Việt Nam hay Trung Quốc ai tham lam của ai ?
Thảo luận về nguy cơ bá quyền Trung Quốc
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng
Lời dẫn,
Sau khi kéo về và cho đăng tải lên blog cá nhân tôi bài phỏng vấn của Steven Mosher, một học giả người Mỹ chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc hiện đại đã đăng trên “Gazeta Wyborcza” là nhật báo tri thức có uy tín và lớn hàng đầu tại Ba Lan (Lê Diễn Đức dịch), tôi có nhận được lời bình của một độc giả có tên là Phạm Tưởng Cán. Thiết nghĩ lời bình thể hiện một tư duy khá tiêu biểu phổ biến trong giới gần với chính quyền Trung Quốc, liên quan đến Việt Nam, tôi thấy cần lên tít để có thông tin rộng rãi cho nhiều bạn bè, độc giả.Lời bình của ông Phạm Tưởng Cán
(May 14th, 2011 at 18:47)- Bác Nguyễn Đăng Hưng.
Tác giả Lê Diễn Đức viết không thuyết phục.Lịch sử cận đại TQ vô cùng đen tối.Lựa chọn con đường của dân tộc họ là tất yếu của lịch sử.Chỉ có 30 năm từ một nước nghèo đói họ đã vươn lên thành cường quốc thực sự.VN sao không hòa hiếu với một nước lớn để phát triển cứ đòi đánh nhau,được mấy ngáp.Vấn đề dân chủ không đơn giản đối với người Á Đông.Một nước phát triển như Nhật nếu thả lũ âm binh “dân chủ” ra thì thế nào nhỉ?
Mọi người lo cái không có thật.TQ lo nội loạn còn chưa xong dại gì họ đánh nhau.Vấn đề biển đông là do VN tham quá,Một nước nhỏ nghèo đòi chiếm cả miếng bánh làm sao họ chịu đươc.Mà miếng bánh đó do các cường quốc phương tây xí hộ chứ các cụ nhà ta sức đâu?
Trả lời của Nguyễn Đăng Hưng
May 15th, 2011 at 03:48 | #2
Thưa ông Phạm Tưởng Cán,Hình như ông đọc không kỷ rồi bình phẩm quá vội vã. Lê Diễn Đức chỉ là dịch giả, không phải là tác giả bài tôi đăng lại. Đây là một bài phỏng vấn chuyên gia Mỹ nổi tiếng về Trung Quốc Steven Mosher đăng trên một tờ báo lớn tại Ba Lan. Xin ông xem phần chú thích của bài phỏng vấn.
Cũng xin thông tin cho ông về người được phỏng vấn Steven Mosher là một chuyên gia về Trung Quốc đã có thời gian dài khảo cứu xã hôi Trung Hoa hiện đại (1979-1980), nói thông thạo tiếng Quan Thoại và tiếng Quảng Đông. Hiện nay ông là chủ tịch “Population Research Institute (PRI)”, một tổ chức phi lợi nhuận tại Hoa Kỳ. Ông có thể tìm hiểu thêm tác giả này nếu ông đọc cuốn sách nổi tiếng: “China’s Plan to Dominate Asia and the World” (Encounter Books, July 2000), hay báo cáo của ông về Trung Quốc ở đây.
Ngoài ra tôi không thể nào chia sẻ với ông khi ông viết:
“Vấn đề biển đông là do VN tham quá. Một nước nhỏ nghèo đòi chiếm cả miếng bánh làm sao họ chịu đươc”.
Thật vậy, hình như ông lại không có thông tin đầy đủ về chủ quyền lịch sữ của Việt Nam về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông lại quên chính Trung Quốc đã dùng võ lực xâm lăng đánh chiếm Hoàng Sa từ tay Chính quyền Việt Nam Cộng hoà (Sài Gòn) năm 1974 và cũng chính hải quân Trung Quốc đã đánh chiếm một bộ phận của quần đảo Trường Sa năm 1988 từ tay người anh em Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa của mình.
Tệ hơn nữa khi ông viết :
“VN sao không hòa hiếu với một nước lớn để phát triển cứ đòi đánh nhau, được mấy ngáp”.
Ông cố tình quên đi là Trung Quốc đã xua quân tràn qua Việt Nam năm 1979, với chiêu bài khôi hài “chiến tranh đánh trả tự vệ”, “cho Việt Nam một bài học”, gây biết bao đau thương tan tóc cho dân lành của 6 tỉnh biên giới. Ông cố tình quên đi là những năm gần đây, Trung Quốc đã tự diễn biến thành giặc cướp biển khi liên tục bắt bờ dân chài Việt Nam, đánh đập, giết chóc đòi tiền chuộc. Ngư dân Việt Nam các tỉnh Thanh Hoá hay Quảng Ngãi chỉ đánh cá ở Biển Đông, vùng biển vùng trời mà tổ tiên người Việt Nam chúng ta đã mưu sinh chài lưới từ ngàn năm trước…
Ông còn viết rất là trái sự thật là:
“Vấn đề biển đông là do VN tham quá, Một nước nhỏ nghèo đòi chiếm cả miếng bánh làm sao họ chịu được”.
Đúng là hiện nay Viết Nam có nghèo hơn Trung Quốc, nhưng Việt Nam nào tham lam như ông tưởng? Khi người Việt sử dụng lãnh hải, thềm lục địa của lãnh thổ của chính mình thì làm sao gọi là tham lam? Hình như ông đang dùng thứ “Hán ngữ mới “ của bá quyền Trung Quốc, đổi trắng thay đen, đi lấy biển, lấy đất của người khác mà cứ bảo người khác là tham còn mình là đi làm hữu nghị. Tất cả các nuớc Châu Á từ Việt Nam, Mã Lai, Phi Luật tân cho đến Ấn độ, Nhật Bản… đều là nạn nhân của chính sách bá quyền này.
Và những nước này đang đoàn kết lại để giành quyền sống còn với bá quyền Trung Quốc… Người Việt Nam chúng tôi theo truyền thống luôn luôn tin rằng : Nhân nghĩa sẽ thắng hung tàn. Trong lịch sữ nghìn năm, Việt Nam đã từng cho phong kiến Trung Quốc bao lần ném mùi đắng cay của chiến bại, chiến bại chính vì lòng tham lam ỷ mạnh hiếp yếu… Nhưng ngày nay thế giới đã khác, thế giới có luật lệ hẳn hoi rồi, thưa ông…
Bá quyền chóng hay chầy cũng sẽ đi đến tiêu vong
Tôi nói bá quyền Trung Quốc chứ tôi không nói người Trung Quốc. Tôi vốn là người có nhiều cảm tình với văn hoá Trung Quốc, văn minh cỗ Trung Quốc… Tôi chắc là tôi hơn ông một điều. Tôi đã từng với tư cách là giáo sư đầu ngành tại Bỉ, đã đào tạo cho Trung Quốc nhiều thạc sỹ và tiến sỹ về lĩnh vực mô hình mô phỏng biến dạng dẽo và sự tồn vong của cấu trúc…
Trung Quốc trỗi dậy phát triển kinh tế, biến đất nước bao la và đông dân nhất hành tinh thành một nuớc phát triển rất nhanh là một điều tốt cho nhân dân Trung Quốc, Châu Á, cho nhân loại. Trung Quốc đã là một cường quốc cũng là lẽ đương nhiên, bỡi vì Trung Quốc lấy lại chỗ đứng của mình trên trường quốc tế. Những dân tộc yêu chuộng hoà bình trên thế giới đều nghĩ như thế.
Nhưng khi Trung Quốc lè luỡi bò ra phía Nam xa vạn dặm, đòi lấy Biển Đông làm ao nhà, ngăn cản giao thông quốc tế, ngấu nghiến ăn liếm thềm lục địa của các nước nhỏ chung quanh Biển Đông, đòi chia phân nửa Thái Bình Dương, Trung Quốc đã tự diễn biến thành là người kế nghiệp của Đức Quốc Xã, với nguy cơ ngàn lần cao hơn. Đây chính là điều cảnh báo của Steven Mosher. Với những hành động ngang ngược gần đây của nhà cầm quyền Trung Quốc, nhận định của tác giả này là hoàn toàn chính xác.
Nếu Trung Quốc không ngưng lại kịp thời thì đây quả là một thãm họa cho loài người trên toàn thế giới…
Liège 14/5/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.