Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

8 TỜ BẠC KHÓ LÀM GIẢ NHẤT THẾ GIỚI

Công nghệ làm tiền giả là mối lo của tất cả các quốc gia trên thế giới. Chính vì thế, người ta không ngừng sáng tạo ra những phương pháp in tiền đặc biệt để chống bị làm giả.

Dưới đây là những tờ bạc khó làm giả nhất trên thế giới do tổ chức International Association of Currency Affairs nhận định.

1. Đồng 10.000 tenge của Kazakhstan

Đồng 10.000 tenge của Kazakhstan là đồng bạc đầu tiên trên thế giới dùng sợi đai an ninh có thể được nhìn thấy trên cả hai mặt. Kazakhstan là một trong những quốc gia cuối cùng trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) có tiền tệ của riêng mình. Năm 1995, quốc gia này mở nhà máy in đồng tenge đầu tiên.

2. Đồng 50 Peso của Mexico

Đồng 50 peso của Mexico được làm từ nhựa polymer ép thành lớp và có thể đổi màu từ các góc độ khác nhau. Điều này giúp giảm khả năng bị làm giả giảm đi rất nhiều. Đồng peso và những đồng đôla hiện nay có chung nguồn gốc từ đồng đôla Tây Ban Nha của thế kỷ 15. Đồng peso của Mexico là loại tiền tệ được giao dịch nhiều thứ 12 trên thế giới, nhiều thứ 3 tại châu Mỹ và nhiều nhất tại châu Mỹ Latin.

3. Đồng 1.000 kronor của Thụy Điển

Đồng kronor trở thành tiền tệ của Thụy Điển từ năm 1873. Đồng 1.000 kronor của quốc gia này sử dụng công nghệ dải vi thấu kính giống như trên đồng 100 USD mới của Mỹ. Bên cạnh đó, những họa tiết chìm khiến cho tội phạm làm giả phải bó tay.

4. Đồng 10 đôla Hong Kong

Những họa tiết phức tạp cùng với công nghệ mực in nổi khiến cho đồng 10 đôla Hong Kong khó có thể bị làm giả. Đôla Hong Kong là loại tiền tệ được giao dịch nhiều thứ 8 trên thế giới.

5. Đồng 10 rupee của Nepal

Công nghệ in trên chất liệu polymer sắc nét cộng với những sợi kim loại tinh tế là những đặc điểm giúp đồng bạc 10 rupee của Nepal rất khó bị làm giả.

6. Đồng 1.000 dinar của Iraq

Đồng bạc 1.000 dinar của Iraq được in mực nổi tạo nên những hiệu ứng đặc biệt trên nền hoa văn độc đáo. Bên cạnh đó, người ta sử dụng một loại mực đặc biệt chỉ có thể nhìn dưới tia cực tím để in đồng tiền này. Năm 2003, Iraq phát hành một loạt tiền mới gồm các mệnh giá 50, 250, 1.000, 5.000, 10.000, và 25.000 dinar. Những đồng bạc này có cùng thiết kế với loạt tiền được Ngân hàng Trung ương Iraq phát hành những năm 1970 và 1980. Đến năm 10/2004, đồng bạc 500 chính thức có mặt trên thị trường.

7. Đồng 20 Bảng của Anh

Công nghệ ba chiều khiến cho việc làm giả đồng 20 Bảng mới của Anh này gần như là không thể. Đồng Bảng là loại tiền tệ được giao dịch nhiều thứ 4 trên thế giới, sau đồng đôla Mỹ, euro và yên Nhật.

8. Đồng 100 USD mới của Mỹ

Là loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất trên thế giới, đôla Mỹ luôn bị các thế lực tội phạm nhăm nhe làm giả. Để đảm bảo an ninh tiền tệ, Mỹ không ngừng phát minh những công nghệ tiên tiến trong việc in tiền. Trên đồng 100 USD được phát hành năm 2010, công nghệ in nổi đặc biệt cùng hiệu ứng đổi màu trên nền họa tiết phức tạp giúp cho đồng bạc này rất khó làm giả. Bên cạnh đó, người ta còn sử dụng công nghệ in 3D để sản xuất đồng tiền này.
Tuyến Nguyễn (Theo Rediff)

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

SỐ LIỆU NHỎ...

THÀNH PHỐ VINH - NGHỆ AN

          Tổng diện tích tự nhiên là 104,97 km2, dân số là 306.000 người; trong đó khu vực nội thành gồm 16 phường và 9 xã ngoại thành.

THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

          Ngày 28/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị định số 89/2007/NĐ-CP về việc thành lập Thành phố Hà Tĩnh thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
          Thành phố Hà Tĩnh có 56,32 km2 đất tự nhiên, 117.546 nhân khẩu và 16 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các phường: Bắc Hà, Nam Hà, Trần Phú, Tân Giang, Đại Nài, Hà Huy Tập, Nguyễn Du, Thạch Linh, Thạch Quý, Văn Yên và các xã: Thạch Trung, Thạch Hưng, Thạch Hạ, Thạch Đồng, Thạch Môn, Thạch Bình.

THÀNH PHỐ BUÔN MA THUỘT

            Diện tích của thành phố khoảng 377 km², trong đó diện tích đã đô thị hóa là 100km2.
          Dân số toàn thành phố là 340.000 với người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 15%. Gần 80% dân số sống tại khu vực nội thành.
          Buôn Ma Thuột là thành phố đô thị loại 1; có 13 phường, 8 xã. Đặc biệt có 7 buôn (làng) nội thành với gần chục nghìn người Êđê, họ vẫn giữ kiến trúc nhà ở và lối sản xuất riêng ngay trong lòng thành phố.
          Kết quả phân định 3 khu vực của thành phố Buôn Ma Thuột theo quyết định số 03/2009/QĐ-UBND của UBND Tỉnh Đắc Lắc ngày 13/01/2009 như sau :
Khu trung tâm, gồm các phường: Tân Tiến, Thắng Lợi, Thống Nhất, Thành Công, Tân Lợi, Tự An, Tân Lập, Tân Thành.
Khu cận trung tâm, gồm các phường: Khánh Xuân, Tân Hòa, Thành Nhất, Ea Tam, Tân An;
          Khu ven nội, gồm các phường, xã: Cư Êbur, Hòa Thắng, Hòa Khánh, Hòa Thuận, Ea Tu, Ea Kao, Hòa Phú, Hòa Xuân.

THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

          Toàn thành phố có diện tích 1.255,53 km² (trong đó phần đất liền950,53 km²; phần huyện đảo Hoàng Sa305 km²). Đà Nẵng hiện tại có tất cả6 quận, và 2 huyệnHòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa.
          Dân số 887.070 người (2009).

THÀNH PHỐ HUẾ

            Diện tích  83,30 km²; Dân số (năm 2010) 338.994; Đô thị loại I  24 tháng 8 năm 2005

THỦ ĐÔ HÀ NỘI
          Sau đợt mở rộng địa giới hành chính vào tháng 8 năm 2008, Hà Nội hiện nay có diện tích 3.344,7 km2, gồm một thị xã, 10 quận và 18 huyện ngoại thành. Dân số 6.472.200; Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội là một trong hai trung tâm kinh tế của cả quốc gia.

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
          Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay bao gồm 19 quận và 5 huyện, tổng diện tích 2.095,01 km². Theo kết quả điều tra dân số chính thức vào thời điểm 0 giờ ngày 1 tháng 4 năm 2009 thì dân số thành phố là 7.162.864 người (chiếm 8,34% dân số Việt Nam)

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

LỜI EM NÓI



Biền biệt phương trời nay trở về quê
Lại được nghe những lời em nói
Cứ trong trẻo như Ngàn Sâu vời vợi
Thắm đầm trong câu nhớ câu thương

Ôi quê hương quê hương
Nơi khoai sắn đã nuôi ta khôn lớn
Những Yên Hội, Thượng Bình, Thái Sơn, Phúc Ấm
Cháy lòng ta bao nỗi nhớ khôn nguôi

Bất chợt gặp em
Giữa chốn đông người
Câu nói hồn nhiên “Anh, răng lâu về rứa”
Trong lạnh cóng chợt bừng ngọn lửa
Ấm lòng bao ngày tháng đi xa…

Mùa xuân này anh về với quê ta
Xuân này vui hơn mấy mùa xuân trước
Nghe văng vẳng nhà ai tiếng hát
Nghe tiếng em hiền như gió xuân

Anh bước đi trong mưa phùn lâng lâng
Có tiếng em trong lòng thổn thức
Sông Ngàn Sâu ơi
Bồi hồi xoáy nước
Nơi bến thuyền
Ta đã nói lời yêu

Năm tháng qua đi
Nắng sớm mưa chiều
Ngàn Sâu cũng bên bồi bên lở
Nơi ta đến con đường hoa cỏ
Lời em thành ngọn lửa
Cháy lòng ta…

NÊN LẤY NGÀY 10-2, LÀM NGÀY "TÌNH YÊU" CỦA NGƯỜI VIỆT

Đền Chử Đồng Tử - linh thiêng một tình yêu

Truyền thuyết về mối tình giữa nàng công chúa lá ngọc cành vàng với một chàng trai nghèo khó nhưng rất mực hiếu thảo từ lâu đã trở thành thiên tình sử đẹp nhất trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam.
Chử Đồng Tử - Tiên Dung, những con người không tham danh vọng, không màng phú quý vinh hoa, suốt đời chỉ tìm đến với những cái đẹp trong thiên nhiên, khai phá tạo dựng những bãi bồi phù sa đã đi vào cõi bất tử trong tâm linh của người dân đất Việt.
Từ Hà Nội, du khách có thể xuôi dòng sông Hồng chừng 20km là tới bến Bình Minh hoặc có thể đi đường bộ qua cầu Chương Dương rẽ phải, theo đường đê chừng 25km là tới đền Chử Đồng Tử hay đền Đa Hòa ở xã Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên.
Khách thập phương tới đây không chỉ để đứng trên con đê sông Hồng thưởng ngoạn phong cảnh bình yên của một vùng quê "xanh xanh lũy tre, ngô khoai biêng biếc, con đò sang ngang" hay ngắm nhìn những dải phù sa cát trắng, những ánh nắng lung linh trên những hàng cau… mà còn để được đắm mình giữa chốn Bồng Lai tiên cảnh của đền Đa Hòa và dâng nén nhang tưởng nhớ tới đức thánh Chử Đồng Tử (một trong tứ bất tử của thần linh đất Việt) cùng vị phu nhân xinh đẹp Tiên Dung công chúa (con gái vua Hùng Vương thứ 18) và nàng Tây Sa công chúa.
Đức thánh Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa được thờ phụng ở nhiều nơi trên địa bàn vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, chủ yếu là các làng ven sông Hồng và sông Đuống. Nhưng, một trong những nơi thờ tự chính, nổi tiếng sầm uất nhất là đền Đa Hòa cạnh bờ sông Hồng trông thẳng sang bãi Tự Nhiên - nơi đã diễn ra cuộc gặp gỡ và nảy sinh mối tình nên thơ, diễm lệ giữa chàng trai đánh cá nghèo không mảnh khố che thân với nàng công chúa Tiên Dung lá ngọc cành vàng vừa độ 18 trăng tròn.
Đền Đa Hòa hay còn được nhân dân trong vùng gọi là đền Chính vì đây là nơi thờ tự chính của nhân dân tổng Mễ (thuộc huyện Đông An, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên nay thuộc xã Bình Minh, Khoái Châu và xã Mễ Sở, Văn Giang, Hưng Yên) được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1962. Đây không chỉ là một di tích lưu truyền và lan toả về một thiên tình sử hàng ngàn năm nay mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp mà còn có giá trị đặc biệt về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc thời Nguyễn.
Đền do tiến sĩ Chu Mạnh Trinh (người làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu, Hưng Yên, nay thuộc Văn Giang, Hưng Yên) đứng ra vận động nhân tài, vật lực của nhân dân tám thôn tổng Mễ cùng thập phương công đức để xây dựng, tôn tạo năm 1894 trên nền một ngôi đền cổ.
Hiện vẫn chưa có tài liệu chính xác nào cho biết ngôi đền cổ này được xây dựng từ thời gian nào, bằng vật liệu gì, qui mô to nhỏ ra sao và điều quan trọng hơn là ngôi đền này thờ ai.
Quang cảnh đền như hiện nay là một kiến trúc quy mô lớn, mặt quay hướng chính Tây, nhìn thẳng sang bãi Tự Nhiên mà kế đó, thuộc địa phận huyện Thường Tín (Hà Tây) có ngôi đền Ngự Dội để ghi đấu nơi Tiên Dung dừng thuyền rồng tắm thuở nào.
Tổng thể kiến trúc đền nằm trên một khu đất cao, rộng, bằng phẳng, hình chữ nhật có tổng diện tích 18.720m2, bao gồm 18 nóc nhà lớn nhỏ. Con số này là sự gởi gắm ý tưởng của người xây dựng nhằm nhắc nhở người đời sau nhớ tới thiên tình sử của nàng Tiên Dung công chúa vừa tròn 18 tuổi, diễn ra vào đời Hùng Vương thứ 18.
Thu hút sự chú ý của du khách hành hương là các pho tượng, đặc biệt là các pho tượng đức thánh Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân đặt ở Hậu Cung. Các pho tượng đều được đúc bằng đồng, mặt tượng được sơn màu da, kẻ mắt và có độ cao ngang bằng nhau. Hiện nay trong đền còn có ba pho tượng như thế này nữa đặt ở cung Đệ Tam.
Trong thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng, chúng đã lấy ba pho tượng bằng đồng quý giá đem đi. Do đó nhân dân địa phương đã tạc ba pho tượng bằng gỗ để thờ. Nhưng do sự đấu tranh kiên quyết của nhân dân địa phương, về sau chúng đã phải trả tượng lại cho đền. Ba pho tượng bằng gỗ kia cũng được giữ lại do đã có một thời gian sống trong tâm linh của dân, đồng thời để ghi dấu một thuở nơi đây từng bị giặc ngoại xâm tàn phá quê hương, phá bỏ đền chùa.
Ngôi đền càng được tôn thêm vẻ đẹp cổ kính, rêu phong với sông nước bao la, cổ thụ bốn mùa xanh tốt. Cây cối nơi đây cũng được chọn lọc để tập trung vào chủ điểm khẳng định sự bất tử của đức thánh Chử Đồng Tử cũng như mối tình tuyệt mỹ của ngài. Xen vào đó là những lời hay, ý đẹp và tình yêu bất tử của con người toát lên qua mỗi lời, mỗi chữ của những bức hoành phi, câu đối của những bậc tao nhân, mặc khách mọi thời. Thật là một chốn Bồng Lai tiên cảnh nơi trần thế.
Hiện nay đền Đa Hòa còn được bảo tồn được nhiều di vật quý hiếm, trong đó đặc biệt phải kể đến đôi lọ Bách Thọ (một trăm chữ thọ không chữ nào giống chữ nào, khắc trên thành lọ bằng gốm), một cổ vật vô giá của dân tộc.
Tại đây người dân địa phương đã bao đời hương khói trong niềm tin tưởng cầu phúc, cầu lộc, sức khỏe, mùa màng tươi tốt cho mình và cho cả đất nước. Vì thế mà:
"Hỡi ai đi ngược về xuôi
Nhớ hội Đa Hòa mồng mười tháng hai"
Từ xưa đã thành thông lệ, cứ ba năm một lần, người dân tổng Mễ xưa lại mở hội hàng Tổng từ mồng 10-15 tháng 2 âm lịch gọi là hội Kỳ Yên (hội cầu mát). Vì thế mà ngày nay đền Đa Hòa hay đền Chử Đồng Tử không chỉ là một nơi thờ cúng tâm linh của nhân dân, mà nó còn là một trong những điểm du lịch tham quan không thể thiếu của những tour du lịch vùng đồng bằng sông Hồng, và đặc biệt là các tour du lịch bằng đường sông cùng với làng gốm Bát Tràng, đền Đại Lộ, đền Dầm hay thương cảng Phố Hiến.
Đức thánh Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa đã bay về trời nhưng tình yêu của họ vẫn còn mãi với thời gian và bất tử trong tâm linh các thế hệ người dân Việt Nam. Đền Chử Đồng Tử - đền Đa Hòa ở xã Bình Minh và nhân dân nơi đây đã, đang và mãi mãi là một trong những điểm tựa cho sức sống bất tử ấy. Thời gian đi qua, nhưng truyền thống văn hoá dân tộc còn mãi không mờ, tâm linh người Việt vẫn luôn hướng về tổ tiên, hướng về cội nguồn và hướng về "đền Chử Đồng Tử - linh thiêng một tình yêu".
NGUYỄN KHẮC HUY (Báo Tuoitre)

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012

HOA PƠ LANG NGHÊNH XUÂN NHÂM THÌN - 2012





 
Cây Hoa Pơ lang đại thụ bên đường Phan Bội Châu - TP Buôn Ma Thuột, DakLak
photo by: xuanlinh