Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

HOA DÃ QUỲ

DÃ QUỲ

Mùa Dã Quỳ
Mùa hoa của tình yêu
Trong gió Tây Nguyên trời vàng vương vương nắng
Chút se lạnh khẽ khàng mỗi sáng
Hôn má em hồng trong ưu tư

Ta trở về với con đường xưa
Lối cỏ thân quen Dã Quỳ chớm nở
Hoa rực vàng trên bạt ngàn lối cỏ
Kỷ niệm vui buồn ngày ấy cứ bâng khuâng

Cây chắt nắng vàng vào hạt tháng năm
Để rực rỡ một góc trời nhung nhớ
Có phải anh yêu vùng đất đỏ
Nên hoa thắm tình em rực sáng ở bên trời

Đi xa rồi thêm da diết em ơi
Những sâu lắng nhớ thương Tây Nguyên đất đỏ
Như hoa Dã Quỳ hàng năm vẫn nở
Dẫu nắng cháy mưa chan cũng chẳng quên mùa...
 

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

KHI TÌNH YÊU BỊ ỐM

Biết mấy mùa thu sống với tình yêu
Tình yêu đẹp như chồi non hé nở
Những đóa hoa ngát hương thảm cỏ
Những chiều vàng nhung nhớ khắc tên ai

Mỗi con đường kỷ niệm còn đây
Nơi tình yêu đi qua những những ngả đường xanh ngát
Ai lỗi hẹn để hoen đôi mắt
Ngày tháng đi qua đầy ắp những mong chờ

Tình yêu như sông chảy mãi giữa đôi bờ
Những giận thương bồi hồi xoáy nước
Bao ước hẹn như mơ như thực
Những lời nguyền cũng hóa đá sông sâu

Ta chẳng bao giờ có thể mất nhau
Tình yêu sẽ vĩnh hằng như trái đất
Như ngọn sóng cồn cào nơi biển hát
Mẹ sinh cuộc đời, trời xe lại lứa đôi...

Bỗng gió ngàn mây vật đổi sao dời
Tình yêu bị ốm
Những cơn sốt liên miên
Hờn giận
Những cơn bão
Cơn mưa
Bất tận
Tình yêu buồn
Khóe mắt cũng xanh xao

Thương tình yêu những lúc ốm đau
Ta ủ tình yêu vào trong kỷ niệm
Níu lại vầng trăng ngày em đến
Cho tình yêu sống lại thưở ban đầu...

SẾP HAY LO...

Sếp phân việc:
Việc tao ngồi ký suốt ngày
Thực thi việc ấy …thì mày giúp tao.
Ăn uống thì mày phải bao
Việc suy, việc nghĩ… tao giao cho mày.
Tham quan khắp chốn đó đây
Mở rộng tầm mắt thì mày phần tao.
Lên rừng xuống biển gian lao
Tuổi mày còn trẻ…tao giao cho mày.

À quên…còn có chuyện này
Đi thăm cơ sở thì mày tính sao?
Kế hoạch thu hái phong bao
Mày lập chi tiết …để tao thi hành.
Tìm kiếm nhà đất nội thành
Mặt tiền, giá rẻ…mày giành cho tao.

Ơ này… còn chuyện tào lao

Thì mày quá biết …là tao chân thành
Đứa nào gái trẻ, đẹp trinh
Kính lão đặc thọ…mày giành cho tao
Khi nào dùng hết khấu hao
Thì tao… lại sẽ bàn giao trả mày.

Lại quên… còn có chuyện này

Đấu tranh thẳng thắn tính mày giống tao.
Phê bình lãnh đạo cấp cao
Hôm ấy tao ốm…phải giao cho mày

Lại đây tao bảo cái này

Ghé tai nói nhỏ kẻo bay ra ngoài.
Năm bảy năm nữa đâu dài
Ghế này chễm chệ còn ai hơn mày

Đứng yên…tao bảo cái này

Tao cấm mày nghĩ việc mày chống tao.
Chống tao cũng chẳng làm sao
Buộc tao phải nghĩ cách tao trị mày
Trời cao, biển rộng đất dày
Tao đố mày thoát tay này của tao.

Bao ngày thức trắng đếm sao

Bao đêm nhịn mặc tao nào có quên
Số mày quả thật là hên
Gặp sếp cao thượng càng thêm tự hào

Trên trời ti tỉ vì sao

Sao nào sánh được tình tao với mày!

HỊCH "TIẾN SỸ"

HỊCH TIẾN SĨ
Việt Phu Tử
02-Oct-2012
LTS: Nhân có bài viết "Chợ bằng tiến sĩ ở Mỹ" (xem dưới trang (http://tuoitre.vn/Giao-duc/392390/Cho-bang-tien-si-o-My.html), sachhiem.net cho đăng bài thơ sau đây, tuy chỉ có vài chỗ trùng hợp, với mục đích lên án những cảnh chướng tai gai mắt do tánh háo danh của những người bất tài, vô ích cho xã hội. Bài thơ này đã được phổ biến năm trước vào thượng tuần tháng 11 năm 2011 ở http://changevietnam.wordpress.com, lấy ý và thi phong từ bài Hịch Tướng Sĩ của tướng Trần Hưng Đạo (xem http://vi.wikisource.org/wiki/). (SH)

Ta cùng các ngươi
Sinh ra phải thời bao cấp
Lớn lên gặp buổi thị trường.
Trông thấy:
Mỹ phóng Con thoi lên vũ trụ chín tầng
Nga lặn tàu ngầm xuống đại dương nghìn thước
Nhật đưa rô bốt na nô vào thám hiểm lòng người
Pháp dùng công nghệ gene chế ra cừu nhân tạo…
Thật khác nào:
Đem cổ tích biến thành hiện thực
Dùng đầu óc con người mà thay đổi thiên nhiên!
Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa
Chỉ giận chưa thể đuổi kịp nước Nga, vượt qua nước Mỹ,
mà vẫn chỉ hơn Lào, hao hao Băng la đét.
Dẫu cho trăm thân này phơi trên sao Hỏa,
nghìn xác này bọc trong tàu ngầm nguyên tử, ta cũng cam lòng.
Các ngươi ở cùng ta, Học vị đã cao, học hàm không thấp
Ăn thì chọn cá nước, chim trời
Mặc thì lựa May Mười, Việt Tiến
Chức nhỏ thì ta… quy hoạch
Lương ít thì có lộc nhiều.
Đi bộ A tít, Cam ry
Hàng không Elai, Xi pic.
Vào hội thảo thì cùng nhau tranh luận
Lúc tiệc tùng thì cùng nhau “dô dô”.
Lại còn đãi sỹ chiêu hiền
Giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân, ai cũng có phần, không nhiều thì ít.
Lại còn chính sách khuyến khoa
Doanh nghiệp, giáo viên, trí thức, nông dân nhận cúp, nhận bằng còn thêm tiền thưởng.
Thật là so với:
Thời Tam quốc bên Tàu, Lưu Bị đãi Khổng Minh,
Buổi hiện đại bên Nga, Pu tin dùng Mét vê đép,
Ta nào có kém gì?
Thế mà, nay các ngươi:
Nhìn khoa học chậm tiến mà không biết lo
Thấy công nghệ thụt lùi mà không biết thẹn
Giáo sư ư?
Biết “Thần đèn” chuyển nhà mà chẳng chạnh lòng
Tiến sỹ a?
Nghe “Hai lúa” chế tạo máy bay sao không tự ái?
Có người lấy nhậu nhẹt làm vui
Có kẻ lấy bạc cờ làm thích
Ham mát xa (massage) giống nghiện “u ét đê”
Ghét ngoại ngữ như chán phòng thí nghiệm
Chỉ lo kiếm dự án để mánh mánh mung mung
Không thích chọn đề tài mà nghiên nghiên cứu cứu
Ra nước ngoài toàn muốn đi chơi
Vào hội thảo chỉ lo ngủ gật
Bệnh háo danh lây tựa vi rút com pu tơ
Dịch thành tích nhiễm như cúm gà H5N1
Mua bằng giả để tiến sỹ, tiến sỹ
Đạo văn người mà giáo sư, giáo sãi.
Thử hỏi học hành như rứa, bằng cấp như rứa, thì mần răng hiểu được chuyện na niếc na nô?
Lại còn nhân cách đến vậy, đạo đức đến vậy, thì có ham gì bút bút nghiên nghiên.
Cho nên:
“Tạp chí hay” mà bán chẳng ai mua
“Công nghệ tốt” mà không người áp dụng.
Đề tài đóng gáy cứng, chữ vàng, mọt kêu trong tủ sắt
Mô hình xây tường gạch, biển xanh, chó ị giữa đồng hoang.
Hội nhập chi, mà ngoại ngữ khi điếc, khi câm?
Toàn cầu chi, mà kiến thức khi mờ, khi tỏ?
Hiện đại hóa ư? vẫn bám đít con trâu
Công nghiệp hóa ư? toàn bán thô khoáng sản
Biển bạc ở đâu, để Vi na shin nổi nổi chìm chìm, lưởi bò liếm liếm
Rừng vàng ở đâu, khi bô xít đen đen đỏ đỏ
Thật là:
Dân gần trăm triệu ai người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con
”!
Nay nước ta:
Đổi mới đã lâu, hội nhập đã sâu
Nội lực cũng nhiều, đầu tư cũng mạnh
Khu vực có hòa bình, nước ta càng ổn định
Nhân tâm giàu nhiệt huyết, pháp luật rộng hành lang
Thách thức không ít, nhưng cơ hội là vàng!
Chỉ e:
Bệnh háo danh không mua nổi trí khôn
Dịch thành tích chẳng làm nên thương hiệu.
Giỏi mánh mung không lừa nổi đối tác nước ngoài
Tài cờ bạc không địch nổi hắc cơ quốc tế.
Cặp chân dài mà nghiêng ngả giáo sư
Phong bì mỏng cũng đảo điên tiến sỹ.
Hỡi ôi,
Biển bạc rừng vàng, mà nghìn năm vẫn mang ách đói nghèo
Tài giỏi thông minh, mà vạn kiếp chưa thoát vòng lạc hậu.
Nay ta bảo thật các ngươi:
Nên lấy việc đặt mồi lửa dưới ngòi pháo làm nguy;
Nên lấy điều để nghìn cân treo sợi tóc làm sợ
Phải xem đói nghèo là nỗi nhục quốc gia
Phải lấy lạc hậu là nỗi đau thời đại
Mà lo học tập chuyên môn
Mà lo luyện rèn nhân cách

Xê mi na (seminar) khách đến như mưa
Vào thư viện người đông như hội
Già mẫu mực phanh thây Gan ruột, Tôn Thất Tùng chẳng phải là to
Trẻ xông pha mổ thịt Bổ đề, Ngô Bảo Châu chỉ là chuyện nhỏ
Được thế thì:
Kiếm giải thưởng “Phiu” (giải Fields) cũng chẳng khó gì
Đoạt Nô ben không là chuyện lạ
Không chỉ các ngươi mở mặt mở mày,
lên Lơ xút, xuống Rôn roi (Lexus, Rolls Royce)
Mà dân ta cũng hưng sản, hưng tâm, vào Vi la, ra Rì sọt (villa, resort).
Chẳng những tông miếu ta được hương khói nghìn thu
Mà tổ tiên các ngươi cũng được bốn mùa thờ cúng,
Chẳng những thân ta kiếp này thỏa chí,
Mà đến các ngươi, trăm đời sau còn để tiếng thơm.
Chẳng những tên tuổi ta không hề mai một,
Mà thương hiệu các ngươi cũng sử sách lưu truyền.
Trí tuệ Việt Nam thành danh, thành tiếng
Đất nước Việt Nam hóa hổ, hóa rồng
Lúc bấy giờ các ngươi không muốn nhận huân chương, phỏng có được không?
Nay ta chọn lọc tinh hoa bốn biển năm châu hợp thành một tuyển, gọi là Chiến lược
Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này theo lời ta dạy bảo thì suốt đời là nhà khoa học chính danh.
Nhược bằng không tu thân tích trí, trái lời ta khuyên răn thì muôn kiếp là phường phàm phu tục tử.
Vì:
Lạc hậu, đói nghèo với ta là kẻ thù không đội trời chung
Mà các ngươi cứ điềm nhiên không muốn trừ hung, không lo rửa nhục
Giữ một ngọn cỏ, cành cây, giọt nước trong giang sơn ta cũng làm ta quên ăn mất ngủ
Mà các ngươi cứ điềm nhiên lo tranh quyền đoạt lợi
Chẳng khác nào quay mũi giáo mà đầu hàng, giơ tay không mà thua giặc.
Nếu vậy rồi đây không biết dân Việt ta đi về đâu nữa,
ta cùng các ngươi há còn mặt mũi nào đứng trong trời đất này nữa?
Trí thức là nguyên khí quốc gia
Cho nên ta mới thảo Hịch này
Xa gần nghiên cứu
Trên dưới đều theo!

Việt Phu Tử
Nuớc Việt, 11.11.2011
(nguồn http://changevietnam.wordpress.com/2011/11/10/việt-phu-tử-hịch-tiến-sỹ/)


Phụ Lục
Chợ bằng tiến sĩ ở Mỹ
(http://tuoitre.vn/Giao-duc/392390/Cho-bang-tien-si-o-My.html)
TT - Chỉ cần khoản tiền không tới 600 USD và 10 ngày chờ giao hàng, bạn có thể sở hữu một tấm bằng tiến sĩ “ngành nghề theo mong muốn” từ các trang rao bán bằng cấp và những trường đại học “ma” ở Mỹ, vốn hằng hà sa số trên mạng và được mô tả là “những nhà máy sản xuất bằng”.




“Trọn bộ” các phôi bằng cấp mẫu của Đại học Corllins: giấy chứng nhận hoàn tất khóa học loại xuất sắc, giấy chứng nhận tham gia hội sinh viên, giấy chứng nhận hoàn tất chứng chỉ, bằng và bảng điểm - Ảnh: universaldegrees.com
Truy cập một địa chỉ như universaldegrees.com và tham gia trò chuyện trực tuyến vào buổi sáng 27-7, phóng viên Tuổi Trẻ được một người trực tổng đài của trang mạng này xưng danh là Dan Hauss tiếp chuyện. Hauss tự nhận là một đại diện của Đại học Corllins và khẳng định có thể cung cấp mọi thứ bằng cấp với “giá cả phải chăng”.
600 USD là thành tiến sĩ!
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua một bằng tiến sĩ về kinh tế học, Hauss ra giá luôn là 599 USD, đồng thời sốt sắng chào mời: “Nếu anh trả tiền ngay bây giờ, chúng tôi sẽ giảm giá 10%!”.
Khi chúng tôi bày tỏ về giá bằng tiến sĩ quá rẻ như thế thì không biết chất lượng ra sao, Hauss lập tức bảo đảm như đinh đóng cột: “Chúng tôi cam kết bằng này là thật (!), có thể dùng để xin việc ở mọi nơi dù là tại Đức, Ireland, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản hay VN”. Điều kiện duy nhất để nhận tấm bằng tiến sĩ Đại học Corllins, ngoài số tiền gần 600 USD, là có hai năm kinh nghiệm làm việc, và ngay cả điều kiện này cũng chỉ được Hauss kiểm tra... miệng qua trò chuyện trực tuyến!
Sau đó để làm tin, Hauss còn cung cấp một tài khoản đăng nhập trên trang Universal Degree để chúng tôi có thể kiểm tra các phôi bằng mẫu, bao gồm một bằng tiến sĩ, một bằng thạc sĩ, một bảng điểm, một giấy chứng nhận hoàn tất khóa học và thậm chí cả một giấy chứng nhận tham gia hội sinh viên Đại học Corllins. Tất cả việc còn lại chỉ là điền tên, năm sinh và ngày nhận bằng còn để trống. Còn trang web của Đại học Corllins: corllinsuniversity.com dù được xây dựng khá công phu nhưng không hề có địa chỉ liên lạc hay địa chỉ học hiệu, học xá, mà chỉ có vỏn vẹn một số điện thoại liên hệ, giống hệt số điện thoại trên trang bán bằng Universal Degree.
Vì sao dễ mua bằng tiến sĩ Mỹ?
Nếu ở một số nước như Úc, Canada hay New Zealand, các cụm từ “bằng cử nhân”, “bằng tiến sĩ”, “bằng đại học”... chỉ được sử dụng tại những cơ sở đào tạo đã qua kiểm duyệt ngặt nghèo của cơ quan giám định giáo dục quốc gia, thì ở Mỹ cụm từ “bằng đại học” không được pháp luật liên bang bảo hộ. Điều đó khiến quốc gia này trở thành một thiên đường của “các nhà máy sản xuất bằng”. Những cố gắng hạn chế nạn mua bằng tràn lan chỉ được thực hiện riêng lẻ ở từng bang, chứ chưa bao giờ là một nỗ lực ở cấp liên bang.
Hệ quả là “những nhà máy in bằng” mọc lên như nấm, đặc biệt là trong thời đại Internet. Truy cập một trang mạng tương tự Universal Degree như cooldegrees.com chẳng hạn, việc ngã giá còn trắng trợn hơn. Mỗi loại bằng đều có giá tương ứng được niêm yết công khai: asscociate degree (phó giáo sư?): 120 USD, bachelor degree (cử nhân): 130 USD, masters degree (thạc sĩ): 155 USD, doctorate degree (tiến sĩ): 180 USD, professorship degree (giáo sư): 210 USD và fellowship (nghiên cứu sinh): 210 USD. Bên cạnh các mức giá nêu trên là mức giá cũ cao hơn bị gạch bỏ với lời chú thích “mùa khuyến mãi (thời gian có hạn)!”.
Nắm bắt nhu cầu khách hàng, cooldegrees.com còn liệt kê sáu tiện ích khi xài bằng tiến sĩ của họ, bao gồm: được người lạ và cả bạn bè ngưỡng mộ hơn, có ưu thế khi xin việc, khi làm việc có thể đòi mức lương cao hơn, dễ thăng tiến, ít tốn kém và đặc biệt thu hút người khác giới khi cần hẹn hò.
Trang mạng này cũng in cả các phản hồi của khách hàng. “Tôi dùng bằng tiến sĩ của cooldegrees và in học vị của mình lên danh thiếp. Trong hầu hết trường hợp, tôi luôn làm quen được với những phụ nữ xinh đẹp mình thích” - một khách hàng tên M.T. đã mua bằng tiến sĩ phản hồi.
Ở ngay nước Mỹ, tình trạng bằng cấp lẫn lộn cũng đã gây ra những vụ bê bối lớn. Chẳng hạn năm 2004, bà Laura Callahan đã phải từ chức ở Bộ An ninh nội địa Mỹ sau khi bị phát hiện xài bằng tiến sĩ dỏm của đại học Hamilton (Hamilton University, một trường nhái của trường thứ thiệt danh tiếng Hamilton College tại Clinton, New York). Nhờ tấm bằng mua đó, bà Callahan đã leo lên tới chức vụ trưởng một vụ ở Bộ An ninh nội địa, sau đó được chuyển sang làm quản lý ở Bộ Lao động dưới thời tổng thống Bill Clinton.
Vụ việc chấn động tới mức Quốc hội Mỹ phải thành lập một ủy ban điều tra độc lập. Cuộc điều tra kéo dài suốt 11 tháng, dẫn tới việc phát hiện thêm 463 công chức liên bang sử dụng bằng mua, bao gồm nhiều quan chức cộm cán như Charles Abell, phó vụ trưởng vụ nhân sự và sẵn sàng tác chiến thuộc Bộ Quốc phòng hay Daniel P. Matthews, giám đốc thông tin của Bộ Giao thông.
Tuy nhiên, trong khi việc mua bán bằng cấp ở Mỹ diễn ra tưởng chừng như vô tội vạ thì cũng có những giới hạn. Khi chúng tôi hỏi Hauss liệu có thể mua một bằng từ trường trong nhóm Ivy League, nhóm tám trường đại học hàng đầu nước Mỹ hay không thì anh này từ chối. Ngoài ra, luật pháp Mỹ cũng cấm ngặt việc sử dụng các bằng cấp giả liên quan đến y tế hay dược.

* Từ nghị sĩ đến doanh nhân
Theo ABC News, tháng 6-2010 Tòa án tối cao Pakistan đã ra lệnh kiểm tra lại bằng cấp của toàn bộ 1.170 nghị sĩ và thành viên hội đồng dân biểu địa phương ở nước này, sau khi báo chí phát hiện ít nhất 46 vị đã xài bằng tốt nghiệp đại học giả.
Kết quả của một cuộc điều tra độc lập cho thấy một số nghị sĩ, thậm chí còn chưa học hết cấp III, đã mua bằng từ những trường đại học “ma”. Việc xài bằng giả được coi là bình thường đến mức tỉnh trưởng tỉnh Balochistan, ông Nawab Muhammad Aslam Raisani, đã thản nhiên tuyên bố: “Bằng nào cũng là bằng, thật giả có khác nhau là bao”. Hội đồng dân biểu Punjab thậm chí còn ra một nghị quyết lên án báo chí vì đã phanh phui câu chuyện. Các nhà báo Pakistan đã tuần hành phản đối khiến chính quyền Punjab phải xin lỗi. Ông Nawab Muhammad Aslam Raisani cũng phải đấu dịu và nói báo chí là hiểu lầm “tính hài hước“ của ông!
* Đầu tháng 7, Đường Tuấn, một doanh nhân tiếng tăm từng giữ cương vị giám đốc điều hành Microsoft tại Trung Quốc giai đoạn 2002-2004, bị phát hiện sử dụng bằng tiến sĩ giả của Trường Western Pacific University (Đại học Tây Thái Bình Dương, có lẽ là một phân hiệu của Đại học Nam Thái Bình Dương!). Trường này từng nổi tiếng bán bằng giả cho cả các quan chức Mỹ, nhưng với giá cao hơn nhiều so với “hàng chợ”: từ 2.295-2.595 USD cho bằng cấp từ cử nhân tới tiến sĩ, theo mạng tin Asia One.
HẢI MINH