta với 144.329 nhân khẩu gồm 14 đơn vị hành chính là các xã: Ea Uy, Ea Yiêng, Ea Knuếc, Ea Yông, Hoà An, Hoà Tiến, Krông Buk, Ea Kuăng, Ea Phê, Ea Hiu, Ea Kênh, Tân Tiến, Hào Đông và thị trấn Krông Pắc. Địa giới huyện Krông Pắc: phía Đông giáp huyện Ea Kar; phía Tây giáp thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Krông Ana; phía Nam giáp huyện Krông Bông và huyện Krông Ana; phía Bắc giáp huyện Krông Búk.
- Phường Tân Lập (thuộc thành phố Buôn Ma Thuột) có diện tích tự nhiên 3.500 héc ta; 36.906 nhân khẩu. Địa giới phường Tân Lập: phía Đông giáp xã Ea Tu, xã Hoà Đông, xã Hoà Thắng; phía Tây giáp xã Cư ÊBur và phường Thắng Lợi; phía Nam giáp phường Tự An, xã Hoà Thắng; phía Bắc giáp huyện Cư Mgar.
6. Thành phố Buôn Ma Thuột sau khi điều chỉnh có diện tích tự nhiên 26.985,7 héc ta và 219.333 nhân khẩu, gồm các phường: Thắng Lợi, Thống Nhất, Tân Lập, Tân Thành, Thành Công, Tân Tiến, Tự An, Ea Tam, Khánh Xuân và các xã Cư ÊBur, Hoà Thuận, Ea Tu, Hoà Thắng, Ea Kao. Địa giới thành phố Buôn Ma Thuột: phía Đông giáp huyện Krông Pắc; phía Tây giáp huyện Cư Jút; phía Nam giáp huyện Krông Ana và huyện Cư Jút; phía Bắc giáp huyện Cư Mgar và huyện Ea Súp.
Điều 2.- Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắc và Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.

                                                                           (Theo Chinhphu.vn)  

LỜI YÊU THƯƠNG

Đã yêu, yêu hết mọi người
Yêu luôn đến cả mấy người ghét ta
Người gét – thuốc đắng trừ tà
Người thương thêm ngọt hương hoa cuộc đời

Yêu dòng sông mãi đôi mươi
Rì rào cánh sóng chở lời yêu thương
Lời yêu hoá những cánh buồm
Đi qua giông bão hết niềm thương đau

Nếu rằng có được kiếp sau
Hãy xin cho được bên nhau… làm người
Đừng như hòn đá trên đồi
Ai lăn xuống vực, ai vời xuống sông…

Cuộc đời sắc sắc không không
Không không sắc sắc… thì không thành đời.
Đã yêu, yêu hết mọi người
Lẫn trong thơm thảo có lời đắng cay. ..

HẠNH PHÚC

(Tặng Mẹ Hoàng)
Bao năm rồi hạnh phúc bên nhau
Dẫu buốt mùa đông, nắng nồng mùa hạ
Dẫu tháng ngày xanh trôi nhanh quá
Mái tóc em xanh nay sương sớm cũng theo về

Mười tám tuổi đầu đã phải xa quê
Muối mặn, gừng cay, nhút, cà xứ Nghệ
Bát cơm độn hai đầu thế kỷ
Áo tơi che hết nửa cuộc đời

Ta ra đi ngơ ngác giữa đất trời
Mang cả đục, cưa, dao bổ củi
Mang cả cuốc cào rau dưa mẹ muối
Và cổ tích làng quê đến chốn thị thành

Hạnh phúc nhen dần trong mái nhà gianh
Khu phố gọi mình nhà “cấm lửa”
Vẫn những bữa nửa cơm, nửa củ
Em hé cười trong câu ví dặm thương nhau

Rằng “Trèo Động Bụt, trụt Khe Giao…”
Yêu trai xứ Nghệ …thương nhau suốt đời
Lúc gian khổ em vẫn tin hạnh phúc
Sẽ có ngày xuân gõ cửa nhà ta...

Anh là người của mây gió, cỏ hoa
Buôn bán lên mây, cuốc cày trên giấy
Tính toán GDP toàn thế giới
Nhưng không mua nổi cho em một chiếc lược chải đầu

Em vẫn vui hạnh phúc có bên nhau
Gánh cả nhà ta trên vai gầy guộc nhỏ
Tiền bạc mỏng khi không khi có
Bốn cha con hạnh phúc vẫn đơm đầy

Tháng ba này, Tháng Ba của em đây
Anh tặng em bông hoa tím
Hoa của tình yêu
Chưa kịp tặng buổi ban đầu…  
                   05-3-2010

NHỚ THÁNG BA

Tháng ba này Buôn Ma Thuột mùa khô
Thành phố vẫn xanh cây xanh cỏ
Hoa Pơ lang nở bừng sắc đỏ
Triệu ngôi sao rực rỡ một góc trời.

Tôi đi giữa phố đông người
Dòng cuồn cuộn phóng về phía trước
Đường muôn ngả toả đi khắp nước
Con đường nào cũng đẹp cũng thân thương

Đường Mai Hắc Đế con đường hoa sữa
Phố thân yêu biết bao lứa hẹn hò
Phút chia tay vẫn lời bịn rịn
Yêu em rồi anh biết nói chi mô

Giọng ai đó lẫn Trung, Nam, Tây, Bắc
ÊĐê, Mơ nông mêng mông thanh sắc
Hà Nội như thơ, miền Trung như nhạc
Tiếng miền Tây ngỡ sóng xô bờ…

Ngày Chiến thắng tháng ba - ngày giải phóng
Thành phố hồng tươi trên mỗi ngọn cờ
Hương trầm đâu đây thơm thơm góc phố
Anh giải phóng quân ơi… mẹ vẫn đang chờ

Có chiến thắng nào không qua khổ đau
Anh đang ở nơi nào ngày chiến thắng
Viên đạn cuối cùng giặc bắn
Máu anh hoà trong đất mẹ bazan…

10/3 này trọn 35 năm
Anh ở đâu hãy về anh nhé
Thành phố đón anh – pháo hoa bừng ánh lửa
Phố đầy hoa dẫn lối anh về

Có chiến thắng nào không qua khổ đau
Có niềm vui nào không rơi nước mắt
Thành phố tháng ba ngập tràn hạnh phúc
Xin thắp nén hương này dâng kính anh…  


HOA MUA AI BÁN MÀ MUA


















Ngày ấy bên đồi hoa mua tím
Khói lam chiều e ấp thung xanh
Mấy đứa bạn bày trò đám cưới
Em dâu hiền, chú rể thảo là anh

Quả sim xanh làm quà dạm ngõ
Đóa hoa mua, "hai họ" tác thành
Bông hoa cỏ vái dâng tiên tổ
Nhẫn rễ cây thầm buộc chúng mình...

Tạm biệt quê mùa thành người phố thị
Đất chật, người đông hẹp cả tấm lòng
Đồng tiền tính toan, người hằn giá trị
Cuồn cuộn cuộc đời bán bán mua mua

Từ quê nghèo cà mặn dưa chua
Bạn bè xa quê đi về muôn ngả
Đứa phá rừng hóa thành tỷ phú
Đứa buôn gian đọc Khổng Tử làu làu

Tình đời mặn nhạt, nông sâu
Gánh đô la lên chùa cầu đấng từ bi bác ái
Người trọng nghĩa hóa thành kẻ dại
Tiền yêu ma vô lại thành khôn

Tất bật với đời mê mải tính toan
Giật mình nghe tiếng chiều quê vọng lại
Vết sẹo nhói bàn chân thưở ấy
Hái hoa mua còn tím đến bây giờ

Quê hương ơi đâu những cánh cò
Câu dân ca vụn thành nhạc ráp
Đồi hoa mua đã hóa thành hoang mạc
Hoa mua còn ai bán để mà mua

Hoa mua ơi hoa mua
Tuổi thơ trao nhau đâu tính toán
Vẫn tím ngát trên đồi bất tận  
Ngỡ đây còn đám cưới tuổi thơ ta...

VIẾT CHO NGÀY NÓI DỐI

                Gặp em đây mối tình đầu
            Yêu em cởi áo... qua cầu gió bay
            Tay cầm vài miếng trầu cay
            Trăm năm trói buộc cả hai thâm tình

 
            Rằng anh không lấy được mình
            Rằng anh sẽ chết cho tình là đây
            Anh về ôm một đám mây
            Một thúng sao sáng, giắt đầy lưng trăng

 
            Vin cành đa của chị Hằng
            Hái nhành lộc biếc tặng nàng ngày xuân
            Tặng người tuyệt mỹ giai nhân
            Trao vàng vàng mất, trao thân hãy còn...
           
            Còn trời còn nước còn non
            Anh còn hơi thở vẫn còn yêu em
            Anh thề trước bóng ngọn đèn
            Rằng sai... răng sẽ mọc trên hai hàm!


Ngày nói dối: Pháp được cho là quê hương của ngày Cá tháng Tư. Năm 1564, vua Charles IX của Pháp, lúc đó 14 tuổi, quy định ngày 1 tháng 1 là ngày đầu năm thay vì 1 tháng 4 như dân chúng vẫn dùng trước đó. Quyết định này được áp dụng năm 1567. Tuy nhiên, do phương tiện liên lạc rất lạc hậu nên nhiều người không nhận được tin đổi lịch. Những người này tiếp tục coi ngày 1 tháng 4 là năm mới và bị những người khác cười vì điều này, người nào bị lừa sẽ gặp rất nhiều may mắn trong cuộc sống. (Wikipedia)

THƯƠNG CHỊ BA SƯƠNG!

Chị Ba Sương - đời lại nổi ba đào
Sóng vùi dập một phận người nhân hậu
Qua khốn khó niềm đau ai hiểu thấu
Chẳng lẽ nhân tình chỉ biết bán và mua

Nhân tình có tự ngàn xưa
Cái thiện phải phải diệt trừ cái ác
Lũ bán tơ, sợi xích thằng độc ác
Trói đau thương biết mấy thâm tình

Một thời tuổi trẻ đã hy sinh
Chị nhận về mình tủi buồn đơn chiếc
Những năm tháng lội bùn chân lấm đất
Đất quê nhà chát chúa mấy niềm đau

Đất nước một thời bãi bể nương dâu
Bom đạn kẻ thù cắt chia đất nước
Những cánh đồng chiều hoang tím ngắt
Máu dân lành hòa thấm mấy dòng kênh

Lớn lên giữa đất nghèo qua mấy cuộc chiến chinh
Sống giữa phù sa mà người dân khốn khó
Đất trù mật phải mót từng hạt lúa
Hằn nỗi đau xơ xác những thân nghèo

Khổ đau nhiều lòng chan chứa tình yêu
Nỗi đau từng nhà thành niềm đau Tổ quốc
Hạnh phúc nào hơn sẻ chia cùng đất nước
Cần mẫn tháng ngày gieo từng hạt mầm xanh

Mầm xanh đã về trên những dòng kênh
Bạt ngàn lúa xanh mướt trời Sông Hậu
Bao ước nguyện một thời tranh đấu
Là đây, đời thắm mùa vàng

Bao phận nghèo chị cần mẫn lo toan
Góc khuất mảnh đời tối tăm lại sáng
Nghèo khổ sẽ lùi về dĩ vãng
Ai nhỏ lệ nhòa khi bưng bát cơm ăn...

Đất nước vơi dần những ngày tháng khó khăn
Sông Hậu đã từng giờ đổi khác
Gạo xuất khẩu lấy đô la và tiền bạc
Chẳng lẽ nhân tình cũng đem bán và mua?

Chị với bao người rửa mặn thau chua
Lúa vẫn lên xanh mà chát chua đời chị
Lũ bạc ác lấy xích xiềng ngụy lý
Gieo nỗi oan khiên lên thân phận yếu mềm...

Sáng nay đọc mấy mẩu tin
Rằng chị lại ra tòa lần nữa
Rằng chị cõi còm trong đau khổ
Rằng kẻ nhẫn tâm vẫn cười giữa công đường...


"Sao trời chẳng nổi cơn giông
Xóa đi hết nỗi bất công trên đời..."

CHÚNG TÔI LÀ PHỤ NỮ

Chúng tôi là phụ nữ
Suốt một đời kim chỉ vá may
Khâu hai nửa cuộc đời làm một
Khâu nát tan lành lặn trái tim này

Chúng tôi rất yêu thơ yêu nhạc
Yêu cả lời nói dối trăng hoa
Lời nói dối - chút đường hóa học
Chẳng làm sao
Năm tháng sẽ nhạt nhòa

Chúng tôi cầm súng chẳng phải vì yêu súng
Những đau thương dân tộc đến tận cùng
Đành bỏ dở nét thêu trên gối
Chim câu hiền gãy cánh giữa bom rơi

Chúng tôi muốn trời trong xanh mãi
Người làm thơ cứ viết thơ hay
Những câu thơ – những lời có cánh
Đáng yêu sao lời nói dối chân thành

Chúng tôi muốn mãi là phụ nữ  
Suốt cuộc đời khâu vá những đau thương...
         ThuyDuong

GẶP LẠI CỐ NHÂN

Mấy chục năm rồi gặp lại
Bâng khuâng như mới ban đầu
Vẫn lời mô tê răng rứa
Vẫn tràn đôi mắt trong nhau

Vẫn em cái nhìn đằm thắm
Đời anh bỗng hóa sang giàu
Vẫn lời bao nhiêu năm trước
Anh rong ruổi những nơi đâu

Vẫn em tóc xanh Hồng Lĩnh
Gió lùa soi bóng nhịp cầu
Cuốn trong nắng hè rát bỏng
Ngỡ rằng ta thuộc về nhau

Em từ Quỳnh Lưu gió cát
Mang theo hương gió địa đầu
Chắt trong đất cằn xứ Nghệ
Hồn quê hóa đáy sông sâu

Em lên từ nơi biển mặn
Nhớ anh sóng cũng bạc đầu
Ôm em vào trong lồng ngực
Thiên Cầm trăng vỡ vào nhau

Nếu cho ta về chốn cũ
Phượng hồng rơi xuống niềm đau
Sân trường ngày xưa bịn rịn
Nơi đâu lời hẹn ban đầu

Mấy chục năm trời không gặp
Lòng này vẫn thuộc về nhau
Trái tim – phượng hồng cháy bỏng
Vẫn lời của đáy sông sâu…

Hà Tĩnh 06/8/2010  

LỐI CŨ TA VỀ


Ta lại về quê mẹ Hương Khê
Đi qua những đồi hoa mua tím
Qua Động Bụt – Khe Giao trời bịn rịn
Mây trắng bay ngơ ngẩn dưới chân đèo

Dòng Ngàn Sâu như mắt người yêu
Đón đợi mỏi mòn trong ký ức
Giọt lệ nhớ nhung hòa sông nước
Mỗi lối về đều dậy sóng lòng ta

Em vẫn như xưa e ấp lời hoa
Anh ngỡ vầng trăng rơi trên mặt đất
Lời hò hẹn có khi tròn khi khuyết
Vẹn tấm lòng vành vạnh những tin yêu

Biết mấy năm rồi vẫn thấm hồn quê
Bánh đúc chợ Gia, nhút cà Hương Phố
Nắm mít xanh nhồi cùng ngọn đỗ
Cứ thanh chua da diết  tận bây giờ…

Lối cũ ta về như thực như mơ
Nơi ta gánh cái nghèo đi bán
Nghèo chẳng ai mua, nghèo thành bè bạn
Ta ngâm mấy câu thơ ai dám bảo ta nghèo

Em chắp cánh cho ta thành tỷ phú tình yêu
Sự giàu có chẳng bao giờ đem bán
Ta đổi tuổi đôi mươi lấy bạc đầu hò hẹn
Ôm một vầng trăng em tặng buổi ban đầu

Lối cũ ta về em ở nơi đâu
Lời hò hẹn có khi tròn khi khuyết
Sông bên lở bên bồi da diết
Tình yêu em vẫn sáng mãi trăng rằm...
     Hà Tĩnh 10/6/2010

TỪ "ĐỒNG CHÍ" CÓ TỪ KHI NÀO?

"ĐỒNG CHÍ"
Ngày xưa, từ thời cổ Trung Hoa, có mấy từ xưng hô được dùng nhiều như ‘trưởng lão", "tiên sinh", "đồng chí"...
Thời Xuân Thu (-770 đến - 403), ông Tả Khâu Minh đã giải nghĩa từ "đồng chí" như sau: "Đồng đức tài phải đồng lòng, đồng lòng ắt phải đồng chí".
          Trịnh Huyền đời Đông Hán (khoảng từ năm 25 đến năm 220) nói rõ: "Đồng chí là bạn bè".
          Cùng thời với Trịnh Huyền là Vương Sung trong tập sách "Luận hành" vẫn thường nói: " Hảo hữu đồng chí" (bạn tốt cùng chí hướng).
          Ông Tôn Trung Sơn, năm 1918 đã viết trong hai tập sách "Chí hải nội ngoại đồng chí thư" (thư gửi các đồng chí trong và ngoài nước) và "Chí Nam Dương đồng chí thư" (gửi các đồng chí Indonesia). 
         Trong thời kỳ cách mạng dân chủ tư sản Trung Quốc, từ "đồng chí" thường dùng nhiều trong nội bộ đảng.
          Năm 1920, Mao Trạch Đông đã nói và viết từ "đồng chí" khi trao đổi với bạn bè, cộng sự.
          Nắm 1923, các văn bản giao dịch của Đảng Cộng sản Trung Quốc dùng từ "đồng chí thân mến".
          Năm 1949, từ "đồng chí" được dùng để xưng hô tôn kính và thân thiết giữa các dân tộc ở Trung Quốc.
          Năm 1959, Mao Trạch Đông ra chỉ thị phải dùng từ "đồng chí" để xưng hô giữa các đảng viên.
          Ngày 14 tháng 12 năm 1965, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ra thông tri chính thức yêu cầu các đảng viên phải xứng hô với nhau là "đồng chí".
          Như vậy, từ "đồng chí" đã có xấp xỉ gần 3000 năm rồi đấy!

MỘC NHĨ
























Đơn giản vậy một chùm mộc nhĩ
Bám lấy cành khô mặc kệ đời
Mặc ồn ã tháng ngày chìm nổi
Bao vui buồn chen chúc giữa dòng trôi

Đời vui quá vạn lần đáng sống
Mỗi bình minh nắng ấm mới lên
Như em tuổi nụ hồng mới lớn
Ngực căng tròn hò hẹn buổi đầu tiên

Nếu có chút buồn thôi - thành kỷ niệm
Lộc lên xanh - lá vàng rụng bên thềm
Chút buồn giận cho lòng thêm rắn rỏi
Đã yêu rồi hờn giận lại yêu thêm

Sao lại nỡ hóa thành mộc nhĩ
Chẳng còn nghe chim hót mỗi bình minh
Chẳng còn nghe khổ đau cùng tận
Dửng dưng theo ... hóa đá trái tim mình

Sao lại nỡ hóa thành mộc nhĩ
Đất đầy hoa và đời cũng đầy thơ
Bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu khờ dại
Chút dại khờ ... nung nấu những niềm mơ

Sao lại nỡ hóa thành mộc nhĩ
Lẫn lời yêu với dối trá ngọt ngào
Lẫn thù hận với yêu thương nhung nhớ
Trốn cuộc đời ... héo úa giữa nhành khô

Sao lại nỡ hóa thành mộc nhĩ?
Lời yêu thương... tha thiết gọi từng giờ...

VÀ EM ĐẾN


 















Có một ngày
Tình em gõ cửa
Nắng vừa nhen,
Bình minh đến rất mềm
Nụ hoa thắm nghiêng nhìn bẽn lẽn
Lá vàng rơi
Khe khẽ bên thềm

Một ngày mới
Đời như trẻ lại
Tháng ngày buồn bỗng thấy dịu êm
Em khóc đấy
Đẹp như tranh tố nữ
Anh vụng về bối rối mắt em xinh

Tình em đến
Như cung đàn phiêu lãng
Giải hết đau thương phiền muộn trên đời
Có phải thiên đường là có thật
Gió thì thầm câu hát tuổi đôi mươi

Bông huệ trắng
Bất ngờ bông huệ trắng
Nép bên trời một chút thắm tinh khôi

Tình em đến
Khẽ khàng gõ cửa

Chẳng cần đâu
Gió mở cửa lâu rồi...

Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

GIỮ LẠI



















Em gửi bao phiền muộn
theo gió bay về trời

Gửi nhọc nhằn cho sóng
tan biến vào trùng khơi

Gửi nỗi niềm cay đắng
mặc bão giông dập vùi

Và ... em xin giữ lại
chỉ một mình anh thôi!
(Châu Loan)

GẶP EM CÔ GÁI CAO NGUYÊN
















Dữ dội mưa Cao Nguyên
Sông DakBla mờ sau màn trắng
Sao em ngồi bên tôi yên lặng
Nghe bốn bề ào ạt mưa sa

Nửa đời đi qua giữa những phố nhà
Tôi đến với Cao Nguyên bao la trời đất
Em như thiên nhiên ngọt ngào chân thật
Sống hết mình như cơn mưa đêm nay

Sông DakBla không trôi xuôi
Sao thời gian chẳng thể nào chảy ngược
Cho tôi về với bao mùa xuân trước
Để được gặp em … cô gái Cao Nguyên!
(Thơ người HN tặng em gái Kon Tum...)

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

THƯƠNG LẮM QUÊ NHÀ



Quê hương tôi xanh lũy tre làng
Mấy ngàn mùa thu xanh thẳm
Cha tôi cần mẫn cuốc cày mỗi sáng
Xới trái đất lên đất hóa mùa vàng

Mẹ trồng cây lúa non ba tháng mười ngày
Bấm đốt ngón tay đợi mùa gặt hái
Bàn tay trần đánh nhau cùng cỏ dại
Bóng mẹ gầy lẫn với cỏ chiều đông

Thời thế đổi thay
Mẹ vẫn phải ra đồng 
Tay cuốc tay cày dắt trâu qua phố
Đất trù mật hóa sân gôn mấy lỗ 
Mẹ thương trâu mỏi gối phải đi vòng

Vất vưởng sương chiều nồng nặc khói xăng
Trăng lọ lem nhô ra sắc úa
Phần đất ông cha đợi ngày giải tỏa
Làng vàng nay hóa xóm đen

Quê hương ơi nay lẫn lạ quen
Đình làng hóa thành phế tích
Giếng cổ ngàn năm thành vết tích
Ông tướng canh đền nhuộm mắt đỏ tóc xanh

Quê hương tôi xanh lũy tre làng
Nay đã từ làng lên phố
Thị trấn nhỏ hóa thành thị xã
Thị xã nghèo đã hóa phố bê tông

Mẹ bảo sao không giả tỏa đầu các anh
Cho dân làng bớt phần khốn khổ
Những dự án mười năm dang dở
Đất phì nhiêu cỏ sậy mọc ngút ngàn

Sao chẳng nghe lời ông cha tấc đất tấc vàng
Sao cứ ra rả đọc lời tiết kiệm  
Biết mấy suối sông thành thủy điện
Những dòng suối hiền hòa bỗng nổi cuồng phong 

Lũ lụt trôi nhà cầu thần núi thần sông
Thần ở rất xa
Người dân nghèo khó
Bao sinh mạng treo đầu ngọn cỏ
Biết mấy phận đời đau khổ bởi quan liêu

Quê hương tôi từ lũy tre làng
Nay đã từ làng lên phố
Người vẽ bánh sống đời no đủ
Thương phận nghèo bóng mẹ dáng xiêu xiêu…