Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

HỌ NGÔ VIỆT NAM

Họ Ngô xuất hiện rất sớm ở Việt Nam, từ thời các Vua Hùng. Thần phả đình An Duyên (Thường Tín, Hà Tây) ghi tên họ Ngô Ngọc Lang, quán Sơn Nam Hạ, Tướng của các Vua Hùng đời thứ 18. Bia Hàm Long (Hà Nội) có ghi Ngô Long, Tướng của các Vua Hùng đời thứ 18. Với chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (năm 938-cách nay đã 1060 năm), chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc, Ngô Quyền đã trở thành người Anh hùng Dân tộc. Theo tôc phả họ Ngô do Hán Quốc công Ngô Lan biên soạn năm Đinh Dậu, triều Lê Thánh Tông (1477), thì Tổ họ Ngô là Ngô Nhật Đại, hào trưởng châu Phúc Lộc (vùng Cửa Sót, xã Thạch Kim, Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay). Ngài đã tham gia khởi nghĩa Mai Thúc Loan (722), sau thất bai phải rời ra vùng Châu Ái (Thanh Hóa). Từ Ngô Nhật Đại đến Ngô Quyền trải qua 5 đời, gần 300 năm không thấy ghi chép rõ ràng. Nếu tính từ Ngô Quyền thì đến nay họ Ngô đã truyền được 36-37 đời, có nơi tính ra đã trên 40 đời, xuất phát từ Châu Hoan, Châu Ái, qua Đường Lâm (Sơn Tây) mà tỏa đi khắp cả nước, có mặt từ Lạng Sơn đến Cà Mau, Hà Tiên… Qua khảo sát ban đầu, chúng tôi xin trình bày thế thứ của dòng họ một cách khái quát như sau: Cụ Tổ đầu tiên là Ngô Nhật Đại, quê Ái Châu, làm nghề nông, chưa rõ ở làng xã nào, sinh con là Ngô (Tá) Nhật Dụ theo Nho học, làm Liễu tá trong Phủ đô hộ thời Bắc thuộc. Rồi đến Ngô Đình Thực là Hào trưởng, sinh Ngô Đình Mân, làm Mục Phong Châu, thời Khúc Thừa Hạo làm Tiết độ sứ. Đến Phong Châu đã cao tuổi, Ngô Đình Mân lấy bà Phùng Thị Tinh Phong, con gái Phùng Hải, cháu Bố Cái Đại vương Phùng Hưng., sinh Ngô Quyền và Ngô Tịnh ở làng Cam Lâm, quận Đường Lâm (có thuyết nói rằng Ngô Quyền sinh ở làng Mía-nay là làng Mía, tức Thịnh Mỹ, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa-có thể xuất phát từ địa danh làng Mía Thọ Xuân trùng với làng Mía Đường Lâm) Ngô Tịnh sau làm Trấn thủ Kỳ Hoa, Kỳ Anh (Hà Tĩnh), sinh ba trai, một gái, người làm Châu mục, người làm Tăng thống, người Hào trưởng…đều thất truyền. Ngô Quyền sinh ngày 12 tháng 3 năm Đinh Tỵ (897), mất ngày 18 tháng Giêng năm Giáp Thìn (944), thọ 47 tuổi, mộ táng tại thôn Cam Lâm. Theo Quốc sử và văn bia lưu truyền, độ tuổi 20 cha mẹ đã từ trần, Ngô Quyền vào Châu Ái làm Nha tướng Dương Diên Nghệ, lấy con gái Dương Diên Nghệ là Dương Thị Như Ngọc, sinh Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Vân (có thuyết nói rằng, Ngô Quyền còn có hai người con nữa là Cần Hưng và Nam Hưng, khi Nam Kha cướp ngôi cho ở với mẹ). Ngô Quyền vào Châu Ái khoảng chừng 10 năm, ra đánh Lý Khắc Chính rồi lại trở vào Châu Ái khoảng 6-7 năm. Lần thứ 2 ra trừ Kiều Công Tiễn, đánh đuổi quân Nam Hán, làm Vua, đóng đô ở Cổ Loa. Con cháu kế tiếp ở Cổ Loa, đến năm 965 thì lui về ba nơi: Ngô Xương Xý về Bình Kiều (Thanh Hóa), Ngô Nhật Khánh về Đường Lâm. Cha con Ngô Nhật Chung, Ngô Nhật Minh về Đỗ Động (Thanh Oai). Thiên sách vương Ngô Xương Ngập, vợ là Phạm Thị Uy Duyên, con gái Phạm Phòng Át ở Nam Sách, sinh Ngô Xương Xý, Ngô Xương Tỷ, Ngô Xương Tỷ đạo hiệu Châu lưu ở chùa Phật Đà, làng Cát Lợi, quận Thường Lạc (sau do kỵ húy Lê Lợi gọi trệch là Cát Lỵ thuôc huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), giữa thị trấn Cồng và ga Văn Trai). Chúng tôi được biết tin mộ của vị Đại sư này là một trong những ngôi tháp ở chùa Trấn Quốc (Hà Nội) đã đến tìm nhưng chưa thấy. Ngô Xương Xý thất bại ở Bình Kiều, hai con trai, một là Ngô Xương Sắc lưu lạc ở vùng thượng du Châu Ái, sinh Ngô Tử Canh (thất truyền) và Ngô Tử Ân. Con cháu Ngô Tử An, Tử Vinh, Tử Uy v.v…dần dần sa sút, 8 đời sau quá cùng cực. Ngô Rô về coi chùa ở Thiên Phúc, làng Thung, xã Đồng Phang, huyện Yên Định (vào cuối Trần). Đến Hậu Lê thì trỗi dậy, phát triển một cách kỳ lạ nên được giải thích rằng mô táng vào đất phát! Người con thứ hai của Ngô Xương Xý là Ngô Ích Vệ tức Ngô An Ngữ, tuổi nhỏ chạy vào Châu Hoan. Khi Lý Công Uẩn lên làm vua ông ra làm một chức quan nhỏ là Sùng Ban Lang Tướng. Ông theo Vua Lý ra Thăng Long, ở phường Thái Hòa, Khán Sơn, lấy bà họ Hán, sinh ra Ngô Tuấn (tức Lý Thường Kiệt), Ngô Chương (tức Lý Thường Hiến) sau này. Nhà Trần thay nhà Lý, dòng họ Ngô sa sút, tuy nhiên vẫn giữ được nền nếp và ở nhà dạy học. Đến cuối đời Trần, ba anh em của Minh Đức (cha của Ngô Bệ), Minh Hiếu, Minh Nghĩa (cha của Ngô Diên Tố) đổi tên, đi mỗi người một nơi. Những người khác không được ghi chép lại. Cũng từ đó mất quan hệ gia tộc 5-6 trăm năm. Đến ngày nay mới tìm ra mấy họ chạy lánh nạn, đó là: -Họ Lạc Nghiệp: Một bà mẹ đổi tên là Bà Nồm đem con về Giao Thụy, đến nay đã trên 20 đời, thành một họ lớn mấy ngàn người. Có bộ phận trở về quê cũ Nam Sách trông coi từ đường, có bộ phận lên ở Đồng Hỷ-Thái Nguyên, Sơn Dương, Tuyên Quang. -Họ Ngọc Hà Hà Nội phân chia về Vân Động, Đông Cao, Thái Bình. -Họ Nhĩ Thượng ở huyện Gio Linh, Quảng Trị dọc bờ sông Hiền Lương có 6-7 ngàn nhân khẩu ở 6 xã trong đó có 3 xã có chữ Nhĩ, 3 xã có chữ Hà, dần dà có gần 3 ngàn người thiên cư vào Nam. -Họ Bắc Biên Gia Lâm đang hương khói đền Lý Thường Kiệt. Dòng Ngô Xương Sắc ở Châu Aí, từ Hậu Lê trở đi là dòng phát triển mạnh nhất, càng thiên cư xa càng phát triển mạnh, có thể hơn cả dòng họ ở nguyên quán. Sau bảy, tám đời sa sút cùng cực, Ngô Tây ở coi chùa sinh hai con trai. Ngô Quỳnh con bà họ Nguyễn lưu lạc sang huyện Vũ Thư ,Thái Bình đến nay thành họ Minh Lăng có vài ngàn nhân khẩu. Con thứ là Ngô Kinh con bà họ Trịnh đi làm gia nô cho tù trưởng Lê Khoáng, lấy bà họ Lê (cô cháu với bà mẹ Lê Lợi) sinh bốn trai, một gái, giúp Lê Lợi khởi nghĩa. Cha con, ông, cháu thành 7 vị Công thần khai quốc. Bước đột phát kéo dài suốt 300 năm triều Lê, nhân khẩu tăng nhanh; Ngô Từ sinh 11 trai, 8 gái là Ngô Lan, Ngô Nạp, Ngô Khế, Ngô Hộ, Ngô Thị Ngọc Dao… Thời Lê sơ, những người thiên cư vào Quảng Nam sinh sôi thành nhiều dòng họ trên dưới 20 đời tập trung ở Điện Bàn, Duy Xuyên, Hòa Vang tỉnh Quảng Nam. Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, quan Đại thần của nhà Lê là Ngô Nhân Dũng không theo Mạc. Đầu năm 1530, Mạc trục xuất Ngô Nhân Dũng về quê ở xã Lý Trai, tổng Vạn Phần. Ông mai danh, ẩn tích lên hương Kẻ Ngọn ở với cháu là Ngô Phúc Tín. Người ta gọi là ông Trục, bà Trục, cùng với bố vợ là Lại Quận công Phan Công Tích trấn thủ tại Nghệ An, lập nghĩa quân phù Lê, diệt Mạc. Những người họ Ngô thiên cư do đi theo Nguyễn Hoàng vào Quảng Trị, Thừa Thiên nay có trên 30 họ, nhiều nhất là đất Huế và lận cận. Những cuộc thiên cư do sa cơ trong chiến tranh Trịnh- Nguyễn (1655-1680) vào vùng Quảng Nam, đến Bình Định, có người vào đến Châu Đốc, đến nay đã 14-15 đời. Ngoài ra ở nhiều cuộc thiên cư lẻ tẻ do hiềm nghi chính trị của Chúa Trịnh, phải chạy ra đất Mạc, đổi họ hoặc không tập trung vào Sơn Nam Hạ và Kinh Bắc, hình thành hai cụm lớn. Đi theo quê mẹ cũng có, ghi không thể hết. Nhìn chung lại, bất cứ thiên cư trong hoàn cảnh nào, đến địa bàn mới nào, thế hệ sau kế thừa thế hệ trước, thường phát triển mạnh hơn ở nguyên quán, đặc biệt là lập nghiệp thường dựa vào lưu vực các sông lớn nhỏ. Các chi họ phải đổi sang họ khác nay đã biết được trên 10 họ đổi sang là: Phạm, Trần, Nguyễn, Lê, Đỗ, Phan, Hoàng, Hoa, Văn, Vũ Văn. Các họ khác đã đổi sang họ Ngô đã biết: Lê đổi sang Ngô ở Nguyệt Viên (Ngô Cao Lăng), họ Lê ở Long Linh, Xuân Dục, họ Nguyễn ở Tam Sơn. Cũng có những nhân vật như Ngô Sỹ Liên, Ngô Tòng Chu chưa biết thuộc dòng nào. Với một chiều sâu và chiều rộng qua lớn, phả ký thất lạc, mất mát quá nhiều, nay lập lại thật là một việc làm vượt qúa sức của một vài người, không sao tránh khỏi có nhiều thiếu sót. Dòng họ Ngô qua hàng ngàn năm lịch sử biến thiên, từ một cội, nảy muôn cành, không khỏi có cành cụt. Nhìn chung, đời này qua đời khác, con cháu nội cũng như ngoại, trai cũng như gái, nêu gương hiếu thảo, trung thực, đảm đang, một lòng vì nước vì nhà của Tiên tổ, qua thử thách giáo dục rèn luyện đã gìn giữ được truyền thống tốt đẹp của dòng họ, đó cũng là một phần của truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
Theo Hoai Phong (Báo Nhân dân-S 44(509), ngay 01/11/1998)


DANH NHÂN VĂN HÓA NGÔ ĐĂNG MINH

Hồ Bình Sơn (Thị Trấn Hương Khê)

Đền thờ và mộ Ngô Đăng Minh thuộc xã Hà Linh, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.
Ngô Đăng Minh sinh ra trong một gia đình dòng dõi vọng tộc, được sự dạy dỗ của cha là Hiệu sinh Ngô Đăng Quang nên ông được rèn luyện học tập nghiêm chỉnh cùng với trí thông minh. Năm Chính Hoà thứ 15 (1694) Ngô Đăng Minh, người đã lĩnh bảng vàng trong kỳ thi Đình ở Thăng Long, được vua ban sắc phong "Đặc tiến kim tứ Vinh lộc Đại phu, Tư lễ giám, Hữu đề điểm trụ quốc thượng ban, Án trung bá".
Năm Chính Hoà thứ 25 giặc Bồn Man xâm chiếm bờ cõi nước ta, Ngô Đăng Minh lên đường dẹp giặc. Khi thắng lợi trở về được sắc phong là "Đặc tiến Kim tứ, Vinh Lộc đại phu, tư lễ giám, tả đề điểm, án trung hầu trụ quốc thượng lên". Bờ cõi yên Ngô Đăng Minh lại góp sức mình vào việc phát triển kinh tế, mở mang dân trí, giúp dân nghèo. Ông mất ở Thăng Long, nhà vua cho chở quan tài về quê tại làng Trúc Lâm, nhân dân và con cháu dòng họ Ngô xây lăng mộ và lập đền thờ tại quê nhà.
Nhà vua ban sắc hiệu cho ông là: "Bản thuộc thành hoàng, Dực bảo trung hưng quang ý, Trung đẳng thần tôn thần". Đền thờ và mộ Ngô Đăng Minh là một kiến trúc cổ những đồ tế khí, đại tự câu đối có giá trị nghệ thuật cao. Hạ điện được xây dựng trên một sườn đồi, trên cùng gian giữa có treo bức đại tự sơn son chữ đen: “ Quang Tiền dư hậu” phía dưới có bức đại tự “ Vĩnh ngôn hiếu tư” và hai bên có câu đối: Đức tháo thiên bồi Hồng Lĩnh tú Phúc nguyên địa dẫn Trúc giang thanh. Toà Thượng điện được đặt cao hơn hạ điện 1, 1 m theo hình thế tự nhiên của sườn dốc. Gian trước đặt hương án chân đèn mâm bồng gian trong đặt bệ thờ theo kiểu chân quỳ dạ cá, trên bệ đạt long ngai có linh chủ của Ngô Đăng Minh.
Trong thời kỳ cận hiện đại, đền thờ Ngô Đăng Minh là nơi chứng kiến sự kiện lịch sử cách mạng 1930-1931, là nơi thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên tại Hương Khê.
Nhưng giá trị lớn nhất của di tích, đây là đền thờ và mộ của một nhân vật học rộng tài cao được phong tước hầu có công trong việc cầm quân dẹp loạn, mở mang việc học hành, nâng cao dân trí, tổ chức chiêu tập dân nghèo khai hoang lập ấp phát triển kinh tế tạo dựng cuộc sống ở thế kỷ 18. ( Sở Văn hoá - Thông tin Hà Tĩnh )  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.