Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

VỠ NỢ CÀ PHÊ Ở DAKLAK

 Vỡ nợ cà phê tại Đăk Lăk: “Chó cắn áo rách”

Hàng trăm hộ dân xã Ea Kênh, huyện Krông Păk, tỉnh Đăk Lăk đã đặt toàn bộ tài sản cá nhân vào một đại lý ký gửi cà phê chỉ bằng “lời hứa”. Đến khi chủ tuyên bố vỡ nợ, cùng với giá cà phê “bết bát” đã đẩy họ vào bước đường cùng.
Xã Ea Kênh vẫn yên bình như bao ngày khác, thế nhưng khi hung tin bà Phan Thị Kim Hoa, một đại lý chuyên nhận ký gửi cà phê bị vỡ nợ do chính bà này “phát” ra đã khiến vùng quê này không yên ả nữa. Một tuần sau cái tin động trời ấy được đưa ra, gia đình chị Dương Thị Lanh, ở đội 3 thôn Ea Đun, xã Ea Kênh vẫn không tin đó là sự thật bởi toàn bộ tài sản của gia đình gồm 2,3 tấn cà phê thu hoạch vụ vừa qua ký gửi cho bà Hoa, chỉ tính theo giá cà phê rẻ mạt hiện nay cũng trên 50 triệu đồng. Đáng nói toàn bộ số tiền chị Lanh vẫn chưa lấy đồng nào.
dai ly ca phe vo no Vỡ nợ cà phê tại Đăk Lăk: Chó cắn áo rách
Vợ chồng chị Lanh đang hết sức buồn bã
Gặp chúng tôi, chị bật khóc: “Nhà tôi có 0,8 ha cà phê, ngoài ra không một tấc đất. Toàn bộ sinh hoạt gia gia đình và nuôi bốn đứa con ăn học (hai đứa đại học) chỉ nhìn vào hạt cà phê. Vậy mà bây giờ…trắng tay“. Nói đến đây chị Lanh lại khóc nức nở. Anh Hợi, chồng chị Lanh ngồi gần đó góp chuyện: “Vợ chồng tôi bàn nhau ra tết sẽ chốt giá vài tấn lấy tiền gửi các cháu ăn học và mua dầu bơm nước tưới cà phê. Khổ nỗi nhà lại bán được con bò 11 triệu nên tính cuối tháng 3 mới chốt giá. Chậm một bước đâm ra thế này“.
Nhìn ngôi nhà cấp bốn, chẳng có gì trị giá bởi anh chị làm được bao nhiêu dành dụm nuôi con ăn học, tái đầu tư vào rẫy cà phê. Mất cà phê anh chị không biết lấy đâu ra tiền chi tiêu. Bên cạnh đó, đang cao điểm mùa khô, vườn cà nhà chị Lanh rất cần bơm nước mà mỗi lần bơm tốn cả bạc triệu. Giờ không “xoay” được tiền chị Lanh bỏ mặc cho vườn cây bị khô hạn.
Đường dẫn vào các thôn của xã Ea Kênh chẳng khác gì bàn cờ, nếu không có anh Vũ Minh Thành, công an xã dẫn đường thì tôi không biết đường nào mà đi. Con đường đất đỏ bụi mù khiến không khí càng trở lên ngột ngạt. Anh Trần Minh Tú, đội 2 thôn Ea Đun đang cuộn tấm lưới B40 mà anh mới lấy từ tường rào khu chế biến cà phê của bà Hoa gần nhà coi như…trừ nợ. Hoàn cảnh nhà anh Tú cũng thê thảm không kém, cả nhà (4 người) anh chỉ biết nhìn vào 1ha cà phê mà vợ lại bị bệnh tim nay ốm, mai đau.
lo che bien ca phe Vỡ nợ cà phê tại Đăk Lăk: Chó cắn áo rách
Lò chế biến cà phê của bà Hoa đã bị phá tanh bành
Vụ cà phê vừa qua do mất mùa anh chỉ thu được 1,9 tấn cà phê. Giữa lúc giá vật tư không ngừng leo thang thì giá cà lại tụt thê thảm, nếu bán hết anh cũng chỉ thu được 43 triệu đồng, mà tiền đầu tư đã hết 25 triệu. Toàn bộ cà thu được anh đem ký gửi bà Hoa, cũng may trước Tết anh đã chốt giá 1,2 tấn nên giắt lưng được 27 triệu đồng trả nợ ngân hàng và các cửa hàng bán gạo, phân bón, thuốc trừ sâu…Số cà phê còn lại anh định đến tháng 4 sẽ lấy nốt mua phân bón vì nếu lấy trước sẽ tiêu hết. Giờ số tiền còn lại (15 triệu) chắc gì đòi được.
Chúng tôi đi ngang qua nhà bà Hoa nằm gần trụ sở UBND xã. Tất cả đã tan hoang, trong nhà không còn gì, từ cánh cổng, mái tôn, tường rào đều bị người ký gửi cà phê đến lấy đi hết. Đây có lẽ là hậu quả cơn cuồng nộ của người dân khi bị bà Hoa lừa đảo. Để có cú lừa “ngoạn mục”, bà Hoa đã tạo được lòng tin tuyệt đối của người dân. Anh Tú kể: Những năm trước đây đem ký gửi cà phê cho bà Hoa, nếu cần tiền ra chốt giá bất kể giá đang cao ngất bà ấy đều vui vẻ thanh toán. Nhiều lúc không có tiền, cần đưa vợ đi thành phố chữa bệnh gấp, bà ấy sẵn sàng cho vay 5- 10 triệu không tính lãi.
Còn cô Dương Thị Huấn ở thôn Tân Đông ký gửi bà Hoa 6,85 tấn cà phê, mọi năm sau Tết là cô rút tiền ngay để lấy vốn tái đầu tư. Nhưng năm nay giá cà phê xuống thấp quá cô tính chờ giá cà lên mới chốt, giờ số cà phê gần 150 triệu đồng không biết có lấy được không, cô Huấn mếu máo cho biết: “Trước đây tôi cũng sợ ký gửi tư nhân sẽ có ngày không lấy được tiền vì đã có nhiều vụ vỡ nợ ở địa phương này. Nhưng bà Hoa xuống vận động riết quá, vả lại tôi thấy bà ấy cũng thực thà nên an tâm ký. Cái niềm tin ấy giờ phải trả giá bằng sự trắng tay”.
Có dấu hiệu lừa đảo
Bà Hoa là ai? Qua tìm hiểu được biết trước đây bà Hoa bán rau ngoài chợ kiếm sống. Khoảng năm 2006 bà chuyển sang nhận ký gửi cà phê, nhờ sự khôn khéo bà đã tạo được lòng tin nơi người dân. Từ lúc bà Hoa tuyên bố vỡ nợ đến nay đã có 72 hộ dân đến trình báo với xã đã ký gửi cà phê cho bà Hoa mà chưa lấy tiền với số lượng 231 tấn (giá trị 5 tỷ đồng), ngoài ra còn có 4 hộ cho bà Hoa vay 315 triệu tiền mặt.
Anh Trần Thành Vinh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Bà Hoa tuyên bố vỡ nợ, nhưng chúng tôi nhận định không phải vỡ nợ mà chính là lừa đảo. Bởi vỡ nợ là nhận ký gửi cà phê lúc giá thấp rồi bán hết, khi giá cà phê lên cao người dân mới chốt giá. Đằng này bà ấy nhận cà phê lúc giá cao 25 triệu đồng/tấn, nay cà phê 22,5 triệu đồng/tấn thì không có lý do gì mà vỡ nợ được. Mặt khác một tuần trước khi tuyên bố vỡ nợ, bà Hoa còn đi vận động người dân cho bà ấy vay tiền, cứ 19 – 20 đồng thì bà Hoa trả 1 tấn cà phê. Thấy chênh lệnh 2 – 3 triệu đồng lên nhiều người nảy sinh lòng tham đã cho bà ấy vay, còn những hộ ký gửi cà phê bà ấy lại khuyến khích để cuối năm lấy tiền sẽ trả bằng 1,2 tấn cà phê.
Hiện nay vụ việc đang được Công an huyện Krông Păk thụ lí. Nhưng bài học về sự cả tin của người dân một lần nữa lại phải trả giá quá đắt.
-------------------------------------------

“Bão” vỡ nợ cà phê lan rộng

Các vụ vỡ nợ của doanh nghiệp, đại lý nhận ký gửi cà phê ở Đăk Lăk diễn ra liên tiếp, dồn dập đang khiến hàng nghìn nông dân lao đao. Hàng nghìn tấn cà phê của họ gửi cho đại lý đi đâu, về đâu thì không ai biết.

Hàng ngàn người tay trắng
Những ngày này, hàng chục hộ nông dân ở thị xã Buôn Hồ và các huyện Krông Búk, Krông Năng rất hốt hoảng khi bà chủ đại lý cà phê Hà Thị Vui - trú tại 647 Hùng Vương, phường Thiện An, thị xã Buôn Hồ - tuyên bố vỡ nợ.
Các nạn nhân trình bày việc bị chủ đại lý Nga Sơn (xã Cư Đliê Mnông, huyện Cư Mgar ) chiếm đoạt hàng trăm tấn cà phê.
Bà Đỗ Thị Kim Phương (tổ dân phố 2, phường An Lạc) nói như người mất hồn: "Vợ chồng tôi thu hoạch cà phê xong không dám bán một hạt, chở toàn bộ đến ký gửi cho bà Vui để chờ giá cao hơn, tổng cộng 8 tấn cà phê nhân. Vừa rồi, tôi đến chốt giá bán, bà Vui bảo do làm ăn bị thua lỗ, không còn khả năng trả nợ. Không còn số cà phê này, tôi không biết bấu víu vào đâu trước các khoản nợ phân bón, xăng dầu, lãi ngân hàng đã đến kỳ thanh toán".
Bà Lâm Thị Hoa (ở số 150 Trần Hưng Đạo, phường Thiện An) thì đứng trước nguy cơ mất nhà ở: "Tôi đã phải thế chấp căn nhà đang ở cho ngân hàng để có tiền trang trải nợ nần, để dành 3 tấn cà phê nhân gửi cho bà Vui. Bây giờ tôi sắp bị ngân hàng phát mãi nhà ở, bà ấy cũng nhẫn tâm mặc kệ".
Theo thống kê của cơ quan chức năng, vợ chồng ông Nguyễn Đại Thắng, bà Hà Thị Vui đang nợ 91 tấn cà phê nhân và 8 tỷ đồng tiền mặt của 17 người dân, không có khả năng thanh toán. Trong số các nạn nhân của vụ vỡ nợ này, thiệt hại nặng nhất là bà Nguyễn Thị Cường ở thôn 12, xã Pơng Drang, huyện Krông Búk - với 50 tấn cà phê nhân, trị giá khoảng 2 tỷ đồng.
Cũng tại thị xã Buôn Hồ, qua công tác nắm tình hình, cơ quan chức năng đã xác định hàng loạt doanh nghiệp, đại lý khác vỡ nợ như Công ty TNHH Chung Đào, Công ty cà phê Tân Trường Nguyên, các đại lý Phương Thành, Lan Lương, Nguyễn Thị Lan, Phạm Thị Loan... với số nợ hàng trăm tỷ đồng và số nạn nhân lên đến hơn 600 người.
Còn tại huyện Krông Năng, 96 hộ dân ở các xã Ea Hồ, Ea Tóh, Phú Lộc và thị trấn Krông Năng cũng đang rầu rĩ sau khi thắng kiện chủ đại lý cà phê Hiệp Gái ở xã Phú Lộc. Đại lý cà phê này do vợ chồng Trương Minh Hiệp - Trần Thị Gái làm chủ, đã nhận ký gửi gần 200 tấn cà phê rồi tuyên bố... vỡ nợ.
Ông Nguyễn Thanh Minh (xã Ea Toh) cho biết: "Tôi ký gửi cho đại lý Hiệp Gái 2,5 tấn cà phê nhân trị giá 100 triệu đồng, giờ chỉ được Cơ quan Thi hành án dân sự huyện lấy giúp được... 30.000 đồng. Biết thế này tôi khỏi kiện cho đỡ mất thời gian và công sức đi lại".
Ông Nguyễn Bá Tình - Phó trưởng Cơ quan Thi hành án dân sự huyện Krông Năng cũng chỉ biết cười buồn: "Tổng số cà phê ký gửi của 96 hộ dân quy ra tiền là 7,561 tỷ đồng, nhưng tài sản còn lại của ông Hiệp và bà Gái chỉ bằng 0,03% số nợ, vì vậy mỗi người dân cũng chỉ được chia 0,03% trên tổng số nợ của mình".
Khó xử lý
Điều đáng nói là sau khi bị nhiều hộ dân tố cáo, bà Hà Thị Vui cũng gửi đơn "cầu cứu", nhờ cơ quan chức năng... giúp đỡ. Bà Vui trình bày: "Trong thời gian qua do công việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thua lỗ nên tôi có vay nợ (tức vay tiền và nhận ký gửi cà phê - PV) của một số cá nhân. Hiện toàn bộ bìa đỏ nhà cửa, đất đai của tôi đang bị bà Vũ Thị Thúy Hồng (ở phường Tự An, TP.Buôn Ma Thuột - PV) nắm giữ nên tôi không thể chia số tài sản đó cho những người khác mà tôi đã mượn".
Theo thống kê của UBND tỉnh Đăk Lăk, hiện toàn tỉnh có 43 doanh nghiệp, đại lý, hộ kinh doanh cà phê vỡ nợ khoảng 300 tỷ đồng tiền mặt, 3.000 tấn cà phê nhân và 22 tấn tiêu. Các vụ vỡ nợ đã tác động xấu đến đời sống của người dân và ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của địa phương.
Ngày 28.9.2011, Công an phường Thiện An có báo cáo nhận định "không có dấu hiệu tội phạm, là vụ việc khiếu kiện tài sản về dân sự" nên đã hướng dẫn các nạn nhân khởi kiện ra tòa án.
Trao đổi với NTNN, thẩm phán Nguyễn Văn Nhàng - Chánh án TAND thị xã Buôn Hồ - cho biết: "Sau khi nghiên cứu hồ sơ, TAND thị xã nhận định vụ việc này có dấu hiệu tội phạm chứ không phải dân sự. Cụ thể là trước khi vay mượn hoặc nhận ký gửi cà phê của người dân, bà Vui đã bị thua lỗ rồi, nghĩa là biết rõ không có khả năng thanh toán mà vẫn nhận ký gửi. Chúng tôi sẽ trao đổi với Viện KSND và Cơ quan Cảnh sát điều tra cùng cấp theo hướng đề nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hà Thị Vui".
Còn thẩm phán Trần Ngọc Anh - Chánh án TAND huyện Krông Năng phân tích: "Nếu khởi kiện các doanh nghiệp, chủ đại lý vỡ nợ theo thủ tục dân sự, người dân có thắng kiện cũng không giải quyết được vấn đề gì. Bởi trước khi tuyên bố vỡ nợ, họ đã chủ động tẩu tán hết tài sản rồi, không còn gì để thi hành án. Tôi thấy cần phải xử lý hình sự một vài vụ để làm gương, răn đe những đối tượng lợi dụng vỡ nợ để chiếm đoạt tài sản của dân".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.