Chuyên đề 1
NHỮNG NHÂN TỐ HÌNH THÀNH, QUYẾT ĐỊNH
MỐI QUAN HỆ HỮU NGHỊ ĐẶC BIỆT
VIỆT NAM-LÀO, LÀO- VIỆT NAM.
------
Trong lịch sử quan hệ quốc tế từ xưa
tới nay, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào – Việt Nam là một điển hình, một
tấm gương mẫu mực, hiếm có về sự gắn kết bền chặt, thuỷ chung, trong sáng và
đầy hiệu quả giữa hai dân tộc trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ
xã hội. Mối quan hệ này, bắt nguồn từ các điều kiện tự nhiên, nhân tố dân cư,
xã hội, văn hoá và lịch sử, truyền thống chống giặc ngoại xâm của nhân dân hai
nước. Trong tiến trình đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-người sáng lập ra Đảng Cộng
sản Đông Dương đã sớm nhận thấy tầm quan trọng của mối quan hệ này, với các
hoạt động cách mạng của mình đã đặt nền móng vững chắc phát triển thành quan hệ
đặc biệt giữa hai dân tộc, hai quốc gia.
Về
các điều kiện tự nhiên: Việt Nam
và Lào nằm ở trung tâm bán đảo Ấn-Trung, thuộc vùng Đông Nam Á lục địa. Trong
phạm vi của bán đảo Đông Dương, Việt Nam nằm ở phía đông dãy Trường Sơn, như một
bao lơn nhìn ra biển; Lào nằm ở sườn tây dãy Trường Sơn, lọt sâu vào vùng đất
liền của bán đảo. Như vậy, dãy Trường Sơn có thể ví như cột sống của hai nước,
tạo thành biên giới tự nhiên trên đất liền giữa Việt Nam và Lào. Với địa hình tự nhiên
này, về đường bộ cả Việt Nam
và Lào đều theo trục Bắc-Nam. Còn về đường biển, con đường gần nhất để Lào có
thể thông thương ra biển đó là từ Sầm Nưa thuộc tỉnh Hủa Phăn (Lào) qua Thanh
Hoá; Xiêng khoảng (Lào) qua Nghệ An; Khăm Muộn (Lào) qua Hà Tĩnh; Savẳnnakhệt (Lào)
qua Quảng Trị và Khăm Muộn (Lào) qua Quảng Bình.
Do
điều kiện tự nhiên nên sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và Lào có
nhiều điểm tương đồng, lại vừa có những nét khác biệt. Tuy nhiên, trong hoàn
cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày nay, để hợp tác cùng phát triển hai
nước hoàn toàn có thể bổ sung cho nhau bằng tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước về
vị trí địa lý, tài nguyên, nguồn nhân lực, thị trường cũng như sự phân vùng
kinh tế và phân công lao động hợp lý. Ngoài ra, Việt Nam và Lào là những thuộc
nước“vừa” và “tương đối nhỏ” sống cạnh nhau, lại nằm kề con đường giao thông
hàng hải hàng đầu thế giới, nối liền Đông Bắc Á, Nam Á qua Tây Thái Bình Dương
và Ấn Độ Dương cho nên chiếm vị trí địa- chiến lược quan trọng ở vùng Đông Nam
Á.
Về
quốc phòng: bờ biển Việt Nam
tương đối dài, nên việc bố trí chiến lược gặp không ít khó khăn. Trong khi đó,
dãy Trường Sơn, biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Lào được ví như bức tường
thành hiểm yếu, để hai nước tựa lưng vào nhau, phối hợp giúp đỡ lẫn nhau tạo ra
thế chiến lược khống chế những địa bàn then chốt về kinh tế và quốc phòng, trở
thành điểm tựa vững chắc cho Việt Nam và Lào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ
đất nước.
Về
các nhân tố dân cư, xã hội: Việt Nam và Lào đều là những quốc gia đa
dân tộc, đa ngôn ngữ. Hiện tượng một tộc người sống xuyên biên giới quốc gia
của hai nước, hoặc nhiều nước là đặc điểm tự nhiên của sự phân bố tộc người ở
khu vực Đông Nam Á nói chung, ở Việt Nam và Lào nói riêng. Đặc điểm này,
đến nay vẫn tiếp tục chi phối mạnh mẽ các mối quan hệ khác trên đường biên giới
quốc gia Việt Nam-Lào. Chính quá trình cộng cư, hoặc sinh sống xen cài của
những cư dân Việt Nam và cư dân Lào trên địa bàn biên giới của hai nước đã dẫn
đến việc cùng khai thác và chia sẻ nguồn lợi tự nhiên, đặc biệt là nguồn lợi
sinh thuỷ. Điều này, thêm một lần nữa khẳng định các quan hệ cội nguồn và quan
hệ tiếp xúc chính là những điều kiện lịch sử và xã hội đầu tiên, tạo ra những
mối dây liên hệ và sự giao thoa văn hoá nhiều tầng nấc giữa cư dân hai nước.
Một trong những minh chứng cho nhận định trên đó chính là hai câu chuyện huyền
thoại của hai dân tộc đều xoay quanh môtíp quả bầu mẹ, đó là: người Lào, thông
qua câu chuyện huyền thoại đã cho rằng các nhóm dân cư: Lào, Thái, Khơmú, Việt
đều có chung nguồn gốc. Đặc biệt, trong câu chuyện này, Khún Bulôm đã dặn dò
với các con cháu của Người: “Các con phải luôn luôn giữ tình thân ái với nhau,
không bao giờ được chia rẽ nhau. Các con phải làm cho mọi người noi gương các
con và coi nhau như anh em một nhà, người giàu phải giúp đỡ kẻ nghèo, người
mạnh giúp kẻ yếu. Các con phải bàn bạc kỹ trước khi hành động và đừng bao giờ
gây hấn xâm lăng lẫn nhau”. Còn ở miền
tây Quảng Bình và Quảng Trị của Việt Nam, người B’ru cũng giải thích nguồn cội
của các dân tộc Tà Ôi, Ê đê, Xơ đăng, Bana, Khùa, Sách, Mông, Dao, Tày, Khơme,
Lào, Thái, Việt...cũng từ quả bầu mẹ. Hình tượng quả bầu mẹ đã trở thành biểu
tượng cao đẹp, lý giải nguồn gốc và tình đoàn kết keo sơn giữa các dân tộc hai
bên dãy Trường Sơn. Chính vì vậy, đến nay, các dân tộc anh em sống ở khu vực
biên giới hai nước vẫn còn nuôi dưỡng niềm tự hào và truyền mãi cho nhau những
câu chuyện về đạo lý làm người vô cùng sâu sắc mà người xưa để lại.
Về
nhân tố văn hoá và lịch sử: Về nhân tố văn hoá, điều cần phải khẳng định là do
quan hệ gần gũi và lâu đời nên người Việt và người Lào đặc biệt là người dân ở
vùng biên giới am hiểu về nhau khá tường tận. Trong cuốn “Dư địa chí” (1) của
Nguyễn Trãi đã mô tả khá ấn tượng về nền văn hoá độc đáo và phong tục thuần
phác của dân tộc Lào, cũng như hiện tượng giao thoa văn hoá nở rộ giữa Đại Việt
với các nước láng giềng Đông Nam Á, trong đó có Lào Lạn Xạng.
Sự
giao thương của người dân Lào với người dân Việt nhất là với người dân các tỉnh
biên giới của Việt Nam
cũng khá nhộn nhịp. Người dân Việt Nam bày tỏ mối thiện cảm với một số
mặt hàng có chất lượng cao của Lào như: vải dệt, chiêng...Chính vì vậy, mà hiện
nay, nhiều dân tộc ít người ở Tây Nguyên của nước ta vẫn còn giữ được những
chiếc chiêng Lào nổi tiếng. Đúng như nhà bác học Lê Quý Đôn nhận xét:
"Thật là một nước đã giàu lại khéo”.(2) Điều đáng chú ý là trong quan hệ
giao thương với Đại Việt, Lào Lạn Xạng đã không ít lần bộc lộ mối quan tâm của
mình muốn hướng ra biển, trong khi Đại Việt lại tìm cơ hội để mở rộng buôn bán
vào sâu lục địa.
Có
thể khẳng định rằng, sự hài hoà giữa tình cảm nhân ái và tinh thần cộng đồng là
một nét đặc sắc của triết lý nhân sinh ngươì Việt cũng như người Lào. Chính
trong cuộc sống chan hoà này, nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào đã ngày càng
hiểu nhau hơn và bày tỏ những tình cảm rất đỗi chân thành với nhau. Ngạn ngữ
Lào có câu: “Nói hợp lòng thì xin ăn cho cũng chả tiếc, nói trái ý thì dẫu xin
mua cũng chẳng bán” (Vầu thực khọ, khỏ kin cò bò thi (bò khỉ thi), vầu bò thực
khọ khỏ xừ cò bò khải). Đó cũng là những tình cảm bình dị nhưng chân thành mà
người dân nước Việt dành cho người bạn láng giềng của mình, còn được lưu lại
trong thư tịch cổ: “người Lào thuần hậu chất phác”(3) trong giao dịch buôn bán
thì “họ vui lòng đổi chác”(4)
Mặc
dầu Việt Nam và Lào có tiếng nói, văn tự không giống nhau, sáng tạo và lựa chọn
các nền văn hóa cũng như các hình thức tổ chức chính trị -xã hội khác nhau,
nhưng những nét tương đồng thì vẫn thấy phổ biến trong muôn mặt đời sống hàng
ngày của cư dân Việt Nam và Lào. Các nền văn hóa nghệ thuật truyền thống của
Việt Nam
và Lào dễ dàng tìm thấy: sự đồng cảm lẫn nhau, chia sẻ các giá trị cộng đồng,
coi trọng luật tục, tôn kính người già… Sự tương đồng giữa văn hóa làng – nước
của người Việt và văn hóa bản - mường của người Lào xuất phát từ cội nguồn cùng
nền văn minh nông nghiệp lúa nước ở Đông Nam Á. Đồng thời, lòng nhân ái bao la
và đời sống tâm linh phong phú, trong đó có những ảnh hưởng sâu đậm của đạo
Phật mà trong cách đối nhân xử thế của mình, nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào
bao giờ cũng nêu cao những phẩm chất yêu thương và hướng thiện.
Về
nhân tố lịch sử: Theo các thư tịch cổ nổi tiếng của Việt Nam như: “Việt điện u
linh” “Lịch triều hiến chương loại chí” thì năm 550 dưới thời Vạn Xuân của nhà
tiền Lý, khi bị quân Lương ở phương Bắc đàn áp, Lý Nam Đế buộc phải lánh nạn và
anh ruột của Vua là Lý Thiên Bảo đã chạy sang đất Lào lập căn cứ chống giặc ngoại xâm, mở ra mối quan hệ đầu
tiên Việt Nam-Lào, Lào-Việt -Nam. Còn hai bộ chính sử khác là “Đại Việt sử ký
toàn thư”, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” thì sự kiện quan hệ ngoại
giao, thông hiếu đầu tiên giữa các nước Đại Việt và Lào là vào năm 1067(5).
Tiếp đến vào giữa thế kỷ XIV (năm 1353) những quy ước hoà bình đầu tiên về biên
giới quốc gia đã được xác lập giữa Đại Việt và Lạn Xạng khi Chạu Phạ Ngừng lần
lượt chinh phục các mường Lào, lập nên vương quốc Lạn Xạng thống nhất đầu tiên
của người Lào. Ngoài ra, trong suốt quá trình của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
(1418-1427), nghĩa quân Lê Lợi cũng luôn nhận được sự tiếp sức của các tộc
trưởng và nhân dân Lào ở vùng biên giới.
Điều
đáng nói, là trong khoảng thời gian từ thế kỷ XIV đến XV, hai nước Đại Việt-
Lạn Xạng, Lạn Xạng-Đại Việt mặc dù không phải không có những thời khắc gặp nguy
nan nhưng với tinh thần lấy hoà hiếu làm trọng nên đã sáng suốt và công bằng,
có ý thức đề cao không thù hận, đồng thời biết chủ động vun đắp tình thân ái và
hữu nghị lâu dài giữa hai dân tộc.
Đến
thế kỷ XVII là thời kỳ toàn thịnh của Lạn Xạng dưới Vương triều Xulinhavôngsả
(1637-1694), nhà vua Lào đích thân cầu hôn công chúa Vua Lê Duy Kỳ. Tuy nhiên,
đây cũng là lúc chế độ phong kiến Việt Nam bước vào giai đoạn khủng hoảng nên
quan hệ giữa hai vương triều hậu Lê và Lạn Xạng không phát triển được nhiều.
Cuối thế kỷ XVII, nội bộ hoàng tộc Lào rối ren. Tuy nhiên bất chấp hoàn cảnh
bất lợi của chế độ phong kiến ở Đại Việt và Lạn Xạng, quan hệ nương tựa vào
nhau giữa nhân dân hai nước vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng. Chính vì vậy, nửa
cuối thế kỷ XVIII, khu vực Mương Phuôn (Xiêng Khoảng) đã trở thành một căn cứ
đề kháng quan trọng của nghĩa quân Tây Sơn chống lại thế lực Nguyễn Ánh. Thế kỷ
XIX, quan hệ Việt Nam-Lào, Lào -Việt Nam đã có bước trưởng thành sâu hơn, nhất
là về phương diện nhận thức chủ quyền quốc gia, quan điểm bạn thù cũng như phương
cách xây dựng đồng minh giữa nhân dân hai nước. Đó là những yếu tố lịch sử.
Cùng
với các điều kiện tự nhiên, dân cư, xã hội, văn hoá và lịch sử và sự tự nguyện
phối hợp của nhân dân hai nước Việt Nam và Lào trong chống ngoại xâm nhất là
trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược càng khẳng định mối quan hệ đặc biệt
Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam.
Trong tiến trình lịch sử cả hai dân tộc đều
phải ngoan cường chống ngoại xâm để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Dân tộc Việt
Nam kể từ khi Nhà nước Văn Lang thành lập đã trải qua mấy ngàn năm lịch sử và
liên tục bị chế độ phong kiến phương Bắc xâm lược, thống trị và do đó đã phải
không ngừng chiến đấu giành và bảo vệ độc lập dân tộc. Nước Lào cũng trải qua
lịch sử hàng nghìn năm và cũng phải ngoan cường chống xâm lược để khẳng định sự
tồn tại của mình với tư cách một dân tộc, một quốc gia độc lập.
Từ đầu thế kỷ 20, không cam chịu
ách nô lệ, nhân dân hai nước Lào-Việt
Nam đã đoàn
kết, cùng nhau đấu tranh chống Pháp. Như vậy, trước 1930, hai dân tộc Lào-Việt
đã đoàn kết cùng chiến đấu chống kẻ thù chung, nhưng lúc đó chỉ dừng lại ở tính
chất tự phát do hạn chế về trình độ nhận thức và điều kiện lịch sử. Từ khi có
chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường, đặc biệt là từ khi Đảng
Cộng sản Đông Dương ra đời do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, trực tiếp lãnh đạo
cuộc đấu tranh giải phóng của hai dân tộc Lào-Việt Nam tình đoàn kết đó đã được
phát triển mạnh mẽ và liên tục. Chính truyền thống yêu nước vẻ vang là cơ sở
vững chắc cho sự đoàn kết giữa hai dân tộc.
Tình cảm gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Việt
Nam - Lào trong những năm tháng chiến tranh mà biểu hiện của nó là nhân dân Lào
cùng Việt kiều đấu tranh chống chế độ thuộc địa, phối hợp và ủng hộ cách mạng
Việt Nam giai đoạn (1930-1939), tiếp đến giúp nhau tiến hành cuộc vận động khởi
nghĩa vũ trang giành chính quyền thắng lợi (1939 - 1945) và liên minh Việt-Lào,
Lào-Việt Nam chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 – 1975). Sau năm 1975, quan hệ Việt Nam và
Lào bước sang một trang hoàn toàn mới: từ liên minh chiến đấu chung một chiến
hào sang hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia có độc lập chủ quyền. Tình
cảm gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào được biểu hiện sâu nặng
trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Chủ
tịch Hồ Chí Minh-Người đặt nền móng vững chắc cho quan hệ đặc biệt Việt
Nam-Lào, Lào -Việt Nam.
Trong
những thập kỷ đầu thế kỷ XX, chính Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh), với
lòng yêu nước nồng nàn và nghị lực phi thường, vượt lên mọi khó khăn, gian khổ,
đã tự mình khám phá thế giới tư bản chủ nghĩa và các dân tộc thuộc địa, nhằm
phát hiện chân lý cứu nước. Người tiếp nhận và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác
– Lênin vào điều kiện cụ thể của Đông Dương để xác định con đường giải phóng
các dân tộc Việt Nam,
Lào, Campuchia theo con đường cách mạng vô sản. Trong quá trình tìm đường cứu
nước của mình, Nguyễn Ái Quốc rất quan tâm đến tình hình Lào. Người không chỉ
lên án chế độ thực dân Pháp nói chung mà còn tố cáo cụ thể sự tàn bạo của thực
dân Pháp ở Lào (6). Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên -
một trong những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc
trực tiếp sáng lập vào tháng 6 năm 1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), đến tháng
2 năm 1927, Hội này gây dựng được cơ sở tại Lào. Thông qua hoạt động của Hội
Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Lào, Nguyễn Ái Quốc thấy đây là điều kiện thuận
lợi để người Việt Nam vừa tham gia cuộc vận động cứu nước tại Lào, vừa sát cánh
cùng nhân dân Lào xây dựng mối quan hệ đoàn kết khăng khít giữa Việt Nam – Lào,
Lào – Việt Nam. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã lập Hội Ái hữu, Hội Việt
kiều yêu nước, mở các lớp huấn luyện cách mạng trên đất Lào. Trên thực tế, từ
nửa sau những năm 20 thế kỷ XX, Lào là một đầu cầu trực tiếp truyền bá chủ
nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng cứu nước mới của Nguyễn Ái Quốc vào Đông Dương.
Năm 1928, đích thân Người bí mật tổ chức khảo sát thực địa tại Lào (7) càng cho thấy mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cách
mạng Việt Nam và cách mạng Lào. Cũng trong năm này, chi bộ Thanh niên cộng sản
đầu tiên được thành lập tại Viêng Chăn, đồng thời đường dây liên lạc giữa nhiều
thị trấn ở Lào với Việt Nam được tổ chức.
Như
vậy, Lào trở thành địa bàn đầu tiên trên hành trình trở về Đông Dương của
Nguyễn Ái Quốc, nơi bổ sung những cơ sở thực tiễn mới cho công tác chính trị,
tư tưởng và tổ chức của Người về phong trào giải phóng dân tộc ở ba nước Đông
Dương. Quá trình Nguyễn Ái quốc đặt nền móng cho quan hệ đặc biệt Việt Nam –
Lào, Lào – Việt Nam báo hiệu bước ngoặt lịch sử trọng đại sắp tới của cách mạng
Việt Nam cũng như cách mạng Lào.
Chủ
tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng và chính Người cùng đồng chí Kayxỏn
Phômvihản, đồng chí Xuphanuvông và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước,
nhân dân hai nước dày công vun đắp, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông
Dương, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thực
tiễn đã khẳng định rằng, trong quan hệ quốc tế ít có nơi nào và lúc nào cũng có
được mối quan hệ đặc biệt, đoàn kết, hợp tác bền vững lâu dài, trong sáng như
mối quan hệ Việt - Lào.
Trong
bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa
Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam cùng với những cơ hội vẫn còn không ít thách
thức, nhất là các thế lực thù địch tìm mọi cách xuyên tạc, bóp méo lịch sử,
chia rẽ tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào. Vì vậy, việc duy trì, củng cố và
tăng cường mối quan hệ đặc biệt trong sáng, thuỷ chung giữa hai Đảng, hai Nhà
nước và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào là nhiệm vụ hết sức quan trọng của
Đảng, chính quyền và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào, lào-Việt Nam.
______________________
(1) Xem Nguyễn Trãi:Toàn tập, bản dịch, in
lần thứ hai, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1976.
(2)Lê Quý Đôn, Phủ biên
tạp lục, bản dịch, NXB khoa học xã hội, Hà nội 1964, q9 trang 156,155 (dẫn theo
Lịch sử Quan hệ đựac biệt Việt Nam-Lào, Lào Việt Nam. NXB CTQG Hà Nội 2011. Trang 10
(3) Hồ Chí Minh: Lời
phát biểu tại Hội nghị cán bộ Liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào lần thứ nhất
tháng 9-1952. Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị-Hành chính
quốc gia Hồ Chí Minh.
(4) Kayxỏn Phômvihản:
Bài nói tại Hội nghị cán bộ toàn quốc ngày 13-5-1974. Tài liệu lưu tại Viện
Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh..
(5)Lịch sử Quan hệ đặc
biệt Việt Nam-Lào, Lào Việt Nam.
NXB CTQG Hà Nội 2011. Trang 13
(6). Hồ Chí Minh: Lời
phát biểu tại Hội nghị cán bộ Liên minh nhân dân Việt – Miên - Lào, TL đã dẫn
(7). Tổng cục Chính trị,
Đảng lãnh đạo quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam làm nhiệm vụ quốc
tế, Nxb Quân đội nhân dân, H. 2008, tr. 317-318.
(8) Lê Quý Đôn: Phủ biên
tạp lục - Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr.108.)
Chuyên đề 2
TÌNH CẢM GẮN BÓ KEO SƠN
GIỮA HAI DÂN TỘC VIỆT NAM
- LÀO
TRONG NHỮNG NĂM THÁNG CHIẾN TRANH TRƯỚC ĐÂY
CŨNG NHƯ TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG
ĐẤT NƯỚC HIỆN NAY
-----
Trong
lịch sử quan hệ quốc tế từ xưa tới nay, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào –
Việt Nam là một điển hình, một tấm gương mẫu mực, hiếm có về sự gắn kết bền
chặt, thuỷ chung, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc đấu tranh vì độc
lập, tự do và tiến bộ xã hội. Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam
phát triển từ quan hệ truyền thống, do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nền móng
và chính Người cùng đồng chí Kayxỏn Phômvihản, đồng chí Xuphanuvông và các thế
hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước dày công vun đắp. Một
trong những nhân tố làm nên mối quan hệ đặc biệt Việt Nam -Lào, Lào-Việt Nam,
đó chính là tình cảm gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào trong những
năm tháng chiến tranh trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện
nay.
Thứ
nhất: Hai dân tộc sát cánh bên nhau, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, đòan kết
gắn bó đánh giặc ngoại xâm.
Dân
tộc Việt Nam kể từ khi Nhà nước Văn Lang thành lập đã trải qua mấy ngàn năm
lịch sử và liên tục bị chế độ phong kiến phương Bắc xâm lược, thống trị và do
đó đã phải không ngừng chiến đấu giành và bảo vệ độc lập dân tộc. Nước Lào cũng
trải qua lịch sử hàng nghìn năm và cũng phải ngoan cường chống xâm lược để
khẳng định sự tồn tại của mình với tư cách một dân tộc, một quốc gia độc lập.
Từ
đầu thế kỷ 20, không cam chịu ách nô lệ, nhân dân hai nước Lào-Việt Nam
đã đoàn kết, cùng nhau đấu tranh chống Pháp. Trong đó, có phong trào chống Pháp
ở Áttapư do Khi Volảlạt lãnh đạo (1900-1901), phong trào Phùmibun ở Trung Lào
của Phò Càduột (1901-1902) và cuộc khởi nghĩa Hạ Lào do ông Kẹo, ông Côm mađăm
lãnh đạo (1901-1937) đã có sự liên kết với các cuộc nổi dậy chống Pháp của bộ
tộc Xơ đăng ở KonTum (Việt Nam). Đặc biệt, năm 1918, phong trào chống Pháp của
người Mông ở Tây Bắc Việt Nam do Chạu Phạpắt chây lãnh đạo lan rộng trên địa
bàn nhiều tỉnh Bắc Lào và Tây Bắc Việt Nam, kéo dài đến tận năm 1922 gây cho
Pháp nhiêù thiệt hại.
Như
vậy, trước 1930, đã xuất hiện đoàn kết Lào-Việt cùng chiến đấu chống kẻ thù
chung nhưng lúc đó chỉ dừng lại ở tính chất tự phát do hạn chế về trình độ nhận
thức và điều kiện lịch sử. Từ khi được chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí
Minh soi đường, đặc biệt là từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời do Chủ tịch
Hồ Chí Minh sáng lập, trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng của hai dân
tộc Lào-Việt Nam, tình đoàn kết đó đã được phát triển mạnh mẽ và liên tục.
Nhân dân Lào cùng Việt kiều đấu tranh chống
chế độ thuộc địa, phối hợp và ủng hộ cách mạng Việt Nam giai đoạn (1930-1939).
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930) đã mở đầu trang sử vẻ vang
của quan hệ đặc biệt Việt Nam
– Lào.
Tại Hội nghị
lần thứ nhất (tháng 10 -1930) Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng
sản Đông Dương, đồng thời xác lập các nguyên tắc, phương hướng, đường lối chính
trị và những nhiệm vụ cơ bản cho phong trào cách mạng của ba dân tộc ở Đông
Dương; đặt phong trào cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng Lào dưới sự
lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Chính vì vậy, trong những năm 1930 -
1939, các cuộc đấu tranh của nhân dân
Việt Nam và Lào đã hỗ trợ lẫn nhau, góp phần thúc đẩy sự phát triển phong trào
cách mạng mỗi nước.
Trong thời
gian trên, Tỉnh uỷ Quảng Trị đã bắt mối xây dựng một số chi bộ Đảng trong Việt
kiều ở địa bàn Trung Lào. Sự ra đời của các chi bộ này, thể hiện sự phát triển
của phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động Lào cũng như vai
trò rất lớn của Việt kiều. Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng, sự vận động
của các đoàn thể quần chúng, những hoạt động chống Pháp có tính chất lẻ tẻ
trong phạm vi bộ tộc, bộ lạc, mang tính chất địa phương và tự phát ở Lào dần
chuyển lên mang tính tổ chức, hoà nhịp với phong trào đấu tranh của ba nước
Đông Dương. Những hoạt động yêu nước và cách mạng ở Việt Nam và Lào có sự phối
hợp và ngày càng gắn kết chặt chẽ bổ sung, hỗ trợ nhau.
Nhân dân hai
nước Việt Nam-Lào giúp nhau tiến hành cuộc vận động khởi nghĩa vũ trang giành
chính quyền thắng lợi(1939 - 1945).
Trước sự tồn vong của các dân tộc Đông Dương,
Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương liên tiếp tổ chức các cuộc hội nghị quan
trọng, đặc biệt, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 5- 1941 do lãnh
tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã quyết định nhiệm vụ giải phóng dân tộc và giải
quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước và thành lập ở mỗi nước một mặt
trận dân tộc thống nhất rộng rãi trong đó nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt
lên hàng trước tiên của cách mạng Đông Dương. Hội nghị cho rằng các dân tộc
Đông Dương đều chịu chung một ách thống trị của phát xít Pháp-Nhật cho nên phải
đoàn kết lại đánh đuổi kẻ thù chung.
Cuối năm 1944 đầu năm 1945, tình hình thế giới
và Đông Dương có nhiều biến đổi, đe doạ trực tiếp quyền lực và lợi ích của phát
xít Nhật ở Đông Dương. Trước tình hình đó, hai dân tộc Việt Nam - Lào đã phối
hợp đấu tranh chống phát-xít Nhật tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền thắng
lợi, thành lập chính phủ độc lập ở mỗi nước. Sự ra đời của Chính phủ nước Việt
Nam Dân chủ Cộng hoà (ngày 2-9-1945), Chính phủ Lào Ítxalạ (Lào tự do) (ngày 12-10-1945)
là một trong những cơ sở đưa tình đoàn kết, giúp đỡ nhau lên tầm liên minh
chiến đấu để hai bên xây dựng mối quan hệ hữu hảo và vững chãi hơn trước là
một bước ngoặt đưa tình đoàn kết, giúp đỡ nhau lên tầm liên minh chiến đấu.
Liên minh Việt
Nam-Lào , Lào-Việt Nam chiến đấu chống thực dân Pháp
và đế quốc Mỹ xâm lược
Sau khi giành lại được chính quyền, Chính phủ
hai nước đã ký Hiệp ước tương trợ Lào – Việt ([1]) và Hiệp định về tổ
chức Liên quân Lào - Việt ([2]), đặt cơ sở pháp lý
đầu tiên cho sự hợp tác giúp đỡ và liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của
hai dân tộc Việt Nam
- Lào.
Ngày
25-11-1945, trước nguy cơ tồn vong nền độc lập dân tộc của ba nước Việt Nam -
Lào - Campuchia, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị
Kháng chiến kiến quốc để chỉ đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc của ba nước Đông
Dương. Chỉ thị chủ trương: “Thống nhất mặt trận Việt – Miên - Lào chống Pháp
xâm lược”. Thực hiện chủ trương này, trong 3 năm (1945-1948), liên minh chiến
đấu Việt Nam - Lào từng bước được hình thành, phát triển và thu được nhiều kết
quả, góp phần thúc đẩy quan hệ đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào gắn bó mật
thiết hơn. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ sáu, (tháng 1- 1949) đã quyết định
“mở rộng mặt trận Lào - Miên”, trong đó nhấn mạnh yêu cầu mở rộng Mặt trận
kháng chiến Lào và Campuchia, củng cố các lực lượng Việt Nam làm nhiệm vụ quốc
tế ở hai nước, tăng cường thêm cán bộ, xây dựng và mở rộng các căn cứ ở Lào...
Thực hiện chủ trương đó, Việt Nam
đã cử nhiều cán bộ phối hợp với lực lượng kháng chiến Lào mở lớp huấn luyện
quân sự và học tập chính trị. Lực lượng này, sau được tổ chức thành hệ thống
riêng và lấy tên là Quân tình nguyện.
Đại hội Quốc dân Lào (Mặt trận Lào kháng
chiến) họp từ ngày 13 đến ngày 15 - 8 - 1950, tại Tuyên Quang (Việt Nam) đã đề
ra Cương lĩnh chính trị 12 điểm, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tăng cường đoàn kết
quốc tế, trước hết là với Việt Nam và Campuchia, cùng nhau đánh đuổi kẻ thù
chung là thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, góp phần bảo vệ hòa bình thế giới.
Ngày
11-3-1951, theo sáng kiến của Đảng Lao động Việt Nam, Hội nghị khối liên minh
nhân dân Việt Nam – Lào – Campuchia đã thành lập theo nguyên tắc tự nguyện,
bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của nhau, cùng nhau đánh đuổi bọn
thực dân, đế quốc xâm lược, giành độc lập thực sự cho nhân dân Đông Dương. Hội
nghị đề ra chương trình hành động chung và cử Ủy ban liên minh gồm đại diện của
ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Việc thành lập khối liên minh nhân dân Việt
Nam – Lào – Campuchia đã tạo cơ sở để nâng cao quan hệ đoàn kết và phối hợp
chiến đấu giữa nhân dân ba nước Đông Dương và đã giáng đòn mạnh mẽ vào chính
sách “chia để trị” của bọn thực dân, đế quốc. Tháng 12-1953, một bộ phận quân
chủ lực Việt Nam phối hợp
với bộ đội Lào Ítxalạ và quân tình nguyện Việt Nam tại Lào mở chiến dịch Trung, Hạ
Lào. Chiến thắng của Liên quân Việt – Lào góp phần làm phá sản kế hoạch tập
trung quân của Nava, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó trên nhiều chiến
trường, tạo điều kiện củng cố, phát triển thế phối hợp chiến lược giữa hai nước
Việt Nam và Lào.
Với việc ký kết Hiệp định Giơnevơ 1954, cách
mạng hai nước Việt Nam,
Lào bước vào thời kỳ mới: thời kỳ tập trung xây dựng lực lượng, đẩy mạnh đấu
tranh để giữ vững hòa bình và giành độc lập, thống nhất ở mỗi nước. Tuy nhiên,
đế quốc Mỹ vẫn nuôi tham vọng xâm lược, ra sức can thiệp vào miền Nam Việt Nam
và Lào, âm mưu biến nơi đây thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự, để làm
bàn đạp tiến công các nước xã hội chủ nghĩa. Trước sự chuyển biến mới của cách mạng
Lào, Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào được tiến hành từ ngày 22 tháng 3 đến
ngày 6 tháng 4 năm 1955 tại tỉnh Sầm Nưa. Đảng Nhân dân Lào ra đời đã tạo cơ sở
vững chắc để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Lào, đồng thời
là nhân tố trọng yếu, có ý nghĩa quyết định thúc đẩy quan hệ đoàn kết, giúp đỡ
lẫn nhau giữa cách mạng hai nước Lào - Việt Nam. Đặc biệt, sau Đại hội đại biểu
lần thứ II của Neo Lào Hắc Xạt (Mặt trận Lào yêu nước) đã mở ra triển vọng mới
cho sự tăng cường hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa cách mạng hai nước Việt Nam –
Lào.
Sau khi Đảng
Nhân dân Lào được thành lập, các lực lượng yêu nước Lào với sự phối hợp, hỗ trợ
tích cực của các tổ cố vấn quân sự và dân chính Việt Nam đã liên tiếp đánh bại
các cuộc tiến công của các thế lực phái hữu trong chính quyền và quân đội Viêng
Chăn vào vùng căn cứ cách mạng, gây cho địch nhiều thiệt hại. Đúng như khẳng
định của Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào:“ Sở dĩ cách mạng Lào đạt được
những thắng lợi to lớn đó là do tinh thần đoàn kết đấu tranh anh dũng kiên
cường của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân
Lào, đồng thời cũng do sự đóng góp quan trọng của đồng chí và Trung ương Đảng
Lao động Việt Nam đã hết lòng theo dõi, giúp đỡ chúng tôi trong mỗi giai đoạn
của cách mạng” [3]
Từ cuối năm
1958, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đẩy mạnh các hoạt động lật lọng, từng bước
xoá bỏ các hiệp ước hoà hợp dân tộc đã được ký kết để cuối cùng trắng trợn xoá
bỏ Chính phủ liên hiệp và hoà hợp dân tộc. Trước sự can thiệp trắng trợn của đế
quốc Mỹ vào Lào, Hội nghị Trung ương Đảng Nhân dân Lào (3-6-1959) xác định cuộc
đấu tranh cách mạng của nhân dân Lào đang chuyển sang một giai đoạn mới, giai
đoạn từ đấu tranh công khai hợp pháp là chủ yếu, chuyển sang đấu tranh vũ trang
là chủ yếu, kết hợp với các hình thức đấu tranh khác. Thống nhất với quan điểm
trên của Đảng Nhân dân Lào, Hội nghị Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam
(2-7-1959) đề ra chủ trương chi viện cách mạng Lào đáp ứng yêu cầu xây dựng,
phát triển lực lượng trong tình hình mới và coi đây là một nhiệm vụ quốc tế hết
sức quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Về phía Việt Nam,
được sự giúp đỡ tận tình của nhân dân các bộ tộc Lào, các đoàn công tác quân sự
của ta đã xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng, phục vụ cho việc mở tuyến đường
mới dọc Tây Trường Sơn trên đất Lào.
Ngày 5-9-1962,
Chính phủ nước Việt Nam
dân chủ cộng hoà và Chính phủ Vương quốc Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại
giao. Đầu năm 1963 vua Lào Xỉxávàng Vắthana dẫn đầu đoàn đại biểu Hoàng gia Lào
thăm Việt Nam.
Trong buổi chiêu đãi vua Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Hai dân tộc
Việt và Lào sống bên nhau trên cùng một dải đất, cùng có chung một dãy núi
Trường Sơn. Hai dân tộc chúng ta đã nương tựa vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau như
anh em… Ngày nay chúng ta lại đang giúp đỡ nhau để xây dựng một cuộc sống mới.
Tình nghĩa láng giềng anh em Việt - Lào thật là thắm thiết không bao giờ phai
nhạt được”([4]).
Mặc dù Hiệp
định Giơnevơ năm 1962 về Lào được ký kết, đế quốc Mỹ vẫn chưa từ bỏ âm mưu xâm
lược Lào, tăng cường viện trợ, giúp chính quyền tay sai thân Mỹ tiến công lấn
chiếm vùng giải phóng, đồng thời ra sức phá hoại Chính phủ liên hiệp, cô lập và
vu cáo Neo Lào Hắc Xạt. Từ cuối năm 1963, Việt Nam cử chuyên gia quân sự sang
làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào và đến giữa năm 1964, thành lập hệ thống chuyên gia
quân sự Việt Nam từ trên cơ quan Tổng tư lệnh Lào xuống đến Bộ tư lệnh các quân
khu, tỉnh đội và cấp tiểu đoàn, có nhiệm vụ phối hợp với bạn để nghiên cứu kế
hoạch tác chiến, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng và củng cố các vùng căn
cứ ở Lào. Đồng thời, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với bộ đội
Pathết Lào mở nhiều chiến dịch, chủ yếu ở khu vực đường 9 – Trung Lào, Cánh
đồng Chum – Xiêng Khoảng, đập tan các cuộc tấn công lấn chiếm của địch, bảo vệ
vững chắc vùng giải phóng Lào, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Việt Nam
vận chuyển trên đường Tây Trường Sơn để chi viện cho chiến trường miền Nam Việt
Nam và cách mạng hai nước Lào, Campuchia.
Ngày
22-6-1965, Đảng Lao động Việt Nam đã thống nhất với Đảng Nhân dân Lào về việc
phối hợp và giúp đỡ lẫn nhau, trong đó tập trung giúp Lào xây dựng vùng giải
phóng về mọi mặt. Tiếp đó, ngày 3/ 7/ 1965, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung
ương Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyết khẳng định: “Việt Nam cần phải nỗ lực
đáp ứng đến mức cao nhất mọi yêu cầu đối với công cuộc phát triển cách mạng của
Lào”[5]. Đầu năm 1968, bộ đội
tình nguyện Việt Nam phối hợp với Quân giải phóng Lào mở chiến dịch tiến công
Nặm Bạc thắng lợi, giải phóng hoàn toàn khu vực Nặm Bạc – Khăm Đeng với trên
một vạn dân, nối liền vùng giải phóng Thượng Lào thành khu vực liên hoàn, tạo
thế vững chắc cho hậu phương cách mạng Lào và hỗ trợ thiết thực cho cuộc kháng
chiến của nhân dân Việt Nam và Campuchia.
Những thắng
lợi trên thể hiện nấc thang phát triển mới của lực lượng cách mạng Lào, đồng
thời khẳng định sức mạnh to lớn của quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa quân và dân
hai nước Việt Nam – Lào, trong đó thể hiện tình cảm chân thành nhất mực, sắt
son của Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng Lào, như đồng chí Cay xỏn
Phômvihản phát biểu trong cuộc hội đàm giữa Đảng Nhân dân Lào và Đảng Lao động
Việt Nam (12-1968) đã nhấn mạnh: “Sự giúp đỡ của Việt Nam cho cách mạng Lào hết
sức tận tình và vô tư. Việt Nam
đã giúp Lào cả vật chất và xương máu. Xương máu của nhân dân Việt Nam đã nhuộm
đỏ khắp nơi trên đất nước Lào vì nền độc lập của Lào…Sự giúp đỡ của Việt Nam
đối với Lào đã xây dựng nên mối quan hệ đặc biệt, thực tế đó cũng là sự vận
dụng đúng đắn chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản”[6].
Trước âm mưu
và thủ đoạn chiến tranh mới của đế quốc Mỹ, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam
và Trung ương Đảng Nhân dân Lào đã ra chỉ thị khẳng định tăng cường đoàn kết
giữa nhân dân hai nước, quyết tâm đánh bại đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai trong
bất cứ tình huống nào. Với tinh thần đó, đến cuối năm 1972, cách mạng Lào đã
giành được nhiều thắng lợi quan trọng và cùng với những chiến thắng to lớn về
nhiều mặt của quân tình nguyện Việt Nam và quân giải phóng nhân dân Lào cuối
năm 1972, đầu năm 1973 đã trực tiếp góp phần quan trọng buộc chính phủ Viêng
Chăn phải ký kết Hiệp định Viêng Chăn “lập lại hoà bình và thực hiện hòa hợp
dân tộc ở Lào” (21-2-1973).
Bước vào thời
kỳ mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai Đảng Nhân dân Lào đã quyết định
đổi tên Đảng thành Đảng Nhân dân cách mạng Lào; Đại hội đã suy tôn đồng chí Hồ
Chí Minh là lãnh tụ của Đảng; thông qua Nghị quyết: “Tăng cường đoàn kết Lào –
Việt”. Đặc biệt, đại hội khẳng định tình đoàn kết Lào – Việt trên cơ sở chủ
nghĩa Mác - Lênin và tinh thần quốc tế
vô sản là mối quan hệ đặc biệt. Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân cách
mạng Lào cũng đã thống nhất phương hướng hợp tác cần tập trung vào những vấn đề
cơ bản nhất, những khâu then chốt nhất, tạo điều kiện cho Lào nhanh chóng đảm
đương được công việc một cách độc lập, tự chủ.
Thực hiện chủ
trương trên, Việt Nam từng bước rút chuyên gia ở tỉnh và huyện về nước (trước
tháng 5-1974), đồng thời điều chỉnh các lực lượng chuyên gia và quân tình
nguyện còn lại để phối hợp và giúp Lào thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn cách
mạng mới. Sự phối hợp chặt chẽ và giúp
đỡ hiệu quả giữa Việt Nam và Lào nói trên, đã làm cho thế và lực của cách mạng
Lào lớn mạnh vượt bậc, tạo điều kiện thúc đẩy phong trào đấu tranh của quần
chúng ngày càng lan rộng và sôi nổi, nhất là ở Thủ đô Viêng Chăn, buộc Chính
phủ liên hiệp phải chấp nhận Cương lĩnh chính trị 18 điểm và Chương trình hành
động 10 điểm do Mặt trận Lào yêu nước đưa ra (12-1974), đồng thời góp phần hỗ
trợ tích cực cho nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia anh em giành thắng lợi
hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Trước thắng
lợi dồn dập, to lớn của nhân dân Việt Nam, Campuchia trong tháng 4-1975, nhất
là chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam (30-4-1975) của nhân dân Việt Nam,
ngày 5-5-1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào tổ chức Hội
nghị mở rộng, quyết định phát động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong cả nước
nổi dậy đoạt lấy chính quyền và giành thắng lợi hoàn toàn.
Tháng 12 năm
1975, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ra đời. Đây là thắng lợi to lớn, triệt
để của nhân dân các bộ tộc Lào, đồng thời cũng là thắng lợi quan trọng của mối
quan hệ đặc biệt, liên minh đoàn kết chiến đấu, thủy chung, son sắt giữa hai
dân tộc Việt Nam
– Lào.
Thứ hai: Hợp
tác và giúp đỡ nhau, vượt qua khó khăn cùng xây dựng chủ nghĩa xã hội, hội nhập
và phát triển.
Sau năm 1975, quan hệ Việt Nam và Lào bước
sang một trang mới. Đây
là thời kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào trở thành Đảng
cầm quyền ở mỗi nước; cả hai nước càng có điều kiện phát huy truyền thống tốt đẹp
đã từng gắn bó keo sơn trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, xây dựng và tăng cường quan hệ liên
minh, liên kết và hợp tác toàn diện về chính trị, quốc phòng an ninh, kinh tế,
văn hoá, giáo dục… Tuy nhiên, vào thời điểm này hai nước đều phải ra sức khắc
phục hậu quả nặng nề của chiến
tranh, đặc biệt là hậu quả thống trị của chủ nghĩa thực dân mới. Trong khi đó,
các thế lực thù địch trong nước và bên ngoài câu kết, tìm cách chia rẽ Lào với
Việt Nam, Việt Nam với Lào gây khó khăn, trở ngại không nhỏ cho mối quan hệ giữa
Việt Nam và Lào.
Ngày 30-4-1976, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyết Về tăng cường giúp đỡ
và hợp tác với cách mạng Lào trong giai đoạn mới, xác định: việc tăng cường đoàn kết, giúp đỡ, hợp tác đối với Lào là một trong những nhiệm
vụ quốc tế hàng đầu của
Đảng và nhân dân Việt
Nam. Từ ngày 15 đến ngày 18-7-1977, Đoàn đại biểu cao cấp Đảng và Chính
phủ Việt Nam do Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang
thăm hữu nghị chính thức Lào. Hai bên đã trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế
quan trọng mà hai bên cùng quan tâm, cũng như các vấn đề nhằm phát triển mối
quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước, trên cơ sở
đáp ứng nguyện vọng thiết tha và lợi ích sống còn của hai dân tộc trong sự
nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ngày 18 tháng
7 năm 1977, hai nước chính thức ký kết các Hiệp ước: Hiệp ước hữu nghị và hợp
tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào;
Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; và ra Tuyên bố chung tăng cường sự
tin cậy và hợp tác lâu dài giữa hai nước. Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào là Hiệp ước
toàn diện, mang tính chiến lược lâu dài, tạo cơ sở chính trị và pháp lý quan
trọng để củng cố và tăng cường lâu dài tình đoàn kết, mối quan hệ đặc biệt Việt
Nam – Lào, mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ giữa
hai nước.
Ngày 3-7-1987,
Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ thị: “Trên cơ sở quán triệt
đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, các Nghị quyết 10 và
11 của Bộ Chính trị về tăng cường đoàn kết, hợp tác toàn diện với Lào và
Campuchia và nội dung thỏa thuận trong các cuộc hội đàm lần này[7], các bộ ban ngành và
các tỉnh trực tiếp làm nhiệm vụ hợp tác với bạn cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm,
kiên quyết xử lý và có biện pháp chấm dứt các hiện tượng tiêu cực, các quan
điểm, nhận thức và hành động sai trái gây phương hại cho quan hệ đặc biệt giữa
ta với Lào”[8]. Về phía Lào, Ban Bí
thư Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào cũng khẳng định: “Xuất phát từ
truyền thống lịch sử và tình hình, nhiệm vụ chiến lược của cách mạng ba nước,
sự tăng cường liên minh hợp tác toàn diện giữa ba Đảng, ba nước Lào – Việt Nam
– Campuchia mới trở thành nhiệm vụ chiến lược số một, là nguyên tắc cách mạng
bất di bất dịch của mỗi nước, là vấn đề sống còn của mỗi nước”[9]. Đặc biệt, Chỉ thị của
Ban Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào ghi rõ: “hai bên nhất trí phải tăng
cường giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ quan hệ đoàn kết sống
còn và lâu dài, quán triệt quan điểm, phương châm nguyên tắc của mối quan hệ
trong giai đoạn cách mạng mới, uốn nắn tư tưởng và tác phong làm việc mới,
tránh những bảo thủ, chủ quan, chống mọi hiện tượng lơ là mất cảnh giác, thiếu
trách nhiệm, chống tư tưởng dân tộc hẹp hòi”[10].
Theo tinh thần
đó, từ năm 1988, cuộc gặp hàng năm giữa hai Bộ Chính trị đã trở thành một cơ
chế hoạt động chính thức giữa hai Đảng và hai Nhà nước. Trong đó có sự kiện có
ý nghĩa quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác toàn diện
Việt Nam là chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào
của Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh dẫn đầu
từ ngày 2 đến ngày 4 -7-1989. Đây là chuyến thăm Lào chính thức đầu tiên của
lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam từ sau Đại hội IV Đảng Nhân dân
Cách mạng Lào. Hai bên thống nhất với nhau nhiều vấn đề quan trọng trong việc
đổi mới phương thức hợp tác giữa hai nước và giải quyết các vấn đề quốc tế và
khu vực. Thành tựu nổi bật nhất của quan hệ hợp tác chính trị Việt Nam –
Lào trong giai đoạn này là hai nước vẫn kiên định giữ vững định hướng chính trị
theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Tháng 10 năm
1991, đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và
Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Nhân dân Cách mạng Lào thăm chính thức Việt Nam. Hai
bên khẳng định quyết tâm trước sau như một là tăng cường, củng cố và nâng cao
quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào – Việt Nam, Việt Nam – Lào, đẩy mạnh hợp tác kinh
tế, định kỳ trao đổi cấp Thứ trưởng Ngoại giao giữa hai nước nhằm phối hợp chặt
chẽ các hoạt động ngoại giao trên các diễn đàn quốc tế.
Từ đó đến nay,
trung bình mỗi năm, hai Đảng cử trên 30 đoàn từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh
sang trao đổi với nhau những kinh nghiệm về giữ vững định hướng xã hội chủ
nghĩa, về công tác tư tưởng, lý luận, công tác dân vận. Quan hệ giữa các bộ,
ban, ngành, đoàn thể, địa phương, nhất là các tỉnh biên giới kết nghĩa đều có
những trao đổi hợp tác và mối quan hệ đó ngày càng đi vào chiều sâu với nội
dung thiết thực và có hiệu quả. Đặc biệt, hai bên phối hợp nghiên cứu, biên
soạn công trình Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam (1930 –
2007) nhằm tổng kết quá trình liên minh chiến đấu và hợp tác toàn diện Việt Nam
– Lào, Lào – Việt Nam, đúc kết những bài học kinh nghiệm phục vụ cho việc tiếp
tục xây dựng và phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam lên
một tầm cao mới.
Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam -Lào, Lào -Việt Nam quý báu và thiêng liêng đã được
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đúc kết trong 4 câu thơ bất hủ:
"Thương
nhau mấy núi cũng trèo,
Mấy
sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.
Việt
- Lào, hai nước chúng ta,
Tình
sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long".
Chủ tịch Kayxỏn Phômvihản cũng đã
khẳng định: "Trong lịch sử cách mạng thế giới, đã có nhiều tấm gương chói
sáng về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ, có được sự
đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài và toàn diện như quan hệ Lào -
Việt Nam"; "Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào -
Việt Nam mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông".
Cùng với cả
nước, mối quan hệ giữa tỉnh Quảng Trị với hai tỉnh Savẳn nakhệt, Salavăn của
nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào cũng không ngoài truyền thống quý báu đó.
Phát huy
truyền thống trong chiến đấu, ngày nay trong sự nghiệp xây dựng đất nước, với
lợi thế Quảng Trị có chung 206 km đường biên giới, chính quyền 3 tỉnh Quảng
Trị, Savẳnnakhệt và Salavăn thường xuyên phối hợp tổ chức các cuộc hội thảo
quảng bá đầu tư, cải cách thủ tục hành chính tại cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo,
Đensavẳn và cửa khẩu Quốc gia La Lay nhằm khuyến khích giao lưu phát triển kinh
tế, thương mại, du lịch và tạo điều kiện bà con 2 bên biên giới qua lại thăm
thân, trao đổi hàng hoá, tham quan, du lịch... Quan hệ buôn bán giữa các doanh
nghiệp và các tổ chức kinh tế của Quảng Trị và các tỉnh biên giới của Lào từng
bước được xác lập và bước đầu đạt kết quả
tốt. Các Công ty du lịch của 3 tỉnh Quảng Trị - Việt Nam, Savẳnnakhệt -
Lào và Mụcđahản - Thái Lan đã có các chương trình hợp tác đưa đón khách tham
quan du lịch theo tour " Một ngày ăn cơm 3 nước" ngày càng thu hút
nhiều khác trong và ngoài nước. Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội,
các lực lượng Công an, Quân sự, Bộ đội biên phòng, Hải quan tỉnh Quảng Trị và
tỉnh Savẳnnakhệt, tỉnh Salavăn định kỳ có các cuộc gặp gỡ giao lưu, học hỏi
kinh nghiệm lẫn nhau. Công an, Biên phòng các huyện biên giới cũng thường xuyên
phối hợp với nhau trong công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản bổ sung các
tuyến điểm, địa bàn trọng điểm để hoàn chỉnh kế hoạch đấu tranh phòng chống tội
phạm. Nhờ vậy, đường biên, cột mốc giữa các tỉnh luôn được bảo vệ nguyên trạng;
tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu vực biên giới của
hai bên luôn được giữ vững.
Hiện nay, các
thế lực thù địch đang thực hiện các âm mưu “diễn biến hòa bình” với nhiều thủ
đoạn nhằm phá hoại, chia rẽ tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt- Lào và công
cuộc xây dựng CNXH ở mỗi nước. Hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam- Lào tiếp tục
khẳng định ý chí, quyết tâm tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác toàn diện nhằm
góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng ở mỗi nước, giữ gìn và phát
triển tình hữu nghị láng giềng gắn bó keo sơn này.
Để thực hiện
thắng lợi nhiệm vụ vẻ vang đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị
cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh Quảng Trị, Savẳnnakhệt,
Salavăn sẽ làm hết sức mình, tiếp tục đổi mới phương thức, nội dung, cơ
chế phù hợp trên tất cả các lĩnh vực
hoạt động thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác toàn diện lên tầm cao mới và càng
phát triển bền vững.
_____________
(1)Ký ngày 16 tháng 10 năm 1945
(2) Ký ngày 30 tháng 10 năm 1945
(3) Nguyễn Văn Vịnh,
Những sự kiện lịch sử ở Lào (1353-1975), Nxb. Lao động, Hà Nội, 2008,tr. 326
(4) Hồ Chí Minh: Toàn
tập, Sđd, t.11, tr 37.
(5) Nghị quyết Bộ Chính trị Trung ương Đảng về công tác Lào, Hồ
sơ: TƯ 364; trang 28; VP BQP.
(6)Dẫn theo Lịch sử quan
hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930-2007, Nxb. Chính trị Quốc gia –
Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.439
(7) Đây là cuộc hội đàm
hàng năm giữa Bộ Chính trị hai nước diễn ra trong hai ngày 9 và 10 tháng 5 năm
1987.
(8) Chỉ thị của Ban Bí
thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam số 09 CT/ TW ngày 3 tháng 7 năm 1987 về
việc quan hệ Đảng ta với Đảng Lào và Đảng Campuchia, Tài liệu lưu tại Kho lưu
trữ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
(9) Chỉ thị của Ban Bí
thư Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào số 24/BBT, ngày 20 tháng 5 năm 1987
về việc triển khai kết quả của cuộc Hội đàm giữa Bộ Chính trị Đảng Nhân dân
cách mạng Lào với Bộ Chính trị Đảng Cộng
sản Việt Nam, Tài liệu lưu tại Kho lưu trữ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
(10) Chỉ thị của Ban Bí
thư Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào số 24/BBT, ngày 20 tháng 5 năm
1987…Tài liệu đã dẫn.
Chuyên đề 3
VAI TRÒ CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH,
CHỦ TỊCH CAY XỎN PHÔMVIHẢN, CHỦ TỊCH XUPHANUVÔNG VÀ CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO
CẤP CAO CỦA HAI ĐẢNG, HAI NHÀ NƯỚC TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
QUAN HỆ ĐẶC BIỆT VIỆT NAM
– LÀO, LÀO - VIỆT NAM.
Trong lịch sử quan hệ quốc tế từ
xưa tới nay, quan hệ Việt Nam - Lào, Lào – Việt Nam là quan hệ đặc biệt, là một
điển hình, một tấm gương mẫu mực, hiếm có về sự gắn kết bền chặt, thuỷ chung,
trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến
bộ xã hội. Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam phát triển từ quan
hệ truyền thống, do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nền móng và chính Người cùng
đồng chí Kayxỏn Phômvihản, đồng chí Xuphanuvông và các thế hệ lãnh đạo hai
Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước dày công vun đắp; đặt dưới sự lãnh đạo
của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt
Nam:
Chủ
tịch Hồ Chí Minh, người đặt nền móng cho quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam.
Trong những
thập kỷ đầu thế kỷ XX, chính Nguyễn Ái Quốc, với lòng yêu nước nồng nàn và nghị
lực phi thường, vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, đã tự mình khám phá thế giới
tư bản chủ nghĩa và các dân tộc thuộc địa, nhằm phát hiện chân lý cứu nước.
Người tiếp nhận và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể
của Đông Dương để xác định con đường giải phóng các dân tộc Việt Nam,
Lào, Campuchia theo con đường cách mạng vô sản.
Trong
quá trình tìm đường cứu nước của mình, Nguyễn Ái Quốc rất quan tâm đến tình
hình Lào. Người không chỉ lên án chế độ thực dân Pháp nói chung mà còn tố cáo cụ
thể sự tàn bạo của thực dân Pháp ở Lào (1). Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên-
tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp sáng
lập vào tháng 6 năm 1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), đến tháng 2 năm 1927, Hội
này gây dựng được cơ sở tại Lào. Thông qua hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng
Thanh niên ở Lào, Nguyễn Ái Quốc thấy đây là điều kiện thuận lợi để người Việt
Nam vừa tham gia cuộc vận động cứu nước tại Lào, vừa sát cánh cùng nhân dân Lào
xây dựng mối quan hệ đoàn kết khăng khít giữa Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam.
Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã lập Hội Ái hữu, Hội Việt kiều yêu nước, mở
các lớp huấn luyện cách mạng trên đất Lào. Trên thực tế, từ nửa sau những năm
20 thế kỷ XX, Lào là một đầu cầu trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và
tư tưởng cứu nước mới của Nguyễn Ái Quốc vào Đông Dương. Năm 1928, đích thân
Người bí mật tổ chức khảo sát thực địa tại Lào (2) càng cho thấy mối quan hệ
gắn bó mật thiết giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào. Cũng trong năm này,
chi bộ Thanh niên cộng sản đầu tiên được thành lập tại Viêng Chăn, đồng thời
đường dây liên lạc giữa nhiều thị trấn ở Lào với Việt Nam được tổ chức.
Như
vậy, Lào trở thành địa bàn đầu tiên trên hành trình trở về Đông Dương của
Nguyễn Ái Quốc, nơi bổ sung những cơ sở thực tiễn mới cho công tác chính trị,
tư tưởng và tổ chức của Người về phong trào giải phóng dân tộc ở ba nước Đông
Dương. Quá trình Nguyễn Ái quốc đặt nền móng cho quan hệ đặc biệt Việt Nam –
Lào, Lào – Việt Nam báo hiệu bước ngoặt lịch sử trọng đại sắp tới của cách mạng
Việt Nam cũng như cách mạng Lào.
Ngày
3 -2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam do chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lapạ đã ra đời -
tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương cũng là sự mở đầu những trang sử vẻ
vang của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Trên
cơ sở sự phát triển của tổ chức Đảng ở Lào, tháng 9 năm 1934, Ban Chấp hành
Đảng bộ lâm thời Ai Lao (tức Xứ uỷ lâm thời Ai Lao) được thành lập. Sự ra đời
của Xứ uỷ Ai Lao là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh yêu nước của
nhân dân các bộ tộc Lào, khẳng định trên thực tế vai trò lãnh đạo của Đảng bộ
Lào đối với cách mạng Lào cũng như đánh dấu một bước phát triển mới trong quan
hệ giữa phong trào cách mạng hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Trong
suốt quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng, Đảng Cộng sản Đông Dương còn đề
ra những chủ trương và giải pháp cụ thể chỉ đạo các cấp bộ Đảng và phong trào
cách mạng Đông Dương cũng như tăng cường sự quan hệ mật thiết, nương dựa lẫn
nhau của hai dân tộc Việt Nam và Lào trên hành trình đấu tranh giành tự do, độc
lập cho mỗi dân tộc. Điều này thêm một lần nữa khẳng định: quá trình chuẩn bị
công phu về mọi mặt chính trị, tư tưởng, và tổ chức cho cách mạng Việt Nam,
đồng thời với việc quan tâm xây dựng nhân tố bên trong cho cách mạng Lào, cả về
phương diện tổ chức lẫn chỉ đạo thực tiễn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thật sự
tạo ra nền tảng hoàn toàn mới về chất cho lớp người cộng sản Đông Dương đầu
tiên, bất luận họ là người Việt Nam, người Lào, hay là người Campuchia. Đây
chính là nền móng vững chắc của quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam mà
Nguyễn Ái Quốc là kiến trúc sư vĩ đại của tình đoàn kết đặc biệt đó.
Chủ
tịch Hồ Chí Minh cùng đồng chí Kayxỏn Phômvihản, đồng chí Xuphanuvông và các
thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước dày công vun đắp mối
quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam.
Ngay
sau khi nước Việt Nam
dân chủ cộng hoà ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Hoàng thân Xuphanuvông đang ở
Vinh ra Hà Nội và tiếp Hoàng thân. Cuộc gặp gỡ đã có tác động mạnh mẽ, quyết
định đối với Hoàng thân trong việc chọn lựa con đường làm cách mạng. Ngày
3-10-1945, tại cuộc mít tinh của hàng vạn nhân dân tỉnh Savẳnnakhệt đón chào
Hoàng thân Xuphanuvông trở về tham gia chính phủ Lào, Hoàng thân tuyên bố:
“Quan hệ Lào - Việt từ nay sẽ mở ra một kỷ nguyên mới...”. Hình ảnh, uy tín, quyết tâm làm cách
mạng, cứu nước và những lời nói tốt đẹp của Hoàng thân về quan hệ Lào - Việt đã
tác động lớn lao đến sự hưởng ứng, tham gia cách mạng của các tầng lớp nhân dân
Lào, càng tạo thêm chất keo gắn kết tình cảm của nhân dân Lào với Việt kiều
cũng như với Việt Nam. Chính phủ Lào Ítxalạ (Lào tự do) vừa được thành lập cũng
đã chủ trương: “Nhân dân Lào thân thiện với nhân dân Việt Nam và quyết tâm cùng nhân dân Việt Nam đánh đuổi
bọn thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương” (3). Thủ tướng Khăm Mạo tuyên bố với Việt kiều: “mong rằng ba
nước Việt, Miên, Lào bắt tay nhau để kiến thiết quốc gia”
(4). Chính phủ hai nước đã ký Hiệp ước
tương trợ Lào – Việt (4) và Hiệp định về tổ chức Liên
quân Lào - Việt (5), đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự
hợp tác giúp đỡ và liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc Việt
- Lào.
Sau
khi giành được chính quyền, nhân dân hai nước Việt Nam, Lào hơn lúc nào hết,
chỉ mong muốn được sống trong hòa bình, tiếp tục hợp tác, cùng nhau bảo vệ nền
độc lập và xây dựng lại đất nước nhưng ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp
được sự đồng lõa của quân Anh, nổ súng đánh chiếm thành phố Sài Gòn. Tiếp đó,
chúng mở rộng chiến tranh ra toàn Nam Bộ, Nam Trung Bộ của Việt Nam, sang
Campuchia, Hạ Lào, rồi toàn cõi Đông Dương.
Trước
nguy cơ tồn vong nền độc lập dân tộc của ba nước Việt Nam – Lào - Campuchia,
ngày 25-11-1945, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị
Kháng chiến kiến quốc để chỉ đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc của ba nước Đông
Dương. Chỉ thị chủ trương: “Thống nhất mặt trận Việt- Miên- Lào chống Pháp xâm
lược” và nêu rõ nhiệm vụ: “Tăng cường công tác vũ trang tuyên truyền vận động
quần chúng nhân dân ở thôn quê, làm cho mặt trận kháng Pháp của Lào – Việt lan
rộng và chiến tranh du kích nảy nở ở thôn quê, đặng bao vây lại quân Pháp ở nơi
sào huyệt của chúng và quét sạch chúng khỏi đất Lào”
(6).
Đảng
và Chính phủ Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi nhiệm vụ giúp
cách mạng Lào như mình tự giúp mình để cùng phối hợp chiến đấu, đánh đuổi kẻ
thù chung, giành độc lập tự do cho mỗi nước trên bán đảo Đông Dương. Thấm nhuần
quan điểm quốc tế cao cả của Đảng Lao động Việt Nam và của Chủ tịch Hồ Chí
Minh, nhân dân Việt Nam từ tiền tuyến đến hậu phương sẵn sàng chia sẻ những
thuận lợi, cùng khắc phục khó khăn, cử nhiều người con yêu dấu của mình sang phối
hợp cùng bạn Lào đẩy mạnh chiến tranh du kích, phát triển lực lượng kháng
chiến.
Nhân dịp giành được
thắng lợi trong cuộc đấu tranh thực hiện hoà hợp dân tộc, thống nhất quốc gia,
thành lập Chính phủ Liên hiệp, ngày 10 tháng 1 năm 1958, Ban Chỉ đạo Đảng Nhân
dân Lào gửi thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao
động Việt Nam khẳng định: “Sở dĩ cách mạng Lào đạt được những thắng lợi to lớn
đó là do tinh thần đoàn kết đấu tranh anh dũng kiên cường của nhân dân, cán bộ,
chiến sĩ Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Lào, đồng thời cũng do sự đóng
góp quan trọng của đồng chí và Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã hết lòng
theo dõi, giúp đỡ chúng tôi trong mỗi giai đoạn của cách mạng”.(7)
Những
thắng lợi trên thể hiện nấc thang phát triển mới của lực lượng cách mạng Lào,
đồng thời khẳng định sức mạnh to lớn của quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa quân
và dân hai nước Việt Nam – Lào, trong đó thể hiện tình cảm chân thành nhất mực,
sắt son của Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng Lào, như đồng chí Cay xỏn
Phômvihản phát biểu trong cuộc hội đàm giữa Đảng Nhân dân Lào và Đảng Lao động
Việt Nam (12-1968) đã nhấn mạnh: “Sự giúp đỡ của Việt Nam cho cách mạng Lào hết
sức tận tình và vô tư. Việt Nam
đã giúp Lào cả vật chất và xương máu. Xương máu của nhân dân Việt Nam đã nhuộm đỏ
khắp nơi trên đất nước Lào vì nền độc lập của Lào… Sự giúp đỡ của Việt Nam
đối với Lào đã xây dựng nên mối quan hệ đặc biệt, thực tế đó cũng là sự vận
dụng đúng đắn chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản”(8).
Thấm
nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giúp bạn là mình tự giúp mình”, coi
nhân dân bạn như nhân dân mình, coi sự nghiệp cách mạng của bạn là trách nhiệm
của mình, trong suốt 30 năm chiến tranh giải phóng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ
quân tình nguyện và đội ngũ chuyên gia Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào luôn
kề vai sát cánh và cùng với bạn, vừa chiến đấu chống địch càn quét lấn chiếm,
vừa tiến hành xây dựng và củng cố các đoàn thể, chính quyền kháng chiến, xây
dựng và bảo vệ vùng giải phóng, tăng cường lực lượng vũ trang, phát triển chiến
tranh du kích trên khắp các khu vực Thượng, Trung và Hạ Lào. Đồng thời, thực
tiễn chiến đấu, công tác trên các chiến trường Lào cũng là cơ hội bồi dưỡng,
rèn luyện rất bổ ích về các mặt quân sự, chính trị, nhất là nâng cao thêm tinh
thần đoàn kết quốc tế cho cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện và đội ngũ chuyên
gia Việt Nam.
Sau
năm 1975, quan hệ Việt Nam
và Lào bước sang trang mới: từ liên minh chiến đấu chung một chiến hào sang hợp
tác toàn diện giữa hai quốc gia có độc lập chủ quyền. Cuộc cách mạng khoa học
công nghệ đang diễn ra như vũ bão, đẩy nhanh xu thế quốc tế hoá, toàn cầu hoá
trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, các nước đang phát triển
trong đó có Việt Nam và Lào đều có cơ hội và điều kiện thu hút vốn đầu tư, kinh
nghiệm quản lý, sử dụng các thành tựu khoa học công nghệ của thế giới để đẩy
nhanh quá trình phát triển kinh tế, xây dựng đất nước…
Năm
1976, ngay sau thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Lào và Việt Nam đã
đạt được thỏa thuận quan trọng trong vòng hai tháng rút toàn bộ quân đội và
chuyên gia Việt Nam về nước và bắt đầu xúc tiến việc hoạch định biên giới quốc
gia giữa hai nước. Tuy nhiên, lợi dụng cơ hội này, bọn phản động trong nước
Lào, với sự hỗ trợ của các thế lực thù địch quốc tế, đã hoạt động nổi dậy ở
nhiều nơi. Do vận mệnh của hai nước liên đới lẫn nhau nên mối quan tâm hàng đầu
về an ninh chính trị của Lào cũng là mối quan tâm thường trực của Việt Nam.
Ngày 30 tháng 4 năm 1976, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra
Nghị quyết Về tăng cường giúp đỡ và hợp tác với cách mạng Lào trong giai đoạn
mới, xác định: việc tăng cường đoàn kết, giúp đỡ, hợp tác đối với Lào là một
trong những nhiệm vụ quốc tế hàng đầu của Đảng và nhân dân Việt Nam, cũng là vì
lợi ích thiết thân của cách mạng Việt Nam.
Đặc
biệt, từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 7 năm 1977, Đoàn đại biểu cao cấp Đảng và
Chính phủ Việt Nam do Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu
sang thăm hữu nghị chính thức Lào. Hai bên đã trao đổi ý kiến về các vấn đề
quốc tế quan trọng mà hai bên cùng quan tâm, cũng như các vấn đề nhằm phát
triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước,
trên cơ sở đáp ứng nguyện vọng thiết tha và lợi ích sống còn của hai dân tộc
trong sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày 18
tháng 7 năm 1977, hai nước chính thức ký kết các Hiệp ước: Hiệp ước hữu nghị và
hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân
Lào; Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; và ra Tuyên bố chung tăng cường
sự tin cậy và hợp tác lâu dài giữa hai nước.
Hiệp
ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân
chủ Nhân dân Lào là Hiệp ước toàn diện, mang tính chiến lược lâu dài, tạo cơ sở
chính trị và pháp lý quan trọng để củng cố và tăng cường lâu dài tình đoàn kết,
mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam. Hiệp ước có giá trị trong
25 năm và sẽ được mặc nhiên gia hạn thêm từng 10 năm nếu một trong hai bên
không thông báo cho bên kia muốn hủy bỏ Hiệp ước ít nhất là một năm trước khi
hết hạn. Hiệp ước nêu rõ: Hai bên cam kết ra sức bảo vệ và phát triển mối quan
hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam, không ngừng tăng cường tình đoàn
kết và tin cậy lẫn nhau, sự hợp tác lâu dài và giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt trên
tinh thần của chủ nghĩa quốc tế vô sản và theo nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng,
tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích
chính đáng của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Đây là mốc
lịch sử quan trọng đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ giữa hai nước. Việc ký
kết hiệp ước đó còn có ý nghĩa quốc tế quan trọng, nêu cao tinh thần quốc tế
trong sáng giữa hai nước đang cùng hướng tới mục tiêu chủ nghĩa xã hội và phát
huy ảnh hưởng tích cực trong khu vực.
Hiệp
ước hoạch định biên giới quốc gia là một biểu hiện tốt đẹp của việc giải quyết
vấn đề lợi ích dân tộc trên tinh thần kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước
chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng, là mẫu mực về chính sách
láng giềng hữu nghị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng
hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Từ khi hai nước tiến hành đổi mới
vào năm 1986,lãnh đạo cấp cao hai Đảng hai Nhà nước càng tăng cường cũng cố
quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam
- Lào, Lào - Việt Nam.
Ngày 3-7-1987,
Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ thị: “Trên cơ sở quán triệt
đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, các Nghị quyết 10 và
11 của Bộ Chính trị về tăng cường đoàn kết, hợp tác toàn diện với Lào và
Campuchia và nội dung thỏa thuận trong các cuộc hội đàm lần này[11], các bộ ban ngành và
các tỉnh trực tiếp làm nhiệm vụ hợp tác với bạn cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm,
kiên quyết xử lý và có biện pháp chấm dứt các hiện tượng tiêu cực, các quan
điểm, nhận thức và hành động sai trái gây phương hại cho quan hệ đặc biệt giữa
ta với Lào”[12]. Về phía Lào, Ban Bí
thư Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào cũng khẳng định: “Xuất phát từ
truyền thống lịch sử và tình hình, nhiệm vụ chiến lược của cách mạng ba nước,
sự tăng cường liên minh hợp tác toàn diện giữa ba Đảng, ba nước Lào – Việt Nam
– Campuchia mới trở thành nhiệm vụ chiến lược số một, là nguyên tắc cách mạng
bất di bất dịch của mỗi nước, là vấn đề sống còn của mỗi nước”[13]. Đặc biệt, Chỉ thị
của Ban Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào ghi rõ: “hai bên nhất trí phải tăng
cường giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ quan hệ đoàn kết sống
còn và lâu dài, quán triệt quan điểm, phương châm nguyên tắc của mối quan hệ
trong giai đoạn cách mạng mới, uốn nắn tư tưởng và tác phong làm việc mới,
tránh những bảo thủ, chủ quan, chống mọi hiện tượng lơ là mất cảnh giác, thiếu
trách nhiệm, chống tư tưởng dân tộc hẹp hòi”[14].
Theo tinh thần
đó, từ năm 1988, cuộc gặp hàng năm giữa hai Bộ Chính trị đã trở thành một cơ
chế hoạt động chính thức giữa hai Đảng và hai Nhà nước. Trong đó có sự kiện có
ý nghĩa quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác toàn diện
Việt Nam là chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào
của Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh dẫn đầu
từ ngày 2 đến ngày 4 -7-1989. Đây là chuyến thăm Lào chính thức đầu tiên của
lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam từ sau Đại hội IV Đảng Nhân dân
Cách mạng Lào. Hai bên thống nhất với nhau nhiều vấn đề quan trọng trong việc
đổi mới phương thức hợp tác giữa hai nước và giải quyết các vấn đề quốc tế và
khu vực. Thành tựu nổi bật nhất của quan hệ hợp tác chính trị Việt Nam –
Lào trong giai đoạn này là hai nước vẫn kiên định giữ vững định hướng chính trị
theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Tháng 10 năm
1991, đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và
Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Nhân dân Cách mạng Lào thăm chính thức Việt Nam. Hai
bên khẳng định quyết tâm trước sau như một tăng cường, củng cố và nâng cao quan
hệ đoàn kết đặc biệt Lào – Việt Nam, Việt Nam – Lào, đẩy mạnh hợp tác kinh tế,
định kỳ trao đổi cấp Thứ trưởng Ngoại giao giữa hai nước nhằm phối hợp chặt chẽ
các hoạt động ngoại giao trên các diễn đàn quốc tế.
Từ đó đến nay, trung bình mỗi
năm, hai Đảng cử trên 30 đoàn từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh sang trao đổi với
nhau những kinh nghiệm về giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, về công tác tư
tưởng, lý luận, công tác dân vận. Quan hệ giữa các bộ, ban, ngành, đoàn thể,
địa phương, nhất là các tỉnh biên giới kết nghĩa đều có những trao đổi hợp tác
và mối quan hệ đó ngày càng đi vào chiều sâu với nội dung thiết thực và có hiệu
quả. Đặc biệt, hai bên phối hợp nghiên cứu, biên soạn công trình Lịch sử quan
hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam từ 1930 – 2007 nhằm tổng kết quá
trình liên minh chiến đấu và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam,
đúc kết những bài học kinh nghiệm phục vụ cho việc tiếp tục xây dựng và phát
triển quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam lên một tầm cao mới.
Tháng
6 năm 2011, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã thăm hữu nghị
chính thức CHDCND Lào, tiếp tục khẳng định mong muốn và quyết tâm của Đảng, Nhà
nước và nhân dân Việt Nam trong việc gìn giữ, phát huy quan hệ đặc biệt Việt
Nam - Lào như một tài sản chung vô giá của hai dân tộc. Cũng trong năm 2011,
hai bên đã trao đổi nhiều đoàn lãnh đạo Quốc hội và đại biểu Quốc hội của hai
nước, phối hợp tổ chức thành công nhiều hoạt động giao lưu giữa các cơ quan của
hai Quốc hội như: Hội thảo giao lưu giữa Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam -
Lào tại Hội An (Việt Nam) vào tháng 6/2011; Hội thảo giữa ba Ủy ban Đối ngoại
Quốc hội Việt Nam - Lào - Campuchia tại Chămpaxắc (Lào) vào tháng 7/2011; Hội
thảo giao lưu giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam - Lào tại Savẳnnakhệt (Lào) vào
tháng 7/2011; Hội thảo giữa hai Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu
niên và Nhi đồng của hai Quốc hội tháng 2/2011 tại Lào, qua đó tăng cường hiểu
biết, tin cậy và quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai Quốc hội nói riêng, hai
Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào nói chung.
Tháng
8/2011,Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Chummaly xaynhasỏn dẫn đầu Ðoàn đại biểu
cấp cao Lào sang thăm Việt Nam tiếp tục góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ
truyền thống, hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện
giữa hai Ðảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam phát triển lên
tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước Lào - Việt Nam, vì hòa bình, ổn
định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Mối
quan hệ đặc biệt Việt Nam
-Lào, Lào -Việt Nam
quý báu và thiêng liêng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đúc kết trong 4 câu
thơ bất hủ:
"Thương nhau mấy
núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội,
mấy đèo cũng qua.
Việt - Lào, hai nước
chúng ta,
Tình sâu hơn nước
Hồng Hà, Cửu Long".
Chủ
tịch Kayxỏn Phômvihản cũng đã khẳng định:
"Trong lịch sử cách mạng thế giới, đã có nhiều tấm gương chói sáng
về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ, có được sự đoàn
kết liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài và toàn diện như quan hệ Lào - Việt
Nam"; "Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt
Nam mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông".
Hiện nay, các
thế lực thù địch đang thực hiện các âm mưu “diễn biến hòa bình” với nhiều thủ
đoạn nhằm phá hoại, chia rẽ tình đòan kết hữu nghị đặc biệt Việt- Lào và công
cuộc xây dựng CNXH ở mỗi nước. Hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam- Lào tiếp tục
khẳng định ý chí, quyết tâm tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác toàn diện nhằm
góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng ở mỗi nước, giữ gìn và phát
triển tình hữu nghị láng giềng gắn bó keo sơn này.
Để thực hiện
thắng lợi nhiệm vụ vẻ vang đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị
cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh Quảng Trị, Savănnakhệt,Xalavăn
sẽ làm hết sức mình, tiếp tục đổi mới phương thức, nội dung, cơ chế phù hợp trên tất cả các lĩnh vực hoạt động
thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác toàn diện lên tầm cao mới, trở thành mối quan
hệ quốc tế mẫu mực, thuỷ chung trong sáng này ngày càng phát triển bền vững,
trước mắt, thực hiện các nội dung chương trình hợp tác mà lãnh đạo cao cấp 3
tỉnh đã ký kết hàng năm, góp phần cùng với
hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân Việt Nam- Lào bảo vệ và nâng quan hệ đặc biệt lên tầm cao mới.
_______________
(1) Xem: Nguyễn Ái Quốc: “Bản án
chế độ thực dân Pháp” trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà
Nội, 1995, t. 2.
(2) Ban Chỉ đạo nghiên cứu
lý luận và thực tiễn Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào: Lịch sử Đảng Nhân
dân cách mạng Lào (Tóm lược), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 18.
Địa điểm mà Nguyễn Ái Quốc đặt chân đến Lào được xác định là bản Xiêng Vảng,
huyện Noỏng Bốc, tỉnh Khăm Muộn. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung
ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ
tịch Hồ Chí Minh (19 tháng 5 năm 1890 – 19 tháng 5 năm 2010), đồng chí Bun
Nhăng Vôlachít, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư, Phó Chủ tịch nước
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và đồng chí Hồ Đức Việt, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí
thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã dự
lễ động thổ xây dựng Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Xiêng Vảng,
huyện Noỏng Bốc, tỉnh Khăm Muộn.
(3). Báo Cờ Giải phóng -
Cơ quan của Đảng Cộng sản Đông Dương, số 27 ngày 21-10-1945.
(4) Ký ngày 16 tháng 10
năm 1945
(5) Ký ngày 30 tháng 10 năm 1945
(6) Chỉ thị kháng chiến kiến quốc, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8
1945-1947, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 26.
(7) Nguyễn Văn Vịnh, Những sự kiện lịch sử ở Lào (1353-1975), Nxb. Lao
động, Hà Nội, 2008,tr. 326
(8). Đảng cộng sản Việt Nam,
Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Sđd, tr.113.
Chuyên đề 4
NHỮNG THÀNH TỰU CÓ Ý NGHĨA QUAN TRỌNG TRONG LỊCH SỬ QUAN HỆ ĐẶC BIỆT
VIỆT NAM - LÀO, LÀO - VIỆT NAM
------
Quan hệ đặc
biệt Việt Nam - Lào đã ghi vào lịch sử dân tộc của hai nước những trang chói
ngời nhất về tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, thủy chung, lâu dài và toàn
diện, trở thành một trong những nhân tố bảo đảm phát triển của cách mạng mỗi
nước trên con đường phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Kể
từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành Đảng cộng sản Việt Nam vào tháng 2-1930 và
sau đó đổi tên thành Đảng cộng sản Đông Dương (tháng 10-1930), mối quan hệ
truyền thống, lâu đời của hai dân tộc được nâng lên thành quan hệ đặc biệt,
không ngừng được hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước vun đắp và đạt được
những thành tựu có ý nghĩa quan trọng.
1.
Hai dân tộc Việt Nam,
Lào sát cánh bên nhau cùng tiến hành khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, giành độc
lập dân tộc
Hai
tháng sau khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Đảng cộng sản Đông Dương đã
đưa ra những luận điểm và chủ trương quan trọng chuẩn bị cho công cuộc khởi
nghĩa giành độc lập, tự do cho các dân tộc Việt Nam, Lào, Miên. Do điều kiện cụ
thể khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai, chỉ có hai nước Việt Nam,
Lào tiến hành khởi nghĩa giành được độc lập.
Từ cuối năm
1939 đến tháng 8-1945, tuy cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào bị chính quyền
thực dân Pháp, Nhật đàn áp, khủng bố rất khốc liệt, nhiều cán bộ cao cấp của
Đảng và đảng viên bị cầm tù và hy sinh, nhưng dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Hồ
Chí Minh và Đảng cộng sản Đông Dương, công tác chuẩn bị về mọi mặt cho công
cuộc khởi nghĩa giành chính quyền vẫn được cán bộ, đảng viên, nhân dân hai nước
tham gia tích cực và xúc tiến mạnh mẽ.
Tại Việt Nam, căn cứ địa Việt Bắc, Mặt trận Việt Minh và
nhiều tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo được thành lập; nhiều đơn vị vũ trang
như Cứu quốc quân, Việt Nam
tuyên truyền giải phóng quân lần lượt ra đời. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp
(9-3-1945), Ban Thường vụ Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị “Nhật
- Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, nhiều tỉnh thành lập chiến khu,
khởi nghĩa từng phần ở nhiều địa phương miền Bắc và miền Trung nổ ra thắng lợi.
Ở Lào, đầu năm
1945, Xứ ủy Lào được lập lại lần thứ tư và xác định các đô thị và địa phương
lớn như Viêng Chăn, Thà Khẹc, Savẳnnakhệt là địa bàn hoạt động chính. Sau ngày
Nhật đảo chính Pháp, phong trào cứu nước càng phát triển mạnh mẽ. Tổ chức Lào
Itxalạ (Lào tự do) bao gồm công chức, học sinh có tinh thần yêu nước, chịu ảnh
hưởng đường lối cứu nước Đảng cộng sản Đông Dương ra đời, nhiều căn cứ địa cách
mạng xuất hiện. Tháng 6-1945, đơn vị Việt Nam Độc lập quân được thành lập ở
chiến khu trên đất Thái Lan.
Trung tuần
tháng 8-1945, thời cơ giành độc lập cho Đông Dương xuất hiện, lãnh tụ Hồ Chí
Minh và Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương quyết định Tổng khởi
nghĩa và tiến hành Hội nghị toàn Đảng tại Tân Trào (Tuyên Quang vào ngày 14 và
15-8-1945). Nghị quyết hội nghị nêu rõ: “Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông
Dương như đã chín muồi, cơ hội cho ta giành quyền độc lập đã tới”1. Vào
thời điểm này, Bác Hồ gặp các đồng chí đại biểu Xứ ủy Lào, Người dặn: thời cơ
rất thuận lợi cho nhân dân Đông Dương, ở đâu có điều kiện, phải giành được
chính quyền khi Đồng minh vào. Pháp và Đồng minh Anh, Mỹ gắn bó với nhau. Pháp
sẽ núp sau lưng Đồng minh để trở lại xâm lược Việt Nam, Lào, Miên, chúng ta phải đoàn
kết để đánh kẻ thù chung.
Nhân dân hai
nước Việt, Lào chớp thời cơ, tiến hành khởi nghĩa thành công tháng 8-1945.
Đó là kỳ tích
đầu tiên của hai nước Việt Nam - Lào, của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào
- Việt Nam, đặt nền tảng vững chắc cho mối quan hệ phát triển rực rỡ trong giai
đoạn sau.
2. Việt Nam,
Lào đoàn kết, liên minh chiến đấu chống đế quốc xâm lược, hoàn thành sự nghiệp
giải phóng dân tộc
Trong cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai:
Hai dân tộc
Việt Nam,
Lào vừa giành được quyền độc lập, đã phải đối phó ngay với thực dân Pháp quay
trở lại xâm lược.
Sau cách mạng tháng Tám, Việt Nam
đứng trước những thử thách hết sức nghiêm trọng. Song Chủ tịch tịch Hồ Chí Minh
và Đảng cộng sản Đông Dương đã phát huy
sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, thực thi chính sách đối nội, đối ngoại đúng
đắn, đưa cách mạng vượt qua thác ghềnh, bảo vệ thành quả cách mạng tháng Tám,
bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với cách
mạng Lào.
Một là, ngay
từ khi mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến trường Việt Nam, Lào
đã bị các thế lực đế quốc vây hãm trên trên biển Đông và lục địa, Trung ương
Đảng cộng sản Đông Dương xác định nhiệm vụ “phải liên minh với các dân tộc bị
áp bức và vô sản thế giới, đặc biệt với các nước lân cận để củng cố công cuộc
cách mạng của mình”. Trên tinh thần đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam chỉ đạo các cơ quan ngoại giao mở một con
đường ngoại giao ở hướng tây nam từ Việt Nam qua Lào tới Thái Lan từ giữa
năm 1946 đến năm 1951. Đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của quốc gia Miến Điện
(sau khi Miến Điện tuyên bố độc lập từ năm 1948). Chiến khu cách mạng của Lào
được mở tại Thái Lan, cán bộ và Việt kiều yêu nước trú chân tại Miến Điện để
chuẩn bị lực lượng, gây dựng khu kháng chiến tại Lào.
Các hoạt động ngoại giao trong
những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp đã hỗ trợ nhiều mặt cho cuộc
kháng chiến của hai dân tộc Việt Nam, Lào và ươm mầm cho sự phát triển của
phong trào ủng hộ cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam, Lào ở những chặng
đường tiếp theo.
Hai là, xây dựng
đội ngũ cán bộ chủ chốt đầu tiên của quan hệ Việt Nam - Lào.
Ngay từ khi
Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ra đời và Đảng cộng sản Đông Dương được thành
lập, công tác xây dựng các tổ chức quần chúng cách mạng và chi bộ Đảng tại Lào
đã được tiến hành với sự tham gia của người Lào và người Việt, góp phần làm nên
cách mạng tháng Tám. Khi hai nước phải đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp
trở lại xâm lược, việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt đầu tiên cho
nhiệm vụ tăng cường quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trở nên cấp bách.
Phía Việt Nam,
Đảng, Nhà nước và quân đội vừa sử dụng những cán bộ, đảng viên cộng sản từng
hoạt động tại Lào, Thái Lan, vừa tiếp tục điều động nhiều cán bộ chính trị,
quân sự bổ sung cho đội ngũ này. Đồng thời, trong phong trào cách mạng của dân
tộc Lào cũng xuất hiện nhiều cán bộ lãnh đạo xuất sắc, chủ chốt đầu tiên mà
tiêu biểu là đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Hoàng thân Xuphanuvông và một đội ngũ
cán bộ tiếp nối giàu tài năng, đạo đức cách mạng.
Ba là, gây
dựng cơ sở chính trị, phát triển chiến tranh du kích và thắt chặt quan hệ đoàn
kết Lào - Việt Nam, Việt Nam -
Lào.
Đây là một
nhiệm vụ cơ bản, rất quan trọng của cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng dân
tộc Lào và cũng là một nhiệm vụ trọng yếu của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào
mà phía Việt Nam tự nguyện góp phần thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả đó.
Dưới sự lãnh
đạo của Đảng cộng sản Đông Dương, Việt Nam tận tình giúp Lào đào tạo cán bộ,
truyền bá kinh nghiệm vận động quần chúng, giúp đỡ bạn xây dựng cơ sở chính trị,
lực lượng vũ trang tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các khu
kháng chiến, từng bước đưa phong trào cách mạng Lào phát triển.
Bốn là, xây
dựng tại mỗi nước Việt Nam, Lào, Miên một đảng Mácxít -Lêninnít và thành lập
Mặt trận liên minh Việt - Miên - Lào để nâng cao sức mạnh quan hệ Việt Nam -
Lào, Lào - Việt Nam trong quan hệ đoàn kết Việt - Miên - Lào.
Đến năm 1951,
Đảng cộng sản Đông Dương đã trải qua 21 năm xây dựng và phát triển, lãnh đạo
nhân dân Đông Dương đấu tranh chống chế độ thuộc địa của đế quốc Pháp, phát xít
Nhật, tiến hành khởi nghĩa giành độc lập cho hai dân tộc Việt Nam, Lào và tổ
chức cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đánh chiếm Đông Dương lần thứ hai,
làm thất bại nhiều kế hoạch xâm lược của chúng. Đến thời điểm này, Chủ tịch Hồ
Chí Minh và Ban chấp hành Trung ương Đảng thấy rằng việc xây dựng ở mỗi nước
Việt Nam, Lào và Cămpuchia một đảng Mácxít - Lêninnít trên cơ sở kế thừa bản
chất và năng lực lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương đã có đủ điều kiện thực
hiện.
Tại Đại hội II của Đảng cộng sản
Đông Dương tháng 2-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị thành lập tại mỗi nước
Đông Dương một Đảng cộng sản. Ý kiến này đã được đại biểu Đảng bộ Lào và đại
biểu Đảng bộ Cămpuchia hết sức tán thành.
Theo tinh thần
đó, sau quá trình chuẩn bị với sự giúp đỡ của Việt Nam, tháng 4-1955, diễn ra
Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào. Đây là Đảng Mácxít -Lêninnít kế tục sự
nghiệp cách mạng của Đảng cộng sản Đông Dương, phấn đấu vì nền độc lập và phồn
vinh của nước Lào, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân Lào, là thành quả chính trị
của quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào, một nhân tố quan trọng
hàng đầu thúc đẩy sự phát triển của mối quan hệ đó. Từ đây, trên bán đảo Đông
Dương, mỗi dân tộc có một Đảng Mácxít - Lêninnít đảm đương vai trò lãnh đạo sự
nghiệp cách mạng của dân tộc mình và thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với phong
trào cách mạng giải phóng dân tộc và phong trào cộng sản, công nhân quốc tế.
Sau Đại hội II
Đảng cộng sản Đông Dương, hội nghị thành lập Mặt trận liên minh Việt - Miên -
Lào cũng diễn ra tại Việt Bắc vào tháng 3-1951, càng củng cố thêm mối quan hệ
Việt Nam - Lào, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng của ba nước.
Năm là, Việt Nam,
Lào đồng tâm, hiệp lực giúp nhau trong chiến đấu, lập nhiều chiến công.
Lãnh đạo nhân
dân ba nước Đông Dương chống Pháp, Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương đã quyết
định: “Về quân sự, Việt Nam,
Cao Miên, Ai Lao là một chiến trường, phải đánh theo một chiến lược chung”. Chủ
trương đó tạo cơ sở cho khối đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa ba dân tộc càng
thêm củng cố và tăng cường trên cùng một trận tuyến chống kẻ thù chung, thực
hiện những mục tiêu chiến lược và kế hoạch tác chiến trên các chiến trường Đông
Dương. Theo đó, liên minh chiến đấu Việt - Lào xuất hiện giữa các đơn vị vũ
trang hai nước; các mặt trận phối hợp giữa các địa phương Việt Nam, Lào như
Liên khu 10 với Thượng Lào, Liên khu 4 với Trung Lào, Liên khu 5 với Hạ Lào,
tiến tới quy mô phối hợp lớn hơn về mặt chiến lược, về tổ chức chiến trường, bố
trí lực lượng tác chiến và sử dụng các phương pháp đấu tranh quân sự, chính
trị, binh vận buộc địch phải bị động đối phó. Còn ta thì giành quyền chủ động
chiến lược.
Cuối tháng 4
đến giữa tháng 5-1953, liên quân chiến đấu Việt Nam - Lào mở chiến dịch Thượng
Lào giành thắng lợi lớn: giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng
Khoảng và Phôngxalỳ, mở rộng căn cứ địa cách mạng Lào. Đối với Việt Nam, chiến
dịch Thượng Lào đã góp phần phân tán lực lượng địch, phá tan âm mưu củng cố
vùng Tây Bắc và bình định vùng đồng bằng Bắc Bộ của Pháp.
Tiếp đó, từ
tháng 12-1953 đến tháng 5-1954, liên quân chiến đấu Việt Nam - Lào mở chiến dịch Trung - Hạ
Lào. Thắng lợi của chiến dịch buộc Nava phải tiếp tục phân tán khối cơ động
chiến lược của chúng, góp phần làm giảm khối chủ lực của địch trên chiến trường
chính Bắc Bộ, nhất là đối với hướng chính Điện Biên Phủ.
Khi quân và
dân ta tiến hành trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, quân và dân Lào đã
anh dũng chiến đấu, chặt đứt con đường chi viện chiến lược của địch cho Điện
Biên Phủ, góp phần cô lập địch ở đây, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân
Việt Nam giành thế chủ động tiến công địch, giành thắng lợi hoàn toàn.
Trong các
chiến dịch này, có sự tham gia chỉ đạo của Bộ Tổng tư lệnh quân đội hai nước và
nhiều tướng lĩnh cấp cao, tập hợp nhiều đơn vị quân đội Việt Nam, Lào cùng tham
gia chiến đấu; được hậu phương hai nước cung cấp khối lượng lớn lương thực,
thực phẩm. Đó là thắng lợi của tinh thần đoàn kết, ý chí quyết chiến, quyết
thắng của quân và dân hai nước, đánh bại hoàn toàn thực dân Pháp, buộc Pháp
phải ký Hiệp định Giơnevơ công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn
lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Cămpuchia.
Trong cuộc
kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược:
21 năm chống
Mỹ cứu nước là một chặng đường kế tục, phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam -
Lào, Lào - Việt Nam đã trở thành giá trị thiêng liêng của hai dân tộc. Hoạt
động phối hợp đấu tranh của các cơ quan lãnh đạo cùng quân và dân Việt Nam, Lào
đều xuất phát từ tình cảm sâu đậm, trách nhiệm cao cả của hai phía Việt Nam,
Lào dành cho nhau, tạo nên những nguồn lực mới, những nấc thang phát triển mới
của nội lực từng dân tộc, của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam
trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung và mở đường đi tới toàn thắng. Thành
quả của mối quan hệ đặc biệt này được thể hiện:
Một là, sự
phối hợp giữa lãnh đạo, quân và dân hai nước Việt Nam, Lào phá vỡ mưu đồ tiêu
diệt lực lượng vũ trang nòng cốt Pathết Lào và hãm hại bộ phận đầu não cơ quan
lãnh đạo cách mạng Lào do đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai tiến hành.
Việt Nam đã
phối hợp với Lào giải thoát cho Hoàng thân Xuvanuvông và nhiều nhà lãnh đạo cao
cấp chủ chốt của cách mạng Lào khỏi trại giam của Mỹ và chính quyền tay sai,
đồng thời lực lượng vũ trang cách mạng Lào cũng thoát khỏi vòng vây địch trở về
căn cứ an toàn đã tạo điều kiện thuận lợi để Lào xây dựng thực lực, lãnh đạo
kháng chiến thắng lợi.
Hai là, sự hợp
lực giữa lãnh đạo Đảng Nhân dân Lào và Đảng Lao động Việt Nam trong quá trình
xác định phương pháp đấu tranh vũ trang là chủ yếu kết hợp đấu tranh chính trị
chống chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở Lào.
Ba là, tuyến
đường chiến lược Trường Sơn, một công trình vĩ đại của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam
Tuyến đường
Trường Sơn xuyên qua triền phía đông và phía tây dãy Trường Sơn. Công trình này
được tiến hành từ cuối năm 1959, đến đầu năm 1964 thì chuyển hẳn sang phía tây
Trường Sơn. Nơi đây cũng là khu căn cứ hậu cần của chiến trường Nam Việt Nam, Lào và
Campuchia. Quá trình khai thông và phát triển con đường chiến lược chi viện cho
cách mạng miền Nam, Lào và Campuchia là quá trình đấu tranh gian khổ, quyết
liệt của cán bộ, chiến sĩ hai nước Việt Nam, Lào đứng chân hoạt động trên chiến
trường này, có sự đóng góp to lớn của nhân dân Việt Nam và Lào tại các địa
phương mà tuyến vận tải đi qua. Trong mọi hoàn cảnh, quân đội nhân dân Việt Nam
và Lào đã sát cánh bên nhau chiến đấu kiên cường chống trả sự đánh phá vô cùng
ác liệt của đế quốc Mỹ và ngụy quyền tay sai để bảo vệ tuyến đường, kho tàng,
vũ khí, lương thực, thực phẩm và nhiều loại hàng hóa khác, trong đó có nhiều
chiến dịch lớn như chiến dịch Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng; đặc biệt là thắng
lợi của chiến dịch đường 9 - Nam Lào đánh bại cuộc hành quân lớn nhất của Mỹ -
ngụy với âm mưu cắt đứt hoàn toàn tuyến vận tải chiến lược quan trọng bậc nhất
của ta từ miền Bắc vào miền Nam, Lào và Cam puchia.
Nhân dân Lào
đã phải chịu đựng biết bao hy sinh, mất mát do kẻ thù xâm lược gây ra. Nhưng từ
trong gian khổ, ác liệt, đã ngời sáng lên tình cảm thân thương, quý mến của
nhân dân Lào dành cho cán bộ, chiến sĩ Việt Nam, tô thắm thêm truyền thống đoàn
kết, thủy chung son sắt của hai dân tộc.
Tuyến đường
chiến lược Trường Sơn được xây dựng, bảo vệ và khai thác, sử dụng kéo dài trong
16 năm chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược là sản phẩm của sự đồng thuận sâu
sắc, sự hy sinh lớn lao vì nghĩa tình quốc tế cao cả của hai dân tộc Lào, Việt
Nam; là minh chứng hùng hồn của văn minh, nhân nghĩa thắng xâm lược, bạo tàn.
Suốt 21 năm
chống Mỹ, Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Lào luôn hết lòng giúp đỡ, ủng
hộ nhân dân Việt Nam.
Đáp lại, Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Việt Nam cũng dốc hết sức vì sự nghiệp
cách mạng Lào. Trên tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, quân tình nguyện và
chuyên gia quân sự Việt Nam đã có mặt ở hầu hết mọi nơi trên chiến trường Lào,
chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh, cùng nhân dân và quân đội Lào đấu tranh, đánh
địch đến thắng lợi hoàn toàn.
3. Quan hệ
Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam tiếp tục phát triển trong sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc của hai dân tộc Việt Nam, Lào (từ 1976 đến nay)
Trên lĩnh vực
chính trị, ngoại giao:
Sau khi hai
dân tộc kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, vào ngày
18-7-1977, Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
và Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào đã được ký kết, là sự kiện mở đầu cho quan hệ
đặc biệt Việt Nam - Lào trong giai đoạn cách mạng mới. Đây là văn kiện mang
tính chính trị, pháp lý cơ bản, bền vững lâu dài trên nguyên tắc hoàn toàn bình
đẳng. Điển hình của tinh thần hợp tác, hữu nghị của hai Đảng, hai Nhà nước, hai
dân tộc là cùng thống nhất quan điểm trong việc giải quyết vấn đề Campuchia,
cùng đấu tranh bảo vệ sự trong sáng của Việt Nam trên diễn đàn quốc tế và khu
vực.
Hai Nhà nước
sớm thoả thuận và ký kết Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Lào
và hoàn thành hoạch định, cắm mốc trên toàn tuyến biên giới cùng với hoạt động
của các tỉnh hai bên đường biên giới trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng, kinh
tế, giao lưu văn hóa đã xây dựng nên một biên giới hoà bình, hợp tác và phát
triển Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Hai Đảng, hai
Nhà nước thường xuyên trao đổi ý kiến về vấn đề lý luận và chỉ đạo thực tiễn sự
nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và Lào, khơi dậy nội lực và mở rộng
quan hệ quốc tế, đem lại sự đổi mới toàn diện cho mỗi nước.
Về quốc phòng
an ninh:
Từ năm 1976
đến nay, Việt Nam và Lào bị nhiều thế lực thù địch từ bên ngoài tấn công, xâm
phạm chủ quyền lãnh thổ, vừa sử dụng những phần tử phản động lưu vong quay trở
lại phá hoại an ninh quốc gia. Một lần nữa, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc đặt ra cho
ngành quốc phòng an ninh và nhân dân hai nước Việt Nam và Lào nhiều nhiệm vụ
mới, đòi hỏi phải nâng cao bản lĩnh và năng lực trong thế trận đấu tranh mới.
Theo tinh thần
các văn bản đã ký kết giữa hai Chính phủ, lực lượng vũ trang và lực lượng an
ninh Lào, Việt Nam phối hợp chặt chẽ thực hiện các nhiệm vụ được giao trên mặt
trận chống ngoại xâm, chống phỉ, dẹp bạo loạn, trừ diệt bọn phản động vượt qua
lãnh thổ Lào xâm nhập lãnh thổ Việt Nam, tiêu biểu là chiến dịch truy quét, phá
tan trung tâm phỉ tại Phu Bia (1977-1978), tiêu diệt nhóm phản động Võ Đại Tôn
và Hoàng Cơ Minh (1987) khi chúng đang xuyên qua đất Lào để vào Việt Nam.
Cùng với những
hoạt động trên, hai bên còn phối hợp chặt chẽ trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ;
giúp đỡ nhau về hậu cần kỹ thuật; đặc biệt là việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ
quân tình nguyện Việt Nam
hy sinh trên đất Lào.
Trong thời kỳ
mới, hai Đảng, hai Nhà nước luôn xác định hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng, an
ninh là một trong những điểm mấu chốt của mối quan hệ đặc bịêt Việt Nam - Lào,
Lào - Việt Nam.
Hợp tác phát
triển kinh tế, văn hóa, đào tạo cán bộ:
Lãnh đạo hai
nước Việt Nam
và Lào đều nhất trí coi trọng sự hợp tác kinh tế, văn hóa và đào tạo cán bộ.
Trên lĩnh vực
kinh tế, hai bên chấp hành nguyên tắc hợp tác là bình đẳng, tôn trọng chủ quyền
quốc gia, cùng có lợi và hết lòng giúp đỡ nhau; đồng thời, căn cứ vào tình hình
cụ thể của mỗi nước mà dành ưu tiên, ưu đãi cho nhau.
Phương thức
hợp tác ngày càng được mở rộng và nâng cao về quy mô, chất lượng và hiệu quả.
Trên thực tế, sự hợp tác giữa hai nước diễn ra từ Trung ương đến tỉnh, thành
phố và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...trên lĩnh vực kinh tế,
tài chính, ngân hàng, công thương, nông nghiệp...
Nội dung hợp tác
kinh tế được chuyển dần theo cấp độ từ thấp lên cao: ban đầu là viện trợ, cho
vay tiến đến hợp tác sản xuất, liên doanh phù hợp công thức: tài nguyên Lào,
lao động kỹ thuật Việt Nam,
vốn hợp tác hoặc vay của nước thứ ba. Tiếp đó, từ năm 1996 trở đi, một công
thức hợp tác mới được áp dụng, đó là hợp tác hai bên cùng có lợi theo thông lệ
quốc tế, ưu tiên, ưu đãi cho nhau.
Điểm đặc sắc
nổi bật trong quan hệ hợp tác kinh tế Lào - Việt Nam là tinh thần giúp đỡ nhau mỗi
khi nước bạn gặp khó khăn mà không thể tự giải quyết được. Hành động Việt Nam
giúp Lào chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô năm 1999 là một mẫu hình tiêu
biểu.
Sự hợp tác
Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trên lĩnh
vực giáo dục, đào tạo cán bộ được đặt ở tầm chiến lược, tác động trực tiếp tới
sự phát triển của quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc, được mở đầu từ thập niên
1950. Từ đó đến suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng vạn học sinh Lào
được học tập tại Việt Nam
từ cấp I đến cấp III. Việt Nam
còn gửi chuyên gia sang Lào giúp bạn xây dựng một nền giáo dục mới theo yêu cầu
của bạn.
Từ sau năm
1975, Việt Nam
giúp bạn đào tạo cán bộ đạt trình độ đại học và trên đại học. Theo đó, hàng năm
có hơn 1.000 cán bộ, sinh viên Lào được bồi dưỡng, học tập tại nhiều học viện,
trường đại học Việt Nam.
Về phía Việt Nam,
hàng năm có từ 15-20 lưu học sinh sang học tại đại học Quốc gia Lào.
Hợp tác giữa các địa phương và ngoại giao nhân
dân
Đi đôi với mối
quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai Đảng, hai Nhà nước, các bộ, ngành
Trung ương, còn có mối quan hệ kết nghĩa giữa toàn bộ các tỉnh có chung đường
biên giới cũng như các tỉnh không có chung biên giới giữa hai nước với nhau.
Các địa phương đã phối hợp chặt chẽ về trao đổi đoàn tham quan, cùng giúp đỡ,
chia sẻ kinh nghiệm cũng như cùng tháo gỡ những khó khăn giữa hai nước. Các Hội
hữu nghị Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam tại Lào đã
có nhiều đóng góp đáng kể trong vai trò làm cầu nối quan trọng trong việc giữ
gìn và phát triển quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam.
Quảng Trị có
đường giới chung với Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào 206km, giáp với hai tỉnh bạn
là Savẳnnakhệt và Xalavăn. Từ chỗ tương đồng về tiếng nói, phong tục, tập quán
và xuất phát từ nhu cầu bảo vệ nền độc lập đất nước, phát triển kinh tế, văn
hóa, từ xa xưa, nhân dân các dân tộc Việt - Lào ở hai bên triền Đông - Tây dãy
Trường Sơn đã có mối quan hệ giao hảo thân thiết, giúp đỡ lẫn nhau khi khó
khăn, đồng lòng đồng sức đánh đuổi ngoại xâm, bảo vệ vững chắc biên cương của
hai nước. Tiêu biểu nhất trong lịch sử đấu tranh giữ nước của ba tỉnh trước năm
1930 là cuộc chiến đấu thắng lợi đánh quân xâm lược Xiêm trong hai năm 1883,
1884, làm thất bại hoàn toàn mưu đồ xâm lấn vùng đất Lào và Việt Nam của Nhà
nước Xiêm từ đó về sau.
Từ khi có Đảng
cộng sản Việt Nam (sau đổi thành Đảng cộng sản Đông Dương) ra đời và lãnh đạo
cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Tỉnh ủy Quảng Trị được thành lập và nhận
nhiệm vụ xây dựng tổ chức Đảng tại Savẳnnakhệt. Đây là tiền đề quan trọng góp
phần xây dựng và phát triển Đảng bộ Đảng cộng sản Đông Dương Lào. Trong thời kỳ
tiền khởi nghĩa, Quảng Trị đã giúp bạn huấn luyện lực lượng vũ trang, chuẩn bị
giành chính quyền.
Quan hệ quốc
tế giữa Quảng Trị và hai tỉnh bạn Lào phát triển mạnh mẽ và ngày càng đạt được
những thành tựu to lớn hơn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế
quốc Mỹ xâm lược. Pháp và Mỹ đều coi đường 9 xuyên Á là một huyết mạch giao
thông quan trọng, nuôi tham vọng khống chế con đường này để giành thắng lợi
trong quá trình xâm lược, áp bức, bóc lột 3 nước Đông Dương. Vì lẽ đó, liên
minh chiến đấu Việt - Lào giữa Quảng Trị và Savẳnnakhệt, Xalavăn đã được thành
lập từ năm 1945, đã không ngừng phát triển và ngày càng phối hợp chặt chẽ, nhịp
nhàng trong các chiến đấu, các chiến dịch đánh địch giành thắng lợi lớn.
Lịch sử chiến
tranh cách mạng của Quảng Trị và hai tỉnh bạn Lào ghi dấu ấn sâu đậm về tình
đoàn kết hữu nghị, sự giúp đỡ lẫn nhau tận tình của Tỉnh ủy và nhân dân ba
tỉnh, đó là khi Quảng Trị gặp khó khăn thì đất bạn là nơi đứng chân và ngược
lại Quảng Trị là nơi bạn bảo toàn, xây dựng và phát triển lực lượng khi bị kẻ
thù truy đuổi, để từ đó, có những quyết sách đúng đắn lãnh đạo nhân dân giành
thắng lợi từng bước trong cuộc chiến đấu sống còn với kẻ thù.
Tình đoàn kết,
sự phối hợp chiến đấu giữa Quảng Trị và Savẳnnakhệt, Xalavăn trong chống Mỹ cứu
nước được thể hiện trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, nhưng sự kiện lớn nhất đã đi
vào lịch sử dân tộc đó là sự cưu mang, đùm bọc, giúp nhau chỗ đứng chân, xây
dựng hậu cứ, đảm bảo huyết mạch giao thông trên tuyến đường 559 - con đường vận
tải chiến lược Bắc - Nam. Sự kiện đó đã đi vào lịch sử dân tộc như một thiên
anh hùng ca tuyệt đẹp, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng vang dội, kết
thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất
nước.
Khi hai nước
bước vào giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ năm 1975 đến nay, quan hệ đặc
biệt hữu nghị càng được phát huy mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực
chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, góp phần to lớn vào
việc xây dựng và bảo vệ an ninh chính trị, tăng cường quốc phòng, tạo môi
trường ổn định để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của ba tỉnh.
Chuyên đề thứ 6
MỘT SỐ BIỂU HIỆN SINH ĐỘNG
CỦA MỐI QUAN HỆ ĐOÀN KẾT, GẮN BÓ, THỦY CHUNG
SON SẮT CỦA HAI DÂN TỘC VIỆT NAM - LÀO
DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA HAI ĐẢNG, HAI NHÀ NƯỚC
TRONG NHỮNG NĂM QUA
------
Từ
khi Đảng Nhân dân cách mạng Lào được thành lập năm 1955, dưới sự lãnh đạo của
hai Đảng, hai Nhà nước, mối quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam càng được
phát huy mạnh mẽ và biểu hiện hết sức sinh động trên tất cả các lĩnh vực, không
ngừng nâng cao theo sự phát triển của phong trào cách mạng của hai nước. Trong
những lúc cam go, gian khổ nhất, cán bộ, đảng viên, quân và dân hai dân tộc vẫn
sát cánh bên nhau với nghĩa tình “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, sẵn sàng
hy sinh vì sự nghiệp cách mạng chung và vì nền độc lập tự do của mỗi nước.
Trong giai đoạn hoà bình với nhiều điều kiện thuận lợi, hai dân tộc cũng không
ngừng vun đắp mối quan hệ đoàn kết, thủy chung, son sắt để cùng nhau tiến lên
xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Bài viết này
xin nêu một số biểu hiện sinh động của mối quan hệ hiếm có này.
1. Dưới sự
lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước, quân dân các dân tộc Việt Nam - Lào đoàn
kết bên nhau, chung sức, chung lòng đánh thắng giặc Mỹ xâm lược
Sau Hiệp định
Giơnevơ, theo yêu cầu của Chính phủ Kháng chiến Lào, Đảng và Nhà nước Việt Nam
quyết định để lại một bộ phận chuyên gia tiếp tục giúp đỡ cách mạng Lào. Tổng
số chuyên gia gồm 964 đồng chí. Đây là lực lượng rất quan trọng đối với cách
mạng Lào sau ngày đình chiến.
Thực hiện đề
án đấu tranh ở hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ (là căn cứ tập kết của lực lượng
cách mạng Lào), được sự chỉ đạo phối hợp của Ban cán sự miền Tây, chuyên gia
quân sự Việt Nam đã giúp đỡ bạn xây dựng hai tỉnh thành các khu chiến đấu liên
hoàn, đáp ứng tình hình thực tế của từng địa bàn, khả năng tổ chức, quản lý của
cán bộ Lào, đồng thời đề phòng chiến sự lan rộng. Trong trường hợp bị chia cắt,
từng khu có thể đảm bảo độc lập tác chiến; đồng thời giúp bạn triển khai các
mặt công tác chuẩn bị chiến trường, củng cố cơ sở ở các địa phương tạo địa bàn
vững chắc, ngăn chặn địch tấn công. Nhờ đó, lực lượng Pathết Lào không chỉ đẩy
lùi các đợt tấn công lấn chiếm của quân đội Vương quốc Lào, mà còn mở trận đánh
lớn thu thắng lợi, diệt được nhiều địch và mở rộng vùng giải phóng, làm nức
lòng nhân dân hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ.
Sau khi thành
lập Chính phủ liên hiệp Lào lần thứ nhất, Việt Nam đã nhận đào tạo 330 cán bộ của
Pa Thết Lào, nhằm chuẩn bị lực lượng cho phong trào cách mạng cả nước. Bức thư
của Ban chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào gửi Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động
Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã khẳng định: “Trong kháng chiến cũng như
trong đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất đất nước, cách mạng Lào luôn
được sự giúp đỡ tận tình của cách mạng Việt Nam, Đảng Lao động Việt Nam. Sỡ dĩ
cách mạng Lào giành được thắng lợi to lớn đó...cũng do sự đóng góp quan trọng
của đồng chí và Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã hết lòng giúp đỡ chúng tôi
trong mỗi giai đoạn của cách mạng”.
Mặc dù Chính
phủ liên hiệp với mục tiêu đem lại hòa bình cho nước Lào đã được thành lập
nhưng đế quốc Mỹ và tay sai vẫn ra sức thi hành chính sách khủng bố đối với cán
bộ cách mạng và những người có tư tưởng hòa bình, tiến bộ. Nhiều cán bộ và
thường dân Lào ở các tỉnh biên giới chạy sang Việt Nam lánh nạn. Để tạo điều kiện giúp
cách mạng Lào, ngày 13-12-1958, Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam
đã ra Chỉ thị 120-CT/TW, nêu rõ: Hết lòng giúp đỡ cho số cán bộ và thường dân
Lào vì tránh khủng bố mà chạy sang biên giới ta về mọi mặt tinh thần, vật chất
theo khả năng của ta. Nhận thức rõ nhiệm vụ quan trọng này, tại Quảng Trị, khi
Tỉnh ủy Savẳnnakhệt phải sang đóng ở A Vao (Hướng Hoá), bạn được Tỉnh ủy Quảng
Trị, nhân dân các dân tộc Hướng Hoá bảo vệ, cung cấp lương thực, thực phẩm suốt
trong thời gian lực lượng Pathet Lào bị bọn phản động Phu Mi và Cà Tày (thân
Mỹ) trở mặt phá bỏ Hiệp định Giơnevơ, truy lùng, khủng bố. Quảng Trị đã trở thành
căn cứ địa, hậu phương vững chắc của tỉnh bạn. Ở Thái Nguyên, trong lúc tình
hình kinh tế còn rất nhiều khó khăn, nhưng cán bộ, học sinh Lào ở đây vẫn được
cung cấp đủ tiêu chuẩn phụ cấp. Những việc làm tình nghĩa này càng làm cho quan
hệ vừa là đồng chí vừa là anh em giữa hai Đảng, hai dân tộc thêm keo sơn, gắn
bó.
Về quân sự,
Việt Nam không chỉ sát cánh bên bạn trong thời kỳ đầu củng cố, phát triển lực
lượng, xây dựng hậu cứ, cung cấp vũ khí, quân trang mà còn phối hợp với bộ đội
PaThết Lào đánh địch giành thắng lợi oanh liệt. Từ ngày 18- 8 đến 15-9-1959,
một số đơn vị quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với các đơn vị PaThết Lào mở
đợt hai hoạt động trong mùa mưa. Trong đợt hoạt động này, quán triệt tinh thần
chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, một số đơn vị quân
tình nguyện Việt Nam (chủ yếu là lực lượng quân khu 4 tác chiến ở các tỉnh
Xiêng Khoảng, Liên huyện 90 và Khăm Muộn) đã vận dụng nhiều hình thức tác chiến
linh hoạt như phục kích, tập kích, bao vây, bắn tỉa, địch vận, phá hoại cầu
đường, đốt kho tàng địch, đánh cứ điểm bằng đặc công kết hợp hoả lực...Đi đôi
với tác chiến, các đơn vị tình nguyện Việt Nam đã tích cực giúp Lào củng cố cơ
sở, phát động nhân dân ủng hộ kháng chiến, tham gia các lực lượng dân quân tự
vệ chiến đấu bảo vệ vùng mới giải phóng. Các đơn vị tình nguyện phối hợp chặt
chẽ với lực lượng PaThết Lào và nhân dân địa phương đánh 40 trận, giải phóng
thêm 13 điểm. Sau đợt hoạt động này, các tiểu đoàn 1, 2, 4 PaThết Lào được lệnh
rút ra hoạt động ở biên giới Việt - Lào, sau đó sang tập trung ở huyện Yên Lập
(Phú Thọ) để chấn chỉnh lực lượng. Theo yêu cầu của Trung ương Neo Lào Hắc Xạt,
Bộ Quốc phòng Việt Nam giúp xây dựng tiểu đoàn 1 và 2 PaThết Lào thành hai tiểu
đoàn chủ lực mạnh, quân số mỗi tiểu đoàn từ 650 đến 700 chiến sĩ; đồng thời bổ
sung vũ khí, trang bị và cử các tổ chuyên gia giúp hai tiểu đoàn về quân sự,
chính trị và chuyên môn kỹ thuật.
Khi cuộc kháng
chiến của hai dân tộc ngày càng phát triển, các trận đánh phối hợp giữa quân
tình nguyện Việt Nam với bộ đội PaThết Lào ngày càng có quy mô lớn hơn, nhịp
nhàng và chặt chẽ hơn. Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III
(1960), Việt Nam
đã chi viện pháo binh cho PaThết Lào, đồng thời tăng cường hoạt động uy hiếp
Thà Khẹc, giúp bạn bảo vệ thủ đô Viêng Chăn trước sự tấn công của địch. Cuối
năm 1960, quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với bạn giải phóng Cánh đồng Chum,
Xiêng Khoảng, nối liền với Sầm Nưa, tạo căn cứ địa vững chắc để Chính phủ hợp
pháp của Hoàng thân Xuvănna Phuma đặt trụ sở chính thức ở Khăng Khay (Xiêng
Khoảng).
Trên cơ sở
thoả thuận giữa hai Đảng, ngày 9-1-1961, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh
Quân đội nhân dân Việt Nam xác định nhiệm vụ quốc tế của chuyên gia và quân
tình nguyện Việt Nam đối với cách mạng Lào trong 5 năm 1961-1965 là: Giúp đỡ
các lực lượng vũ trang cách mạng Lào về chuyên gia quân sự, đào tạo cán bộ;
củng cố, xây dựng vùng giải phóng và phát triển lực lượng vũ trang của bạn; khi
bạn có yêu cầu, tổ chức bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp chiến đấu với bộ đội
bạn.
Trung ương
Đảng hai nước cũng xác định: Lực lượng PaThết Lào cần phối hợp chặt chẽ với
quân tình nguyện Việt Nam, kiên quyết đập tan các hoạt động phiêu lưu quân sự
của địch, giữ vững vùng giải phóng và các cơ quan đầu não của Trung ương Đảng
Lào trong mọi tình huống.
Căn cứ nhiệm
vụ trên, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định biên chế thời
chiến cho Sư đoàn 325, Lữ đoàn 341, Trung đoàn 224 thuộc Quân khu 4; Lữ đoàn
316, Lữ đoàn 335 và Trung đoàn 148 thuộc Quân khu Tây Bắc, sẵn sàng chi viện
cho chiến trường miền Nam và chiến trường Lào.
Trên tinh thần
đó, các trận đánh phối hợp giữa hai bên ngày càng đạt hiệu quả cao, thu thắng
lợi giòn giã trên các chiến trường như cuộc tiến công giải phóng đường 8, giải
phóng huyện Xê Pôn (Savẳnnakhệt), đẩy lùi các đợt tấn công của địch vào Xiêng
Khoảng. Tiêu biểu là chiến dịch Nặm Thà năm 1962, do Bộ tư lệnh chiến dịch Nặm
Thà trực tiếp chỉ huy với sự tham gia của các tướng lĩnh Việt Nam - Lào. Chiến
dịch Nặm Thà đã làm xoay chuyển tình thế có lợi cho cách mạng Lào, có ý nghĩa
quan trọng về quân sự và chính trị. Liên quân Lào - Việt không chỉ tiêu diệt
được một bộ phận sinh lực tinh nhuệ của địch vừa mới xây dựng, mà còn giáng đòn
mạnh về chính trị, đánh vào âm mưu của Mỹ và chính quyền tay sai Phumi Nôxavẳn,
làm cho tinh thần đội quân đánh thuê thêm hoang mang, dao động. Uy tín của Neo
Lào Hắc Xạt, quân đội PaThết Lào được nâng cao, khu giải phóng mở rộng thành
căn cứ liên hoàn đến tận biên giới Trung Quốc.
Sau Hiệp định
Giơnevơ về Lào năm 1962, thực hiện cam kết của mình, Trung ương Đảng Lao động
Việt Nam quyết định rút toàn bộ quân tình nguyện Việt Nam và đại bộ phận chuyên
gia quân sự về nước. Thời gian này, Chính phủ liên hiệp Lào đã lập quan hệ
ngoại giao với nhiều nước, tuy vậy, Hoàng thân Xuvanuvông vẫn khẳng định: Người
bạn cùng sống chết, chung một chiến hào với ta chỉ có Việt Nam.
Năm 1963, tình
hình cách mạng Lào gặp khó khăn do đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai lật lọng
âm mưu xóa bỏ Hiệp định Giơnevơ. Trước yêu cầu của bạn, Trung ương Đảng và
Chính phủ Việt Nam
lại cử chuyên gia và quân tình nguyện sang giúp đỡ. Điều đáng trân trọng, biểu
hiện tình cảm thủy chung giữa quân và dân hai nước là đoàn chuyên gia Việt Nam
phần lớn là các đồng chí đã từng hoạt động, chiến đấu trên đất bạn thời gian
trước.
Cuối năm 1964,
Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào mở “cuộc vận động thu phục phỉ” nhằm ổn
định vùng giải phóng. Việt Nam đã giúp Lào các sản phẩm thiết yếu như muối,
vải, quần áo, thuốc men; đồng thời tại Lào, các đơn vị tình nguyện và chuyên
gia Việt Nam đã sát cánh cùng quân, dân Lào triển khai có hiệu quả cuộc vận
động trên. Nhiều ổ phỉ lâu đời bị giải tán, tạo sự ổn định mọi mặt cho các vùng
giải phóng.
Từ năm 1965,
liên minh chiến đấu Việt - Lào sát cánh bên nhau đánh bại chiến lược “chiến
tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam Việt Nam và chiến lược
“chiến tranh đặc biệt” tăng cường của đế quốc Mỹ tại Lào.
Trước tình
hình đế quốc Mỹ đánh phá vùng giải phóng Lào quyết liệt, đồng thời mở các chiến
dịch ngăn chặn, cắt đứt tuyến đường Hồ Chí Minh; dưới sự lãnh đạo của hai Đảng,
quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào không quản gian khổ, hy sinh
chiến đấu anh dũng, kiên cường cùng quân, dân Lào bảo vệ vùng giải phóng, tuyến
hành lang chiến lược và mở các chiến dịch tấn công địch giành thắng lợi to lớn.
Có những cuộc chiến đấu diễn ra gay go, ác liệt, lực lượng tuy mỏng nhưng quân
tình nguyện Việt Nam
vẫn đặt lên trên hết nhiệm vụ bảo vệ nhân dân các bộ tộc Lào. Năm 1969, quân
tình nguyện Việt Nam cùng Pa Thết Lào tổ chức chiến dịch phản công cuộc hành
quân Cù Kiệt đánh ra Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng của địch. Tại khu vực điểm
cao 1505, Lạt Huồng, sau khi địch dùng trực thăng đổ quân xuống chiếm Phu Tôn,
Cang Xẻng - Phu Hủa Xàng, chúng dùng cối 106,7 ly và pháo 105mm từ trung tâm
Cánh đồng Chum bắn phá ác liệt các điểm cao xung quanh. Tiểu đoàn 924 thuộc
Trung đoàn 866 quân tình nguyện Việt Nam đã kiên quyết giữ vững cao điểm 1505,
Bạn Thặm, đồng thời giúp nhân dân và cơ quan bạn sơ tán ra khỏi khu vực. Tuy
lực lượng chiến đấu có hạn nhưng các đại đội vẫn cử ra một số tổ công tác để
hướng dẫn và giúp dân sơ tán. Trong bom đạn ác liệt, bộ đội tình nguyện đã
chiến đấu quên mình, giúp đỡ nhân dân, nhường áo xẻ cơm, sẵn sàng xông pha vào
những nơi nguy hiểm để bảo vệ nhân dân. Ở xưởng may của tỉnh Xiêng Khoảng, khi
địch càn đến gần, anh chị em công nhân được lệnh di chuyển nhưng có một chị tàn
tật không đi được phải bò vào rừng lán nạn. Biết tin đó, tổ công tác của trong
đoàn đã vào rừng tìm kiếm, cứu được chị đưa về nơi sơ tán an toàn. Trong những
ngày ác liệt này, bộ đội Việt Nam đã phối hợp với các cơ sở Đảng, chính quyền
đưa hơn 16.000 dân và gia đình cán bộ sơ tán qua Mường Xéng, Kỳ Sơn (Nghệ An).
Nhân dân Nghệ An nhiệt tình đón tiếp, nhường áo xẻ cơm, cùng nhân dân Lào xây
dựng nhà cửa, bệnh xá, trường học, ổn định cuộc sống nơi sơ tán. Những tấm
gương sáng, quên mình của bộ đội tình nguyện, sự đón tiếp tận tình của nhân dân
Nghệ An trong những ngày gian khó này đã góp phần làm cho tình đoàn kết chiến
đấu của quân dân Việt Nam
- Lào càng thêm keo sơn, gắn bó.
Chiến dịch
Đường 9 - Nam Lào năm 1971 là minh chứng vô cùng sống động về mối quan hệ Việt
- Lào thắm thiết, ruột thịt. Thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng
hai nước, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở,
đồng bào các bản, làng, mường Việt Nam và Lào trên địa bàn dự kiến sẽ diễn ra
chiến dịch đã tham gia hết sức hăng hái vào mọi công việc chuẩn bị. Ngày ngày,
trên khắp những nẻo đường hành quân, nhân dân Quảng Trị cùng nhân dân các bộ
tộc Lào không quản mưa rừng, thác lũ sát cánh cùng các đơn vị bộ đội chủ lực,
thanh niên xung phong bạt núi, mở đường, đào đắp, vận chuyển hàng vạn mét khối
đất đá, xây dựng cầu cống; truy bắt lực lượng thám báo địch bảo vệ sự an toàn
và bí mật cho chiến dịch; tích cực tham gia xây dựng các trận địa bắn máy bay
và vận chuyển các loại vũ khí, đạn dược, hàng hóa vào các vị trí tập kết đúng
kế hoạch. Xe trâu, xe bò, xe đạp thồ...là cả gia tài đối với đồng bào nơi đây
nhưng khi cách mạng cần, bà con sẵn sàng đóng góp để phục vụ yêu cầu vận chuyển
đạn được, quân trang, quân nhu...Những chàng trai, cô gái Vân Kiều, Pa Cô và
các bộ tộc Lào cùng trang lứa với sức trẻ và lòng nhiệt huyết cách mạng đã đưa
năng suất gùi thồ lên 90-100kg mỗi chuyến. Nhiều người tuy sức khoẻ yếu hay vừa
chữa lành vết thương vẫn xung phong đi phục vụ chiến dịch; có em nhỏ mới 13-14
tuổi đã tình nguyện đóng góp sức mình vào việc khuân vác, chặt cây ngụy trang
mặt đường, làm liên lạc... Đang làm nương rẫy, dân bản thấy bộ đội hành quân
liền tìm cách gây tiếng ồn để át tiếng động của các đoàn quân, tránh sự phát
hiện của thám báo địch. Thi thoảng, người dân ra bờ suối vắng thấy những vết
chân bộ đội in trên cỏ ướt đã bảo nhau lùa trâu, bò ra để xáo trộn, xoá đi. Một
số đồng bào bị địch bắt, chúng dụ dỗ, mua chuộc hay tra tấn dã man, vẫn kiên
quyết không khai báo, sắt son một lòng một dạ trung thành với cách mạng.
Khi chiến dịch
diễn ra ác liệt, trước yêu cầu phục vụ chiến trường, bà con dân tộc Việt Nam và
Lào nơi đây tiếp tục tự nguyện phối hợp với cùng các lực lượng vận tải tham gia
vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, thuốc men phục vụ bộ đội.
Có những đoạn đường địch đánh phá dữ dội suốt ngày đêm, nhưng từng đoàn người
gùi lương, tải đạn vẫn không ngừng toả đi các hướng về nơi bộ đội đang chờ.
Nhiều nơi, đồng bào tự nguyện chỉ ăn củ mài và rau rừng, dành cho các chiến sĩ
những hạt gạo, lát sắn, củ khoai cuối cùng để “ăn no mà đánh thắng giặc Mỹ”.
Từng đoàn dân
công là con em các dân tộc ngày đem gùi lương, tải đạn ra chiến trường, rồi lại
tham gia vận chuyển thương binh về tuyến sau. Nhiều thôn, bản thành lập các đội
đi tìm kiếm chôn cất cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Bom đạn địch chà xát, tàn phá
nhà cửa, nương rẫy nhưng không thể nào làm phai nhạt tình đoàn kết chiến đấu giữa
hai dân tộc, tình quân dân thắm thiết, thủy chung. Đó là nhân tố làm nên chiến
thắng đường 9 - Nam Lào vang dội của quân và dân hai nước.
Tinh thần đoàn
kết, tình cảm thủy chung, gắn bó keo sơn của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ Việt
Nam với dân tộc Lào anh em đã được Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản nêu rõ: Nhiều
đồng chí Việt Nam đã hy sinh trên chiến trường Sầm Nưa, Cánh đồng Chum...Nhiều
cán bộ Việt Nam đã sang Lào hoạt động từ lúc cách mạng mới bắt đầu cho đến khi
tóc đã bạc, coi nhân dân Lào như nhân dân của mình, coi sự nghiệp cách mạng Lào
như sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đối với Việt Nam, sự hết lòng yêu quý, giúp
đỡ của nhân dân các bộ tộc Lào luôn là nguồn động viên, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần
chiến đấu của bộ đội tình nguyện và các chuyên gia Việt Nam. Đặc biệt, nhân dân
Lào đã cùng chia sẻ với nhân dân Việt Nam trước bom đạn ác liệt của giặc Mỹ,
tạo mọi điều kiện để bộ đội Việt Nam mở đường Trường Sơn và mở các chiến dịch
lớn, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
2. Đường
Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là biểu hiện vô cùng sinh động mối quan hệ đoàn
kết, thủy chung, son sắt giữa hai dân tộc Việt Nam
- Lào, Lào - Việt Nam
Tháng 9-1959,
theo yêu cầu của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam
quyết định thành lập đoàn 959 chuyên gia giúp Lào ở mặt trận Hạ Lào. Cũng trong
thời gian này, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập đoàn 559 với nhiệm vụ mở
đường, vận chuyển vật chất, đưa đón cán bộ, bộ đội từ miền Bắc vào miền Nam,
đồng thời vận chuyển vào bảo đảm hậu cần cho đoàn 959 chuyên gia ở Lào và vận
chuyển vật chất giúp bạn Lào.
Khi phát hiện
ra tuyến đường vận tải chiến lược quan trọng này, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài
Gòn đã kết hợp các lực lượng không quân, bộ binh với phương tiện chiến tranh
hiện đại liên tục đánh phá. Các đơn vị vận tải bị kẹt lại, không qua được đường
9. Trước tình hình đó, trên cơ sở quan hệ truyền thống vốn có giữa hai dân tộc,
yêu cầu khách quan cần gấp rút chi viện cho chiến trường miền Nam, Lào và
Campuchia, hai Đảng, hai Chính phủ thống nhất mở thêm đường phía Tây Trường Sơn
chạy trên đất Lào. Từ tháng 4-1961, dưới sự giúp đỡ của các đơn vị tình nguyện
Việt Nam, lực lượng cách mạng Lào đã mở nhiều đợt hoạt động quân sự ở miền
Trung và Hạ Lào, giải phóng một vùng rộng lớn từ Căm Cớt, Lắc Xao đến Mường
Phìn, Sê Pôn, Bản Đông, nối đường 12 với đường 9, nhanh chóng tạo thành một
hành lang dài và rộng theo chiều Đông - Tây. Toàn bộ 6 mường của Lào ở Bắc và Nam
đường số 9 được giải phóng.
Năm 1963, đế
quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn tiếp tục đưa quân bao vây, đồng thời đánh phá
quyết liệt tuyến vận tải phía đông Trường Sơn. Trước tình hình đó, được sự lãnh
đạo của hai Đảng, quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Pa Thết Lào quyết định mở
chiến dịch 128 giải phóng toàn bộ vùng cao nguyên Trung Lào có biên giới chung
với Việt Nam dài trên 700km. Thắng lợi của chiến dịch 128 đã tạo điều kiện cho
Việt Nam chuyển toàn bộ đường vận tải sang hướng Tây trên đất Lào.
Trong quá
trình này, bộ đội tình nguyện, đoàn chuyên gia cố vấn Việt Nam dưới sự chỉ đạo
của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã thường xuyên phối hợp với quân khu Trung - Hạ Lào,
Đảng bộ và chính quyền 7 tỉnh có đường Hồ Chí Minh xuyên qua tổ chức khảo sát
địa hình, phối hợp mở đường và chiến đấu bảo vệ căn cứ và tuyến đường chiến
lược, tổ chức đánh địch tại chỗ, giải phóng đất đai, mở rộng vùng giải phóng,
tạo điều kiện để tuyến đường được mở rộng và phát triển.
Để có con
đường chiến lược với hơn 20.000km, các chiến sĩ, lực lượng thanh niên xung
phong và nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Lào đã đổ bao mồ hôi, xương máu,
của cải và hàng ngàn người đã ngã xuống để xây dựng, bảo vệ và vận chuyển hàng
hóa, nhân lực phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ của hai nước Việt - Lào.
Đối với cách
mạng và nhân dân Lào, từ khi mới hình thành cho đến khi kết thúc thắng lợi cuộc
kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Hồ Chí Minh đi qua 17 mường (huyện) ở
Trung và Nam Lào với tổng chiều dài hàng ngàn km. Trong 16 năm (1959-1975), đế
quốc Mỹ đã rải xuống các cánh rừng dọc tuyến đường hàng triệu tấn bom các loại,
hàng ngàn tấn chất độc hóa học và nhiều thiết bị điện tử tinh vi nhằm phát
hiện, ngăn chặn lực lượng vận tải chiến lược. Đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai
Nam Việt Nam, Lào, Campuchia còn sử dụng lực lượng lớn quân đội và vũ khí đánh
vào các vùng thuộc hành lang của tuyến đường, quy mô lớn nhất là chiến dịch Lam
Sơn 719 với 20.000 quân Sài Gòn cùng sự yểm trợ của 9.000 quân Mỹ, 2.000 máy
bay các loại đánh vào khu vực Đường 9 - Nam Lào. Riêng năm 1969, máy bay Mỹ đã
đánh phá hàng nghìn trận vào 180 bản làng của đồng bào các dân tộc Lào dọc
tuyến đường Hồ Chí Minh, thiêu hủy 845 nóc nhà, giết hại 482 người, làm bị
thương 344 người, phá 337 nương rẫy. Bất chấp sự hủy diệt tàn bạo và những âm
mưu thâm độc của kẻ thù, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nhân
dân các bộ tộc Lào đã hết lòng giúp đỡ bộ đội Việt Nam trong việc mở đường, bảo
vệ tuyến đường và vận chuyển hàng hóa phục vụ chiến trường. Từ năm 1965, khi đế
quốc Mỹ mở rộng đánh phá, nhân dân 17 huyện thuộc 7 tỉnh của Lào trên mảnh đất
Tây Trường Sơn đã tự động dời nhà, bỏ nương rẫy đi vào rừng sâu sinh sống. Bộ
đội và du kích Lào phối hợp chặt chẽ với bộ đội Việt Nam đánh trả máy bay địch, ngăn
chặn các cuộc hành quân lấn chiếm, tập kích của chúng. Nhân dân Lào còn đóng
góp hàng triệu ngày công cùng bộ đội và lực lượng thanh niên xung phong Việt
Nam làm mới, sửa chữa đường xá, vận chuyển lương thực, thương bệnh binh, góp
phần vào mọi hoạt động của tuyến đường Hồ Chí Minh.
Không thể kể
hết những tình cảm quý báu của nhân dân các bộ tộc Lào dành cho các chiến sĩ,
cán bộ Việt Nam.
Năm 1964, địch đánh phá ác liệt, thời tiết phức tạp khiến việc vận chuyển hàng
hóa và dẫn quân của đoàn 559 trên tuyến tây Trường Sơn gặp rất nhiều khó khăn.
Có thời điểm đường bị tắc, khách qua tuyến dồn ứ hàng ngàn người ở các trạm
giao liên gần một tháng. Việc đảm bảo lương thực, thực phẩm cho bộ đội trở
thành vấn đề “nước sôi, lửa bỏng”. Trước tình hình đó, chỉ huy đoàn 559 cùng
đoàn chuyên gia 763 ở Hạ Lào trực tiếp đề xuất với Tỉnh ủy Távên Oọc của Lào
vận động nhân dân địa phương giúp đỡ. Với tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng,
nhân dân tỉnh Távên Oọc, đặc biệt là các huyện Cà Lươn, Xê Camản...nhanh chóng
thu gom thóc, giã gạo phục vụ bộ đội Việt Nam. Mặc dù là địa phương nghèo, nhân
dân sống phân tán, nhưng chỉ trong vòng nửa tháng, bạn đã huy động được hơn 30
tấn lương thực, góp phần quan trọng giải quyết khó khăn cho đoàn 559.
Nhờ sự phối
hợp liên minh này mà hàng hoá không còn bị ứ đọng trên tuyến đường 9, vào chiến
trường miền Nam
và nước bạn thông suốt, kịp thời. Tuy nhiên, sức người có hạn, việc vận chuyển
hàng hoá còn phải dựa vào voi, trâu, bò... Bà con dân tộc đông - tây Trường Sơn
rất quý voi, coi voi là thần, là tượng trưng cho sự giàu có, danh giá. Làng nào
có voi rất tự hào. Thế nhưng khi cách mạng cần, nhân dân cả Việt - Lào đều sẵn
sàng hiến voi, đưa voi ra trận tuyến.
Trong những
năm ác liệt, gian khó đó, điều quý nhất ở bạn là tấm lòng chân thật, trong
sáng, ngay thẳng, không nề vất vả, hy sinh và tuyệt đối tin tưởng vào cán bộ,
bộ đội. Bà con dân tộc Lào ở đây đã nói với cán bộ, bộ đội Việt Nam rằng: “Tao
đói còn đi đào được củ rừng để ăn. Tụi mày làm cách mạng còn phải đi làm mãi.
Củ sắn, lúa chúng tao dành cho chúng mày…”. Bà con Mường Noòng 3 năm không có
muối phải ăn tro từ rễ tranh đốt ra. Đến khi ta đưa muối sang, liền nhắc công
ơn cụ Hồ. Có người chưa hề thấy ảnh Bác, hỏi cụ Hồ có phải như ông Voi không?
ông trời không? Những lúc giáp hạt, bị cái đói hành hạ, bà con dắt nhau đi tìm
rau rừng, xuống khe bắt ốc sống cầm hơi, không hề nghĩ đến việc lấy một lưng
gạo, hạt muối ở các kho lương thực, thực phẩm của các binh trạm đặt giữa rừng
trên đất bạn.
Trong những
năm tháng khó khăn hay trong những trận đánh ác liệt, nhiều bà mẹ, gia đình Lào
trong khi cuộc sống còn rất thiếu thốn vẫn chắt chiu từng bát gạo để nuôi dưỡng
thương binh, vượt qua bom đạn của địch đưa rau, gạo, thuốc men đến các binh
trạm trên tuyến đường để trao tận tay cho các chiến sĩ Việt Nam.
Đáp lại lòng
quý mến và đùm bọc của nhân dân Lào trên dọc tuyến đường Trường Sơn, các đơn vị
bộ đội Việt Nam đã tích cực cùng với bộ đội PaThết Lào chiến đấu bảo vệ vùng
giải phóng, bảo vệ nhân dân các bộ tộc Lào, giúp đồng bào tăng gia sản xuất,
cứu đói cho dân khi gặp thiên tai, địch họa. Bộ đội Việt Nam trên tuyến đường
Hồ Chí Minh còn giúp nhân dân Lào xây mới một số tuyến đường liên bản, liên xã,
liên huyện, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội
vùng giải phóng. Chính vì vậy, tuy phải chịu đựng hy sinh, gian khổ, nhưng nhân
dân các bộ tộc Lào dọc tuyến đường vẫn hết lòng yêu thương, ủng hộ quân đội
cách mạng hai nước.
Nhờ có con
đường chiến lược Hồ Chí Minh, tính chung trong vòng 16 năm (1959-1975), tuyến
giao thông vận tải quân sự Trường Sơn đã vận chuyển được 1.349.000 tấn hàng
hóa, vũ khí, trong đó giao cho các chiến trường và cách mạng Lào, Campuchia hơn
583.000 tấn, 515 triệu m3 xăng dầu. Riêng 4 tháng trong cuộc tổng tiến công và
nổi dậy mùa xuân năm 1975, tuyến vận tải 559 qua đường Hồ Chí Minh đã chuyển
vào miền Nam Việt Nam
hơn 110.000 cán bộ, chiến sĩ, 230.000 tấn vật chất các loại, đưa sang Lào
(1973-1975) trên 108.000 tấn hàng.
Đường Trường
Sơn - đường Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết chiến
đấu, mối quan hệ thủy chung son sắt của hai dân tộc Việt - Lào trong trường kỳ
đấu tranh giải phóng dân tộc.
3. Quan hệ hữu
nghị đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam càng phát triển
sống động trong giai đoạn hoà bình, xây dựng đất nước phồn vinh, bảo vệ vững
chắc nền độc lập dân tộc
Trong thời kỳ
mới, hai Đảng, hai Nhà nước đều nhận thức rõ việc củng cố, mở rộng và phát
triển một cách toàn diện mối quan hệ Việt Nam - Lào là yêu cầu tất yếu. Vì
vậy, hai nước nhanh chóng đi đến ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác vào tháng
7-1977, đặt cơ sở pháp lý vững chắc, lâu dài cho quan hệ hai nước trong thời kỳ
mới. Trên tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, quan hệ Việt Nam -
Lào nhanh chóng được triển khai thông qua các tổ chức đoàn thể nhân dân và các
ban, ngành, địa phương với nhiều hình thức sáng tạo, phong phú, phù hợp với đặc
điểm của từng ngành, từng địa phương. Ngành thông tin, tuyên truyền, báo chí
xuất bản của hai nước tăng cường các hoạt động tuyên truyền nhân những ngày lễ
trọng đại của hai dân tộc làm cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nhận thức
đầy đủ hơn về tầm quan trọng, nội dung mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào trong
giai đoạn mới của cách mạng.
Đi đôi với
quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai Đảng, hai Nhà nước, các bộ, ngành
Trung ương, giữa các tỉnh Việt Nam với 12 tỉnh và thành phố của Lào cũng có
nhiều hình thức hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau phong phú và hiệu quả.
Các tổ chức
hội hữu nghị trên nhiều lĩnh vực với hàng nghìn hội viên từ Trung ương đến cơ
sở ra đời, nhiệm vụ chủ yếu là giới thiệu, thông tin cho các tầng lớp nhân dân
hai nước về lịch sử đất nước, con người, nền văn hóa, thành tựu xây dựng và bảo
vệ đất nước, làm cầu nối vận động và thúc đẩy các hoạt động hữu nghị, hợp tác
và giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật một cách có hiệu quả, thiết
thực; tổ chức các đoàn hữu nghị, giao lưu, trao đổi thông tin với các tổ chức
xã hội - kinh tế - văn hóa của hai nước.
Đặc biệt mối
quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa các tỉnh
ngày càng thắt chặt phát triển thành quan hệ kết nghĩa; không chỉ dừng
lại ở 10 tỉnh có đường biên giới chung mà còn mở rộng ra các tỉnh, thành phố khác
như thủ đô Hà Nội với Viêng Chăn...Tại các tỉnh có đường biên giới chung, quan
hệ kết nghĩa phát triển đến tận cơ sở, đó là kết nghĩa huyện với huyện, bản với
bản trên cơ sở phát huy và duy trì mối quan hệ đoàn kết, hợp tác truyền thống
láng giềng tốt đẹp, bảo đảm an ninh xã hội vùng biên, giải quyết tốt những vấn
đề nảy sinh, chủ động phối hợp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt
Nam trên đất Lào.
Tại Quảng Trị,
quan hệ kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới ngày càng đi vào chiều sâu, đạt
hiệu quả thiết thực. Đến nay toàn bộ 23/23 cặp bản đối diện của tỉnh Quảng Trị
với hai tỉnh Savẳnnakhệt và Xalavăn của Lào đã tổ chức kết nghĩa. Đây là việc
làm đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân hai bên biên giới, góp phần gìn
giữ và phát huy quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc mãi mãi về sau.
Chuyên đề 7
NHỮNG KINH NGHIỆM QUÝ BÁU
VỀ VIỆC GÌN GIỮ, CỦNG CỐ, PHÁT
HUY TRUYỀN THỐNG HỮU NGHỊ ĐẶC BIỆT VIỆT NAM – LÀO
---------
Quan hệ đặc
biệt Việt Nam
- Lào là tài sản chung vô giá của hai dân tộc, là nhân tố bảo đảm thắng lợi cho
sự nghiệp cách mạng của mỗi nước.
Để gìn giữ, củng cố và phát huy truyền thống hữu nghị đặc biệt Việt
Nam- Lào, Lào - Việt Nam
chúng ta có thể rút ra một số kinh nghiệm sau đây cần phải được phát huy:
Một là: Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào được tạo dựng trên cơ sở xác định đúng đắn
những quan điểm lý luận về mối quan hệ dân tộc và quốc tế trong thời đại mới
nhằm thực hiện nhiệm vụ cách mạng do hai nước xác lập.
Quan hệ đó
dựa trên cơ sở cả hai dận tộc Việt Nam và Lào đều khẳng định con đường
cách mạng vô sản là con đường giải phóng
và phát triển của Đông Dương. Quan hệ đó đã được kiểm nghiệm trong lịch sử,
trải qua nhiều thử thách, hy sinh, gian khổ vì độc lập, tự do, hạnh phúc của
hai dân tộc và nhân dân hai nước, quan hệ Việt Nam – Lào đã trở thành quy luật
sống còn và sức mạnh kỳ diệu đưa tới nhiều thắng lợi vĩ đại của Việt Nam và Lào
trong đấu tranh giải phóng dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ đất nước, cùng
phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nếu một trong hai nước xa rời Chủ
nghĩa Mác - Lê Nin, chệch hướng con đường mà Đảng của mỗi nước đã chọn thì có
nguy cơ phá vỡ mối quan hệ đặc biệt Việt Nam
- Lào, Lào - Việt Nam.
Do đó, tình cảm cách mạng thủy chung, trong sáng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào là một nhân
tố trọng yếu tạo nên độ bền vững và phát triển của mối quan hệ Việt Nam –
Lào.
Hai là: Cả hai
dân tộc Việt Nam
và Lào đều phải quán triệt và thực hiện tốt
quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “ Giúp bạn là mình tự giúp mình”
Bản chất của quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào được
nuôi dưỡng, phát triển bằng sức cảm hóa sâu sắc của quan điểm “Giúp bạn là mình
tự giúp mình” do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn. Đây là câu nói cô đọng, giàu ý
nghĩa chính trị, nhân văn, mở ra phương hướng xử lý hài hòa lợi ích của hai dân
tộc; là vũ khí sắc bén chống tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ban ơn.
Chúng ta thấy
rằng, trong tiến trình cách mạng của hai nước thời gian qua, mỗi bước phát
triển của cách mạng Lào tạo hậu thuẩn cho cách mạng Việt Nam giành thắng lợi và
ngược lại thắng lợi của cách mạng Việt Nam tạo điều kiện cho cách mạng Lào phát triển.
Trong những
năm 1930 - 1939, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, các cuộc đấu
tranh của nhân dân Việt Nam và Lào đã ảnh hưởng lẫn nhau, góp phần thúc đẩy sự
phát triển phong trào cách mạng mỗi nước.
Giai đoạn 1939-1945 cả hai dân tộc Việt Nam-
Lào, Lào- Việt Nam
đoàn kết giúp nhau giành chính quyền. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm
1945 ở Việt Nam đã đập tan bộ máy thống trị đầu não của phát xít Nhật và thực
dân Pháp ở Đông Dương, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc khởi nghĩa giành chính
quyền của nhân dân Lào.
Tháng 4 -
1953, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Kháng chiến Lào quyết
định mở chiến dịch Thượng Lào. Quân đội Việt Nam phối hợp với quân đội Lào
Ítxalạ giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần Xiêng Khoảng và Phôngxalỳ.
Tháng 12-1953
một bộ phận quân chủ lực Việt Nam
phối hợp với bộ đội Lào Ítxalạ và quân tình nguyện Việt Nam tại Lào mở chiến dịch Trung, Hạ
Lào. Chiến thắng của Liên quân Việt – Lào góp phần làm phá sản kế hoạch tập
trung quân của Nava, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó trên nhiều chiến
trường, tạo điều kiện củng cố, phát triển thế phối hợp chiến lược giữa hai nước
Việt Nam và Lào.
Ngày
13-3-1954, quân và dân Việt Nam mở đầu cuộc tiến công tập đoàn cứ điểm Điện
Biên Phủ. Phối hợp với chiến trường chính Việt Nam, quân và dân Lào liên tục
đẩy mạnh các hoạt động quân sự từ Bắc xuống Nam Lào để kiềm chế lực lượng địch,
đồng thời ủng hộ mặt trận Điện Biên Phủ.
Ngày 7-5-1954
tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt hoàn toàn. Chiến công đó đã đánh
bại cố gắng chiến tranh cao nhất của thực dân Pháp được Mỹ viện trợ, giáng một
đòn quyết dịnh vào ý chí xâm lược của bọn thực dân, đế quốc, góp phần thúc đẩy
quá trình tan rã của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Đó là
thắng lợi to lớn của nhân dânViệt Nam và cũng là thắng lợi của khối đoàn kết,
liên minh chiến đấu giữa quân đội và nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia,
mà Việt Nam làm trụ cột trong sự nghiệp kháng chiến chống kẻ thù chung.
Đầu năm 1961,
đế quốc Mỹ và quân đội Sài Gòn đẩy mạnh việc đánh phá hòng ngăn chặn việc vận
chuyển của Đoàn 559 trên tuyến Đông Trường Sơn. Được sự giúp đỡ tận tình của
nhân dân các bộ tộc Lào, các đoàn công tác quân sự Việt Nam đã xây dựng được
nhiều cơ sở cách mạng, phục vụ cho việc mở tuyến đường mới dọc Tây Trường Sơn
trên đất Lào.
Từ cuối năm
1963, Việt Nam cử chuyên gia quân sự sang làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào và đến
giữa năm 1964, thành lập hệ thống chuyên gia quân sự Việt Nam từ trên cơ quan
Tổng tư lệnh Lào xuống đến Bộ tư lệnh các quân khu, tỉnh đội và cấp tiểu đoàn,
có nhiệm vụ phối hợp với bạn để nghiên cứu kế hoạch tác chiến, xây dựng lực
lượng vũ trang, xây dựng và củng cố các vùng căn cứ ở Lào. Đồng thời, các đơn
vị quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với bộ đội Pathết Lào mở nhiều chiến
dịch, chủ yếu ở khu vực đường 9 – Trung Lào, Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng, đập
tan các cuộc tấn công lấn chiếm của địch, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng Lào,
tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Việt Nam vận chuyển trên đường Tây
Trường Sơn để chi viện cho chiến trường miền Nam Việt Nam và cách mạng hai nước
Lào, Campuchia.
Đầu năm 1968,
bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp với Quân giải phóng Lào mở chiến dịch tiến
công Nặm Bạc thắng lợi, giải phóng hoàn toàn khu vực Nặm Bạc – Khăm Đeng với
trên một vạn dân, nối liền vùng giải phóng Thượng Lào thành khu vực liên hoàn,
tạo thế vững chắc cho hậu phương cách mạng Lào và hỗ trợ thiết thực cho cuộc
kháng chiến của nhân dân Việt Nam và Campuchia.
Trước thắng
lợi dồn dập, to lớn của nhân dân Việt Nam, Campuchia trong tháng 4-1975, nhất
là chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam (30-4-1975) của nhân dân Việt Nam,
ngày 5-5-1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào tổ chức Hội
nghị mở rộng, quyết định phát động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong cả nước
nổi dậy đoạt lấy chính quyền và giành thắng lợi hoàn toàn. Nước Cộng hòa dân
chủ nhân dân Lào ra đời (tháng 12 năm 1975) là thắng lợi to lớn, triệt để của
nhân dân các bộ tộc Lào, đồng thời cũng là thắng lợi quan trọng của mối quan hệ
đặc biệt, liên minh đoàn kết chiến đấu, thủy chung, son sắt giữa hai dân tộc
Việt Nam – Lào.
Mối quan hệ đó xuẩt phát từ yêu cầu khách quan
của công cuộc đấu tranh giải phóng mang bản chất quốc tế vô sản, mang lại hiệu
quả rõ rệt. Trong sự nghiệp chung đó, Lào và Việt Nam đã trở thành những người
bạn, những người đồng chí, những người anh em máu thịt, chung một kẻ thù, chung
một chiến hào đánh thực dân Pháp, đánh đế quốc Mỹ. Đó là một mối quan hệ
xưa nay hiếm - một mối quan hệ láng giềng tự nhiên, có lịch sử gắn bó lâu dài,
chung một dãy Trường Sơn, chung một dòng sông Mê Kông, chung một ý thức hệ...
Hai Đảng, hai nhà nước không những đã
đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau chống kẻ thù chung là Pháp và Mỹ
mà còn giúp đỡ nhau có hiệu quả trong
công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước. Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào -
Việt Nam trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt, đầy hy sinh gian khổ vì độc lập
tự do, hạnh phúc của hai dân tộc và nhân dân hai nước đã trở thành quy luật
sống còn và sức mạnh kỳ diệu đưa tới những thắng lợi vĩ đại của Việt Nam và Lào
trong đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc
Mỹ xâm lược; tiến hành thành công sự nghiệp đổi mới đưa hai nước cùng phát
triển theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Vì vậy, cần có một nhận thức thống nhất trong cán bộ và nhân dân hai nước về tính
chất đặc biệt này. Cả hai bên cần có tầm nhìn rộng hơn, toàn diện và lâu dài
hơn chứ không chỉ ở các lợi ích kinh tế thuần túy và ngắn hạn.
Ba là: Đảng cộng sản Việt Nam và Đảng nhân dân cách mạng Lào
phải luôn coi trọng thực hiện nguyên tắc
tôn trọng quyền độc lập, tự chủ, bình đẳng và dân chủ của hai bên
Tại cuộc hội đàm với Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Nhân dân Cách Mạng Lào, ngày 9/7/1961, đồng
chí Lê Duẩn , Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam
trình bày về nguyên tắc lớn và lề lối làm việc giữa hai Đảng, bao gồm những nội
dung: “ Mọi công việc ở Lào đều do Đảng Lào phụ trách. Cách mạng Lào do đồng
chí Lào lãnh đạo, Đường lối chủ trương do Đảng Lào đề ra. Việt Nam
góp ý kiến. Cũng có lúc Việt Nam
thấy vấn đề trước thì Việt Nam
đề xuất ý kiến trước, nhưng quyền quyết định vẫn do Đảng Lào”.
Ở phạm vi quan
hệ giữa Đảng Lào với các Đảng anh em khác thì “ Đảng Lào tự mình bàn bạc thương lượng với các Đảng anh em trong mọi
vấn đề có liên quan. Trong phạm vi nào đó theo yêu cầu của các Đảng anh em và
với sự thỏa thuận của Đảng Lào, Việt Nam có thể làm trung gian giúp đỡ”
Về quan hệ
giữa hai nước, hai chính phủ, đồng chí Lê Duẩn cho rằng: “Tất nhiên có những
quan hệ khác hơn quan hệ hai Đảng. Những vấn đề lớn trong quan hệ giữa hai
chính phủ thì hai Đảng cũng cần có sự trao đổi ý kiến trước với nhau”
Về phía Lào, giải thích rõ nguyên tắc độc lập,
tự chủ và giá trị của nó, trong bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc Lào
ngày 13 tháng 5 năm 1974, Chủ tịch
Cayxỏnphomvihản nói: “Sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta phải do nhân dân ta
tự làm lấy. Đảng ta là một Đảng lãnh đạo cách mạng thực sự, do đó phải giữ vững
nguyên tắc độc lập tự chủ thì mới chứng minh một cách đầy đủ chủ nghĩa yêu nước
nồng nàn kết hợp với tinh thần quốc tế vô sản trong sáng”.
Trên cơ sở
nhận thức quá trình toàn cầu hóa và sự
hội nhập giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á. Báo cáo Chính trị tại Đại hội
lần thứ VIII Đảng nhân dân cách mạng Lào ( tháng 3/2006) nêu rõ: “ Kiên định
quan điểm chủ động và thái độ tích cực trong
hội nhập quốc tế và khu vực bằng việc phát huy cao độ sức mạnh của dân
tộc và tiềm năng của đất nước. Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào sẵn sàng là bạn,
là đối tác tin cậy của tất cả các nước nhằm đảm bảo lợi ích chung và lợi ích
riêng của mỗi bên”
Đại hội XI
Đảng Cộng sản Việt Nam
khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình,
hợp tác và phát triển.”
Tiếp tục tinh
thần và nguyên tắc đó, Đảng Cộng sản
Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào chủ trương đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp
tác toàn diện Việt Nam - Lào phải trên cơ sở phát huy tinh thần độc lập, tự chủ
và ý chí tự lực, tự cường, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi. Thực hiện tốt 4
nguyên tắc mà Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương diễn ra tại thủ đô Viên Chăn
từ ngày 22 đến ngày 23 - 2 - 1983 đã
thống nhất, trong đó chú ý đến vấn đề:
Quan hệ giữa ba nước sẽ được giải quyết bằng thương lượng trên cơ sở tôn
trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào
công việc nội bộ của nhau.
Bốn là:
Để việc gìn giữ, củng cố, phát huy truyền thống hữu nghị đặc biệt Việt
Nam – Lào ngày càng tốt đẹp, hai Đảng, hai Nhà Nước cần thường xuyên thông báo cho nhau về tình hình
mỗi Ðảng, mỗi nước
Thường xuyên trao đổi về các phương hướng,
biện pháp không ngừng phát triển quan hệ hai Ðảng, hai nước, cũng như những vấn
đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Thường xuyên trao đổi một số biện pháp nhằm
triển khai thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận cấp cao hai Đảng, hai nước
Chính phủ hai
nước cần tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Hiệp
định hợp tác 5 năm 2011-2015 và Chiến lược hợp tác 10 năm 2011- 2020.
Tăng cường
quan hệ hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa các địa phương của hai nước, nhất là các
địa phương có chung biên giới
Sớm kiện toàn
tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Liên
Chính phủ và bộ phận thường trực Phân ban hợp tác Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam.
Tiếp tục đi
sâu trao đổi thông tin, kinh nghiệm, nhất là những vấn đề lý luận và thực tiễn
về xây dựng Đảng, về công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Phối hợp đẩy
mạnh tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về
mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào trong giai đoạn mới, trong đó đặc biệt quan
tâm việc tuyên truyền, giáo dục dưới nhiều hình thức về Công trình Lịch sử quan
hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam.
Hai bên cần chủ động chuẩn bị kỹ, trao đổi thống nhất
và phối hợp chặt chẽ về nội dung, chương trình hoạt động của “Năm đoàn kết hữu
nghị 2012” trong đó có việc Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước thăm chính thức
lẫn nhau để cùng khai mạc và bế mạc “Năm đoàn kết hữu nghị 2012,”
Tổ chức khởi
công hoặc khánh thành một số công trình trọng điểm tạo dấu ấn về quan hệ đoàn
kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt-Lào.
Hợp tác chặt
chẽ giữa hai nước trong việc thực hiện chiến lược phát triển. Đẩy mạnh hợp tác
về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực...
Trong hoàn cảnh nào hai Đảng và nhân dân hai nước cũng làm hết sức mình để giữ
gìn và vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời
bền vững, truyền mãi cho các thế hệ mai sau; không ngừng phát triển quan hệ hai
nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thiết thực, vì sự phát triển phồn
vinh của mỗi nước, vì hòa bình ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên
thế giới.
Các tài liệu tham khảo
1. Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào,
Lào - Việt Nam 1930 – 2007; NXB Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội -2011
2. Nâng tầm quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt
Lào; QĐND - Chủ nhật, 07/08/2011
3. Chinhphu.vn) Hội nghị quan hệ hợp tác Quốc hội Việt Nam –
Lào: Đoàn kết – Hữu nghị được tổ chức tại Sơn La, một hoạt động lớn mở
đầu cho dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm Hiệp ước Hữu
nghị và Hợp tác Việt - Lào.
4. Hoàng Bình Quân ủy viên Trung ương Đảng,
Trưởng ban đối ngoại Trung ương - thành viên chính thức của Đoàn trả lời phỏng vấn nhóm phóng viên báo chí
cùng đi nhân chuyến thăm nước CHDCND
Lào từ ngày 20 đến 22.6.2011
5. QĐND. Tình nghĩa anh em Việt - Lào keo
sơn, bền chặt !Ghi chép của phóng viên Báo Nhân Dân. Thứ tư, 25/04/2012
6. QĐND. Không ngừng phát huy tình đoàn kết,
hữu nghị đặc biệt Việt Nam
- Lào 22/4/2012
7. Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ XI - Nhà xuất bản chính trị quốc gia - sự thật, Hà
Nội - 2011
Chuyên đề 8
TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY MỐI QUAN HỆ ĐẶC BIỆT VIỆT
NAM – LÀO, LÀO - VIỆT NAM TRONG LỊCH SỬ CỦA HAI DÂN TỘC VÀ TRÊN NHỮNG CHẶNG
ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN MỚI
------
Trong lịch sử
quan hệ quốc tế từ xưa tới nay, quan hệ
Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là một điển hình, một tấm gương mẫu mực,
hiếm có về sự gắn kết, bền chặt, thủy chung, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc đấu tranh giành độc lập tự
do và tiến bộ xã hội. Mối quan hệ đó được lãnh đạo hai Đảng hai Nhà nước khẳng
định là mối quan hệ đặc biệt . Điều này cắt nghĩa cho việc giữ gìn và phát huy
mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào -
Việt Nam
trong lịch sử và trên những chặng đường phát triển mới là vô cùng quan trọng
Quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là quan hệ đặc biệt quy định sự
sống, còn của hai dân tộc trong lịch sử cũng như trên những chặng đường phát
triển mới. Các điều kiện tự nhiên, địa - chiến lược, địa - quân sự là một trong
những yếu tố chi phối quan hệ Việt Nam
- Lào, Lào - Việt Nam.
Các yếu tố đó đặt ra yêu cầu tất yếu về
sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa hai dân tộc trong lịch sử chống ngoại
xâm, xây dựng và bảo vệ đất nước. Việt Nam và Lào nằm ở trung tâm bán đảo
Ấn - Trung, thuộc vùng Đông Nam Á lục địa. Trong phạm vi bán đảo Đông Dương
Việt Nam nằm ở phía đông Trường Sơn như
một bao lơn nhìn ra biển; Lào nằm ở sườn tây dãy Trường Sơn, lọt sâu vào đất
liền của bán đảo. Như vậy dãy Trường Sơn được ví như cột sống của hai nước, tạo
thành biên giới tự nhiên trên đất liền giữa Việt nam và Lào. Địa hình tự nhiên
đã quy định hệ thống giao thông ở Việt Nam
và Lào cùng chạy dài theo trục Bắc - Nam;
ở Việt Nam
là trục quốc lộ 1A và ở Lào là trục quốc lộ 13. Về mặt tự nhiên bên cạnh con
đường 13 nối Pạc Xê - Thành Phố Hồ Chí Minh. Lào có thể thông thương ra biển
gần nhất bằng hệ thống đường xương cá chạy ngang trên lãnh thổ hai nước đó
là đường 6 Sầm Nưa – Thanh Hoá, đường 7
Xiêng Khoảng - Nghệ An, đường 8 Khăm Muộn - Hà Tĩnh, đường 9 Xavẳnnakhệt - Đông
Hà, đường 12 Khăm Muộn - Quảng Bình....
Lãnh thổ Việt
Nam trải dài theo chiều dọc của bán đảo, mặt hướng ra biển đông với bờ biển dài
3400 km, tiếp giáp với Vịnh Bắc bộ, biển Đông và Vịnh Thái Lan, có nhiều cảng
biển lớn, nhất là các các biển nước sâu ở Miền Trung.
Việt Nam và
Lào là những nước thuộc loại “vừa” và “tương đối nhỏ” sống bên cạnh nhau chiếm
vị trí địa chiến lược quan trọng ở vùng Đông Nam Á do nằm kề con đường giao
thương hàng hải hàng đầu thế giới, nối liền Đông Bắc Á, Nam Á qua Tây Thái Bình
Dương và Ấn độ Dương. Về quốc phòng, bờ
biển Việt Nam ở phía Đông tương đối dài nên việc bố phòng về mặt biển gặp không
ít trở ngại. Trong khi đó dựa vào địa hình hiểm trở, nhất là với dãy Trường Sơn
- một “lá chắn chiến tranh” hùng vĩ, một lợi thế tự nhiên che chắn cho cả Việt
Nam và Lào, nên chẳng những hai nước có thể khắc phục được những điểm yếu “hở
sườn” ở phía đông mà còn phát huy được sự cần thiết dựa lưng vào nhau tạo ra vô
vàn cách đánh của chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân bảo vệ tổ quốc.
Nhân dân hai nước có thể lấy ít đánh nhiều, lấy yếu chống mạnh, giành thắng lợi từng bước, tiến lên
đánh bại mọi kẻ thù xâm lược. Về địa - quân sự, Cánh đồng Chum- Xiêng Khoảng,
hay cao nguyên BôlaVên của Lào và Tây Nguyên của Việt Nam, vùng rừng núi Tây
Bắc Việt Nam và Đông Bắc Lào....đều là những vị trí có tầm chiến lược hàng đầu
trên bán đảo Đông Dương. Nhiều nhà chiến lược và quân sự cho rằng: Ai nắm được
địa bàn chiến lược trên, người đó sẽ làm chủ toàn bộ chiến trường Đông
Dương. Điều đó cắt nghĩa về tầm quan trọng phải giũ gìn và phát
huy mối quan hệ đặc biệt Việt Lào lên
tầm cao mới
Quan hệ đặc
biệt Việt Nam - Lào, Lào -
Việt Nam
là tài sản vô giá, là quy luật giành thắng lợi của hai dân tộc. Quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là mối quan hệ giữa hai dân tộc cùng chung lý tưởng chiến đấu. Đảng cộng sản Việt Nam
- tiền thân của Đảng cộng sản Đông Dương thành lập, đánh dấu việc thiết lập
quan hệ đặc biệt Việt Nam -
Lào, Lào - Việt Nam. Việt Nam, Lào, Cao Miên tuy là ba nước
nhưng đều nằm trong một xứ, đều bị thực dân Pháp thống trị và áp bức. Giai cấp
vô sản và nhân dân lao động bị áp bức trong ba nước muốn đánh đổ thực dân Pháp,
giành lại độc lập, đánh đổ chế độ phong kiến để giải phóng cho mình thì không
thể đấu tranh riêng lẽ được. Ngay sau khi hợp nhất ba tổ chức cộng sản và lấy
tên là Đảng cộng sản Việt Nam, Đảng đã thông qua các văn kiện “Chánh cương vắn
tắt của Đảng”, “Sách lược vắn tắt của Đảng” “ Chương trình tóm tắt và Điều lệ
vắn tắt của Đảng”. “Sách lược vắn tắt” và “ Chương trình tóm tắt” chứa đựng
tinh thần yêu nước chân chính kết hợp với tinh thần quốc tế trong sáng, được
thể hiện ở chỗ trong khi tuyên truyền khẩu hiệu An Nam độc lập, đồng thời cũng
tuyên truyền và xây dựng quan hệ đoàn kết với các dân tộc bị áp bức và giai cấp
vô sản thế giới. Với những văn kiện đó,
nhất là “Luận cương chánh trị” của Đảng cộng sản Đông Dương sau đó đã xác định
cụ thể, toàn diện về mặt lý luận cho mối quan hệ giữa phong trào cách mạng Việt
nam và phong trào cách mạng Lào, đặt phong trào cách mạng Việt Nam và phong
trào cách mạng Lào với các tổ chức Đảng trong các xứ Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam Kỳ,
Ai lao, Cao Miên dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương.
Quan hệ đặc
biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đã
được khẳng định trong lịch sử, in đậm
những mốc son sáng chói về tình nghĩa
ruột, thịt, thủy chung trong sáng, nương tựa lẫn nhau, sống chết có
nhau: Nhân dân Lào đã cùng Việt Kiều tích cực đấu tranh chống chế độ thuộc địa,
phối hợp và ủng hộ cách mạng Việt Nam giai đoạn 1930 – 1939 và tiến hành cuộc vận động khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền giai
đoạn 1939- 1945. Hợp tác giúp nhau chống
thực dân Pháp xâm lược; phối hợp đấu tranh thực hiện Hiệp định Giơ ne Vơ, chống
Chiến lược chiến tranh đặc biệt của Đế quốc Mỹ, thiết lập quan hệ ngoại giao (
1954- 1962); phát triển liên minh chiến đấu, đánh thắng các chiến lược chiến
tranh của Đế quốc Mỹ, giành thắng lợi hoàn toàn ( 1973 -1975 ); Quan hệ đặc
biệt Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam trong giai đoạn khảo nghiệm, mở đường đổi
mới ( 1976 – 1986) Quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào,
Lào - Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế ( 1986 – nay). Trong tiến
trình cách mạng đó, mỗi bước phát triển của cách mạng Lào tạo hậu thuẩn cho
cách mạng Việt Nam giành
thắng lợi và ngược lại thắng lợi của cách mạng Việt Nam tạo điều kiện cho cách mạng Lào phát triển. Mối quan hệ đó xuẩt phát từ yêu cầu khách
quan của công cuộc đấu tranh giải phóng mang bản chất quốc tế vô sản, mang lại
hiệu quả rõ rệt. Trong sự nghiệp chung đó, Lào và Việt Nam đã trở thành những
người bạn, những người đồng chí, những người anh em máu thịt, chung một kẻ thù,
chung một chiến hào đánh thực dân Pháp, đánh đế quốc Mỹ. Đó là một mối
quan hệ xưa nay hiếm - một mối quan hệ láng giềng tự nhiên, có lịch sử gắn bó
lâu dài, chung một dãy Trường Sơn, chung một dòng sông Mê Kông, chung một ý
thức hệ... Hai Đảng, hai Nhà nước không những đã đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau chống
kẻ thù chung là Pháp và Mỹ mà còn giúp
đỡ nhau có hiệu quả trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước. Quan hệ đặc
biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt, đầy
hy sinh gian khổ vì độc lập tự do, hạnh phúc của hai dân tộc và nhân dân hai
nước đã trở thành quy luật sống còn và sức mạnh kỳ diệu đưa tới những thắng lợi
vĩ đại của Việt Nam và Lào trong đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến chống
thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược; tiến hành thành công sự nghiệp đổi mới
đưa hai nước cùng phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Đối với nhân
dân hai nước Việt Nam và Lào, quan hệ đặc biệt được coi là lẽ sống, là tình
nghĩa ruột thịt thân thiết, trước sau như một, dù gian nan nguy hiểm đến chừng
nào cũng không thể chia tách được. Sinh
thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Việt - Lào hai nước chúng ta. Tình sâu
như nước Hồng Hà, Cửu Long”. Chủ tịch Cayxỏn phômvihản khẳng định: “ Trong lịch
sử cách mạng thế giới cũng đã có những tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế
vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết, liên minh chiến đấu
đặc biệt lâu dài toàn diện như vậy”.
Nhìn lại lịch
sử đã qua, Đảng cộng sản Việt Nam và Đảng nhân dân cách mạng Lào luôn nhận được
sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, quý báu, chí tình, chí nghĩa và có hiệu quả mà hai
Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dành cho sự nghiệp cách mạng của nhau.
Những năm qua, hai bên thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc cấp cao,
duy trì cơ chế trao đổi thông tin, lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về công
cuộc đổi mới và xây dựng Đảng; hoàn thành và công bố các sản phẩm của Công
trình Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào; hợp tác đào tạo phát triển nguồn
nhân lực được ưu tiên và mở rộng với nhiều hình thức được thực hiện từ Trung
ương tới các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp. Hai bên đã ký Đề án
nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam – Lào trong lĩnh vực giáo dục và
phát triển nguồn nhân lực, giai đoạn 2011 – 2020. Những năm gần đây, hợp tác
kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước tiếp tục được tăng cường; Việt Nam là
nước đứng thứ hai trong số các nước đầu tư vào Lào với 5200 cán bộ lưu học sinh
Lào đang học tập tại các cơ sở đào tạo của Việt Nam và 500 lưu học sinh Việt
Nam đang học tập tại Lào. Thương mại hai chiều năm 2011 đạt 734 triệu USD, tăng
50% so với năm 2010. Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào với
hơn 400 dự án, tổng vốn đầu tư trên 5 tỷ U SD. Dự báo đầu tư của doanh nghiệp
Việt Nam sẽ tăng 7 tỷ USD vào năm 2015, kim ngạch 2 chiều đạt 2-3 tỷ USD vào
năm 2015 và 5 tỷ USD vào năm 2020. Trong năm 2012, hàng loạt các công trình, dự
án sẽ hoàn thành chào mừng Năm đoàn kết hữu nghị Việt - Lào, như Khu lưu niệm
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lào, Đường 2E, Nhà máy thủy điện Xe KhamAn, Trường
PTTH dân tộc nội trú HuaPhan
Tại kỳ họp lần
thứ 33 Ủy ban liên Chính phủ, hai bên đã ký thỏa thuận về Chiến lược hợp tác
giai đoạn 2011 – 2020; Hiệp định hợp tác Việt Nam – Lào giai đoạn 2011 – 2015;
Hiệp định hợp tác Việt Nam – Lào năm 2011. Bên cạnh đó, Việt Nam và Lào thường
xuyên trao đổi thông tin và phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề quốc tế và khu
vực, hoạt động tại các tổ chức và các diễn đàn đa phương. Sự ủng hộ mạnh mẽ và toàn diện của hai Đảng,
hai nước dành cho nhau trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước của mỗi nước
là vô cùng quan trọng và to lớn.
Sau 25 năm
thực hiện đường lối đổi mới, nhân dân Lào đã giành được những thành tựu to lớn,
toàn diện, có ý nghĩa lịch sử, làm cho thế và lực của Cách mạng Lào không ngừng
lớn mạnh, uy tín và vị thế của nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào ngày càng
được nâng cao trên trường quốc tế. Những thắng lợi đó không chỉ có ý nghĩa sâu
sắc đối với nhân dân Lào, mà còn là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với Đảng,
Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc. Việt Nam luôn ghi nhận với sự biết ơn sâu sắc Đảng, Nhà nước và nhân dân
Lào anh em về sự ủng hộ và giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, vô tư, trong sáng và có
hiệu quả trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước trước
đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Đảng Cộng
Sản Việt Nam, Nhà nước và nhân dân cùng các lực lượng vũ trang nhân dân Việt
Nam luôn ủng hộ và tin tưởng vững chắc rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân Dân
Cách Mạng Lào, nhân dân Lào anh em sẽ tiếp tục giành được nhiều thành tựu mới,
to lớn hơn nữa trong công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội
IX của Đảng, xây dựng thành công nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống
nhất và thịnh vượng
Bước sang thế
kỷ XXI, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sâu
sắc trong thế giới hiện đại trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt kinh tế, khoa
học, công nghệ, thương mại......Đó là xu thế khách quan lôi cuốn ngày càng
nhiều nước tham gia, vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực, vừa có hợp tác,
vừa có đấu tranh. Toàn cầu hóa vừa có thời cơ cho sự hội nhập và phát triển
kinh tế - xã hội; đồng thời cũng là những thách thức to lớn, nhiều khi hoàn
toàn mới mẽ đối với các nước đang còn ở trong tình trạng chậm phát triển. Thế
giới đứng trước những vấn đề toàn cầu mà không một quốc gia riêng lẽ nào có thể
tự giải quyết nếu không có sự hợp tác đa phương. Mặt khác vị trí chiến lược của
Đông Nam Á ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương từ lâu đã trở thành địa bàn tranh
chấp ảnh hưởng và quyền lực giữa các nước lớn trên thế giới. Cùng với sự phát
triển như vũ bão của quá trình toàn cầu hóa, khu vực hóa, Đông Nam Á ngày càng
trở nên sống động, không chỉ bởi sự gia tăng hợp tác và liên kết nội khối, mà
còn trở thành nơi hội tụ của các sáng kiến mới thúc đẩy quan hệ hợp tác ASEAN
với các đối tác bên ngoài, đặc biệt là với các nước lớn và các nước đang phát
triển. Trước xu thế đó, các nhà lãnh đạo ASEAN càng nhận thức rõ hơn tính bức
thiết trong việc đẩy nhanh tiến trình hội
nhập trong nội khối cũng như ngoài khu vực. Chính vì vậy, Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại
hội IX của Đảng NDCM Lào tiếp tục khẳng định đường lối, chính sách coi trọng và
không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc
biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào, coi đó là di sản vô giá của hai
dân tộc và là quy luật phát triển, là một trong những nhân tố đảm bảo thắng lợi
của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước. Việc đưa quan hệ Việt Nam
- Lào lên tầm cao mới sẽ đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam
và nhân dân Lào, đồng thời đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và
phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Trên tinh thần
đó, ngay sau khi được bầu làm Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng
sản Việt nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch quốc hội
Nguyễn Phú Trọng trong hoạt động đối ngoại của mình đã chọn Lào là quốc
gia đầu tiên trong chuyến thăm chính thức của mình trên cương vị Tổng Bí thư và
cũng ngay sau khi được bầu làm Tổng bí thư, chủ tịch nước của Đảng nhân dân
cách mạng Lào, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Choummaly Sayasone đã chọn Việt Nam
trong chuyến thăm hữu nghị chính thức của mình. Những hoạt động đó là biểu hiện
sinh động của tình hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, gắn bó keo sơn,
thủy chung, trong sáng giữa hai Ðảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước và là
bằng chứng hai Đảng, hai nhà nước và hai dân tộc luôn ưu tiên và coi trọng,
quan tâm và chăm sóc để mối quan hệ Việt-Lào “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền
vững”
Tuyên bố chung
về kết quả cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Choummaly Sayasone trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ
tịch nước Choummaly Sayasone đã khẳng
định:
Đẩy mạnh hơn
nữa quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào trên cơ sở phát huy tinh thần độc
lập, tự chủ và ý chí tự lực, tự cường, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi, kết
hợp thỏa đáng tính chất đặc biệt của quan hệ Việt Nam - Lào với thông lệ quốc
tế, vì sự phát triển phồn vinh của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và
phát triển ở Đông Nam Á và trên thế giới.
Lãnh đạo hai
Đảng, hai Nhà nước thường xuyên trao đổi
một số biện pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận cấp cao
hai Đảng, hai nước. Trong đó đặc biệt chú ý việc Chính phủ hai nước cần tích
cực chỉ đạo các Bộ, Ngành,địa phương triển khai thực hiện Hiệp định hợp tác 5
năm 2011-2015 và Chiến lược hợp tác 10 năm 2011- 2020;
Tăng cường
quan hệ hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa các địa phương của hai nước, nhất là các
địa phương có chung biên giới; sớm kiện toàn tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế và
nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Liên Chính phủ và bộ phận thường trực
Phân ban hợp tác Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam.
Tiếp tục đi
sâu trao đổi thông tin, kinh nghiệm, nhất là những vấn đề lý luận và thực tiễn
về xây dựng Đảng, về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phối hợp đẩy mạnh tuyên
truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về mối quan hệ
đặc biệt Việt Nam - Lào trong giai đoạn mới, trong đó đặc biệt quan tâm việc
tuyên truyền, giáo dục dưới nhiều hình thức về Công trình Lịch sử quan hệ đặc
biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam.
Chủ động chuẩn
bị kỹ, trao đổi thống nhất và phối hợp chặt chẽ về nội dung, chương trình hoạt
động của “Năm đoàn kết hữu nghị 2012” trong đó có việc Lãnh đạo cấp cao hai
Đảng, hai nước thăm chính thức lẫn nhau để cùng khai mạc và bế mạc “Năm đoàn
kết hữu nghị 2012,” tổ chức khởi công hoặc khánh thành một số công trình trọng
điểm tạo dấu ấn về quan hệ đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt-Lào
Cần có sự phối
hợp và sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong việc thực hiện chiến lược phát
triển; đẩy mạnh hợp tác về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đào tạo và phát
triển nguồn nhân lực... trong hoàn cảnh nào hai Đảng và nhân dân hai nước cũng
làm hết sức mình để giữ gìn và vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào
mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, truyền mãi cho các thế hệ mai sau; không
ngừng phát triển quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thiết
thực, vì sự phát triển phồn vinh của mỗi nước, vì hòa bình ổn định, hợp tác và
phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Phối hợp tổ
chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1962-2012) và
35 năm ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (1977-2012). Phối hợp
chặt chẽ để thực hiện thắng lợi thoả thuận chiến lược về hợp tác kinh tế, văn
hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật giữa hai nước giai đoạn 2011-2020, Hiệp định
hợp tác giai đoạn 2011-2015 và Hiệp định hợp tác năm 2011; tập trung hợp tác
xây dựng một số công trình kinh tế có vai trò kết nối nền kinh tế hai nước và
kết nối với khu vực và thế giới.
Tăng cường hợp
tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; hoàn thành dự án tăng dày và tôn tạo hệ
thống mốc quốc giới vào năm 2014 và tiếp tục xây dựng tuyến biên giới Việt Nam
- Lào. Khẳng định mong muốn cùng các bên liên quan giải quyết vấn đề biển Đông
bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp
Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông
(DOC), nhằm giữ gìn hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực. Hai Đảng luôn duy trì, giữ vững và giúp đỡ lẫn nhau
một cách chí tình và vô tư, trong sáng để cùng phát triển, đồng thời giữ vững
các mục tiêu cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước.
Một lần nữa
chúng ta khẳng định một điều rằng, giữ gìn và phát huy mối quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Bởi lẽ, đó là mối quan hệ đặc
biệt được hai Đảng, hai Nước và nhân dân
hai dân tộc thường xuyên trân trọng, vun đắp và gìn giữ qua các thời kỳ cách
mạng. Chúng ta tin tưởng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của hai Đảng, nhân dân hai
Nước sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng cũng như kế hoạch phát
triển kinh tế-xã hội của mình./.
Các tài liệu tham khảo
1. Lịch sử quan hệ đặc
biệt Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam 1930 – 2007; NXB Chính trị quốc gia - sự
thật, Hà Nội -2011
2. Nâng tầm quan hệ đoàn
kết đặc biệt Việt Lào; QĐND - Chủ nhật, 07/08/2011
3. Chinhphu.vn) Hội nghị quan hệ hợp tác Quốc hội Việt Nam –
Lào: Đoàn kết – Hữu nghị được tổ chức tại Sơn La, một hoạt động lớn mở
đầu cho dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm Hiệp ước Hữu
nghị và Hợp tác Việt - Lào.
4. Hoàng Bình Quân ủy viên
Trung ương Đảng, Trưởng ban đối ngoại Trung ương - thành viên chính thức của
Đoàn trả lời phỏng vấn nhóm phóng viên
báo chí cùng đi nhân chuyến thăm nước
CHDCND Lào từ ngày 20 đến 22.6.2011
5. QĐND. Tình nghĩa anh em Việt - Lào keo sơn, bền chặt !Ghi chép của
phóng viên Báo Nhân Dân. Thứ tư, 25/04/2012
6. QĐND. Không ngừng phát huy tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam -
Lào 22/4/2012
7. Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XI - Nhà xuất bản chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội - 2011
Chuyên đề 9
NHỮNG CẢM NGHĨ VỀ NỀN VĂN HOÁ,
VỀ ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI LÀO
---------
1. Đất nước và
con người Lào
Nước Lào có
tổng diện tích 236.800 km2, có đường biên giới giáp 5 nước: Phía bắc giáp Trung
Quốc, phía tây bắc giáp My-an-ma, phía tây giáp Thái Lan, phía nam giáp
Căm-Pu-Chia và phía đông giáp Việt Nam. Lào có 17 tỉnh và thành phố trực thuộc
trung ương, trong đó có 10 tỉnh chung đường biên giới với Việt Nam
với chiều dài 2067 km (Riêng đường biên giới chung với Quảng Trị là 206 km, gồm
2 tỉnh Savằnnkhet và Salavan).
Rừng núi chiếm
3/4 diện tích, có nhiều lâm sản, động vật và khoáng sản quý hiếm. Khí hậu được
chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến
tháng 4 năm sau. Có dòng Mê-công chảy từ bắc xuống nam dài 1865 km. Có núi
Phu-bia cao 2820m so với mặt nước biển, là đỉnh cao nhất nước Lào. Có cố đô
Luông-pha-ra-băng là di sản văn hoá thế giới, hàng năm thu hút rất nhiều khách
du lịch.
Lịch sử nước
Lào trước thế kỷ XIV gắn liền với sự thống trị của Vương quốc Nam Chiếu. Vào
thế kỷ thứ XIV, vua Phà Ngừm lên ngôi đổi tên nước thành Lạn Xạng (Triệu Voi).
Trong nhiều thập kỷ tiếp theo, Lào nhiều lần phải chống các cuộc xâm lược của
Miến Điện và Xiêm. Đến thế kỷ XVIII, Thái Lan giành quyền kiểm soát trên một số
tiểu vương quốc còn lại. Các lãnh thổ này nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Pháp
trong thế kỷ XIX và bị sáp nhập vào Liên bang Đông Dương năm 1893. Trong thế
chiến thứ 2, Pháp bị Nhật thay chân ở Đông Dương. Sau khi Nhật đầu hàng quân
Đồng minh ngày 12 tháng 10 năm 1945, Lào tuyên bố độc lập. Đầu năm 1946, Pháp
quay trở lại xâm lược Lào. Năm 1949, quốc gia này nằm dưới sự lãnh đạo của Vua
SisavangVong và mang tên Vương quốc Lào. Tháng 7 năm 1954, Pháp ký hiệp định
Giơnevơ công nhận nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Lào.
Từ năm 1955
đến năm 1975, Vương quốc Lào lệ thuộc mạnh mẽ vào Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống
Cộng sản tại Đông Dương, tình hình đó đã lôi kéo Lào vào cuộc chiến tranh Đông
Dương lần thứ hai, là yếu tố dẫn đến nội chiến Lào và xảy ra một vài cuộc đảo
chính.
Thi hành Nghị
Quyết Đại hội II của Đảng Cộng sản Đông Dương (02/1951), ngày 22/3/1955, Đại
hội thành lập Đảng Nhân Dân Lào khai mạc tại một khu rừng thuộc tỉnh Hưa phen
(Sầm Nưa). Đảng Nhân Dân Lào lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin làm kim chỉ nam cho hành
động, xác định kẻ thù của cách mạng Lào là đế quốc Mỹ, phái thực dân Pháp phá
hoại hiệp định đình chiến và bè lũ tay sai của chúng. Đảng đề ra nhiệm vụ chiến
lược trong giai đoạn mới là: “đoàn kết, lãnh đạo toàn dân, phấn đấu hoàn thành
sự nghiệp giải phóng dân tộc, thực hiện một nước Lào hòa bình, độc lập, dân
chủ, thống nhất và thịnh vượng”.
Từ năm 1968,
được sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam đã hỗ trợ các đơn vị tham chiến
cùng quân Pathét chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ. Sức mạnh tổng hợp của
cách mạng Lào trong khối liên minh đoàn kết chiến đấu với các nước Đông Dương
đã dồn đế quốc Mỹ và tay sai ở Lào vào thế bị động, khốn quẩn chưa từng thấy.
Mỹ thấy không thể thắng được Pathét Lào bằng sức mạnh quân sự do đó phải chấp
nhận phương sách “hòa hoãn” với các lực lượng cách mạng Lào.
Trong lúc cuộc
kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân các bộ tộc Lào đang ở giai đoạn bước
ngoặt, Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Nhân Dân Lào lần thứ II được khai mạc từ
ngày 03/02/1972 - 06/02/1972 tại ViêngXay (Sầm Nưa) với 125 đại biểu, thay mặt
cho hàng vạn đảng viên của Đảng đến dự Đại hội. Đại hội thông qua bản sửa đổi
Điều lệ Đảng và đổi tên Đảng nhân dân Lào thành Đảng nhân dân cách mạng Lào.
Đại hội bầu đồng chí Cayxỏn phômvihẳn
làm Tổng Bí thư Đảng nhân dân cách mạng Lào.
Năm 1975, dưới
sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, phong trào cộng sản Pathét Lào đã
lật đổ chính quyền hoàng tộc. Ngày 29/11/1975, nhà vua Lào phải tuyên bố thoái
vị, chấm dứt chế độ quân chủ Lào. Ngày 02/12/1975, Đại hội đại biểu nhân dân
toàn quốc Lào quyết định xóa bỏ chế độ quân chủ, thành lập nước Cộng hoà Dân
chủ Nhân dân Lào. Đồng chí Suphanuvong được cử giữ chức Chủ tịch Nước, đồng chí
Cayxỏnphômvihẳn Tổng Bí Thư được cử làm Thủ tướng. Từ đó, ngày 02 tháng 12 được
lấy làm ngày Quốc khánh của nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.
Sau hơn 30 năm
ròng rã đấu tranh, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, cuộc cách mạng Dân tộc
Dân chủ Nhân dân Lào đã kết thúc thắng lợi trọn vẹn. Việc khai sinh nước Cộng
hoà Dân chủ Nhân dân Lào (02/12/1975) đã kết thúc vẻ vang cuộc đấu tranh giải
phóng dân tộc của nhân dân các bộ tộc Lào kéo dài suốt 197 năm kể từ khi phong
kiến Xiêm đặt ách thống trị Lào vào năm 1778. Đây là một thắng lợi oanh liệt
nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng nghìn
năm của nhân dân các bộ tộc Lào. Với thắng lợi này, nhân dân các bộ tộc Lào
bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, hòa bình và tiến bộ.
Lào có 17 tỉnh
và thành phố trực thuộc trung ương, thủ đô là Viêng Chăn, các thành phố lớn
như: Luống Phả Bang (là kinh đô đầu tiên của Lào), Xả Vằn Na Khệt, Pạc Xế… Dân
số của Lào hiện nay có khoảng 7 triệu người, bao gồm ba bộ tộc chính là Lào
Lùm, Lào Thơng và Lào Sủng, ngoài ra còn có khoảng 2-5% là người Việt, Người
Hoa, người Thái cùng chung sống, tập trung ở các thành phố.
2. Nền văn hoá
Lào:
Nước Lào,
trước đây còn gọi là Vương quốc Lạn Xạng, “Lạn” tiếng Lào là triệu, “xạng” là
voi. Lạn Xạng có nghĩa là “Triệu Voi”. Được mệnh danh là “Miền đất Triệu voi”-
Lào nằm ở nơi giao hội của hai nền văn minh vĩ đại và hùng mạnh nhất châu Á là
Ấn Độ và Trung Hoa, người dân Lào đã hấp thụ những phong tục và tín ngưỡng của
hai nền văn minh ấy để hình thành nên một nền văn hóa đặc sắc của riêng mình
hết sức độc đáo.
Nền văn hóa
Lào là nền văn hóa Phật giáo. Đạo Phật đã ăn sâu vào tư tưởng của người Lào,
ảnh hưởng này được phản ánh trong ngôn ngữ và nghệ thuật, tạo nên một dân tộc
Lào rất riêng.
Văn hóa Lào là
xứ sở của Phật giáo tiểu thừa, 90% dân số theo đạo Phật. Đạo Phật được truyền
vào xứ Lào trong triều vua Dvaravati vào thế kỷ thứ 7, và từ thế kỷ 14 Phật
giáo đã trở thành quốc giáo. Người dân Lào đã thấm nhuần trong mình những lời
Phật dạy, một mực kính trọng các bậc tăng ni, những vị sư sãi trong chùa. Với
dân số khoảng 7 triệu người và có tới 1.400 ngôi chùa lớn nhỏ, Lào là nước có
tỉ lệ chùa so với dân cao nhất thế giới, chùa chiền, đền tháp là nơi gắn bó cả
đời với người Lào, cũng là chất keo cộng đồng gắn kết các bộ tộc Lào lại với
nhau- chất keo văn hoá Phật giáo. Chùa chiền với những mái ngói uốn cong nhiều
dáng vẻ còn là biểu hiện sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và
thẩm mỹ của người Lào. Lễ hội gắn với chùa chiền, chùa chiền gắn liền với làng
bản, là nơi để mọi người gặp gỡ, vui chơi, ăn diện và múa hát. Lễ hội cũng là
biểu hiện của văn hoá tâm linh phật giáo từ, bi, hỉ, xả đã ăn sâu vào máu thịt
bao đời người dân các bộ tộc Lào, góp phần tạo nên bản sắc văn hoá Lào trường
tồn, lung linh mà quyến rũ.
Lào là đất
nước của bốn mùa lễ hội. Cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á, lễ hội tại
đất nước Lào cũng chia làm 2 phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ là phần nghi
thức do chính con người đặt ra để giao cảm với thần linh và phần hội chủ yếu là
vui chơi, giải trí. Mỗi năm có 4 lần tết: Tết Dương Lịch, Tết Nguyên Đán (như ở một số nước Á Đông), Tết
Lào (Bun PiMay vào tháng 4) và Tết H'mong (tháng 12). Ngoài ra
còn các lễ hội: Bun PhaVet ( Phật hóa thân) vào
tháng 1 ; Bun VisakhaPuya (Phật Đản)
vào tháng 4; Bun BangPhay (pháo thăng thiên)
vào tháng 5; Bun Khao PhanSa (mùa chay)
vào tháng 7; Bun Khao Padapdin (tưởng
nhớ người đã mất) vào tháng 9; Bun Suanghua (đua thuyền) vào
tháng 10. Lễ hội ở Lào hay còn được gọi là Bun, nghĩa là phước, làm Bun nghĩa
là làm phước để được phước.
Lào có tết cổ
truyền Bunpimay (có nghĩa là mừng năm mới), hay còn gọi là Tết té nước diễn ra
từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 4 hàng năm. Vì đạo phật ở Lào có tự lâu đời phát
triển mạnh trở thành quốc đạo, các nhà chiêm tinh học tính ngày tháng theo phật
lịch, nên năm mới hàng năm bắt đầu vào tháng tư dương lịch. Người Lào gọi tết
là vui tết chứ không gọi là ăn tết, tất cả các cuộc vui được chuẩn bị theo
truyền thống tôn giáo, phù hợp với phong tục tập quán của người Lào. Trong
những ngày lễ hội vui chơi là chủ yếu, tuy nhiên họ cũng chuẩn bị đồ ăn, thức
uống thịnh trọng hơn ngày thường, đặc biệt là không thể thiếu rượu. Ngày tết từ
sáng sớm dân làng diện những bộ đồ đẹp nhất, nhất là chàng trai, cô gái với đủ
áo váy màu sắc sặc sỡ, tập trung tại sân chùa để dự lễ tắm phật. Xong lễ tắm
phật mọi nhà làm lễ buộc cổ chỉ tay cho những người thân trong nhà, tục lễ này
gọi là ( pục khén ) hay còn gọi là (xù khoắn) lễ gọi hồn vía. Nhân dịp đầu năm
con cháu chúc ông bà, cha mẹ, bạn bè, người thân gặp may mắn hạnh phúc. Cũng vì
lẽ đó, lễ mừng năm mới còn gọi lễ té nước (gọi là Bun hốt nậm), trong những
ngày lễ, thanh niên nam, nữ thường té nước cho nhau vừa chúc mừng nhưng cũng vừa
để tỏ tình. Bun hốt nậm còn có ý nghĩa về chuyện chuyển năm và cũng là chuyển
mùa từ mùa khô sang mùa mưa; sau những tháng ngày hanh khô, những cơn mưa rào
ập đến mang nước mát tưới cho núi rừng, cỏ cây, ruộng đồng, màu xanh tươi mát
của chồi non vụt nhú lên báo hiệu một mùa làm ruộng, rẫy mới. Người dân té nước
để cầu may, cầu bình yên cho cả năm, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi
tốt. Trong những ngày này, mọi người thăm viếng chúc tụng lẫn nhau, ăn uống vui
chơi, múa hát cầu mong quốc thái dân an, nhà nhà hạnh phúc, người người ấm no…
Với người Lào, những phong tục trong lễ hội Bunpimay mang ý nghĩa đem lại sự
mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm no hạnh phúc cho cuộc sống, là dịp để nuôi
dưỡng và hun đúc nghệ thuật dân tộc.
Âm nhạc của
Lào ảnh hưởng lớn của các nhạc cụ dân tộc như khèn (một dạng của ống tre. Một dàn nhạc điển
hình bao gồm người thổi khèn cùng với biểu diễn múa bởi nghệ sĩ
khác. Múa Lăm vông (Lam saravane) là thể loại
phổ biến nhất của âm nhạc Lào, những người Lào ở Thái Lan
đã phát triển và phổ biến rộng rãi trên thế giới gọi là mor lam sing.. Khi được mời
cùng múa Lăm Vông với người khác giới, hai người đi song song nhưng không va
chạm vào người phụ nữ.
Chăm pa (hoa
đại) là một loài hoa biểu tượng của đất nước và con người Lào. Mang đậm một bản
sắc riêng biệt, hương sắc ngào ngạt của hoa chăm pa phản ảnh rõ tính cách, tâm
hồn của dân tộc Lào, với những con người có một vẻ đẹp giản dị, chan hoà, gìn
giữ và chất phác, thật thà. Ngoài cái đẹp bản sắc riêng của dân tộc Lào, hoa chăm pa có 5 cánh hoa xoè ra thể hiện sự
đoàn kết muốn hợp tác vươn tới 5 nước láng giềng với thể ứng xử cởi mở, cân
bằng, mềm mại, hoà đồng bên ngoài, thống nhất ở bên trong. Ở Lào hoa chăm pa có
nhiều loại và mọc khắp nơi. Người dân Lào thường trồng hoa chăm pa để tô điểm
cho vẻ đẹp thanh bình êm ả của đất nước và sống động hơn trong không khí hội
hè. Đến với đất nước Lào (Triệu Voi) là đến thăm đất nước hoa chăm pa xinh đẹp.
Hạnh phúc biết bao khi được các cô gái choàng lên cổ vòng hoa chăm pa, buộc vào
cổ tay vòng chỉ cầu mong phúc lành, đam mê không muốn dứt trong những điệu múa
Lăm vông dưới bóng cây chăm pa.
Văn hoá Lào
như một dòng chảy ngọt ngào đời này qua đời khác, hun đúc nên tâm hồn, cốt
cách, và văn hoá của người Lào. Qua thời gian năm tháng được kết tinh ở những
phong tục văn hoá đẹp đẽ như Tết Té nước để giải trừ mọi lo âu phiền muộn; Buộc
chỉ cổ tay chúc phúc người thân, chúc phúc khách quý, bạn bè… đó là mỹ tục rất
đẹp đẽ, độc đáo và hiếm có; và hoà cùng với tiếng chiêng, tiếng khèn, điệu Lăm
vông mềm mại uyển chuyển làm say đắm lòng người, như mời gọi, như níu giữ bước
chân du khách đã đặt chân đến đất nước Lào là không muốn rời xa, là dẫu chỉ một
lần mà lưu luyến mãi.
Các nước đạo
Phật phát triển trở thành quốc giáo thì phong tục tập quán cơ bản giống nhau.
Con người Lào lịch sự, lễ phép, không
thoa đầu mọi người kể cả trẻ em, không bá vai, bá cổ. Người Lào gặp nhau, người
dưới chắp tay chào người trên; trẻ em chắp tay chào người lớn, không bao giờ họ
lớn tiếng cãi nhau. Khi chào hoặc khi đáp từ kể cả thành tiếng hoặc không thành
tiếng người ta thường dùng các cử chỉ như: thông thường hai tay chắp lại với
nhau giơ lên ngang ngực, đầu hơi cúi xuống, nếu tỏ ý kính trọng đối với người
lớn tuổi hoặc cấp trên thì giơ ngang mặt.
Có cuộc sống
yên ả, thanh bình và thơ mộng, người Lào thật thà, chất phác, hiền hoà, dễ mến,
trọng danh dự. Tính cách ấy biểu hiện rõ trên ánh mắt, nụ cười, cử chỉ và dáng
điệu của mỗi con người. Trong gia đình họ chung sống hoà thuận, và đặc biệt họ
rất quý trọng tình bạn, quý trọng chữ tín. Chuyện vợ chồng ly hôn cũng rất ít
khi xảy ra, vì nó bắt nguồn từ những phong tục thuần hậu truyền đời. Nếu như
với người phụ nữ Việt Nam
là “tam tòng tứ đức”, thì người phụ nữ Lào là “hươn xảm nậm xi” (ba nhà bốn
nước) được giáo dục từ hồi còn tấm bé. Đây cũng là nét văn hoá, phong tục đặc
sắc của người Lào.
Người Lào rất
gần gũi và hầu như không gặp trở ngại gì lớn trong văn hóa và giao tiếp. Sự hài
hòa giữa lòng nhân ái và tinh thần cộng đồng là một nét đặc sắc trong triết lý
nhân sinh người Lào. Ngạn ngữ Lào có câu: “Nói hợp lòng thì xin ăn cho
cũng chả tiếc, nói trái ý thì dẫu xin mua cũng chẳng bán” (Vầu thực khọ, khỏ
kin cò bò thi (bò khỉ thi), vầu bò thực khọ khỏ xừ cò bò khải). Người Việt còn lưu lại trong thư tịch
cổ: “người Lào thuần hậu chất phác”, trong giao
dịch buôn bán thì “họ vui lòng đổi chác”. Đó cũng
là tình cảm bình dị, chân thành mà người dân nước Việt giành cho người người
dân láng giềng của mình.
Phong tục ăn
mặc ở Lào, phụ nữ phải mặc “Phaa sin”, một kiểu váy dài có các mảng hoa văn đặc
trưng, mặc dù nhóm các bộ tộc thường có trang phục riêng của họ. Đàn ông
thì mặc “phaa biang sash” vào những dịp lễ hội. Ngày nay phụ nữ thường mặc
trang phục kiểu phương Tây, nhưng “phaa sin” vẫn là trang phục bắt buộc.
Đất nước Lào
có nhiều công trình lịch sử văn hoá, có thiên nhiên tươi đẹp, có nhiều cảnh
quan kỳ thú như Thạt Luổng (Viêng Chăn), cố đô Luông Phra-băng (di sản văn hoá
thế giới), chùa Vạtxixun (Luông pha băng), Núi phú Xỉ, Cánh Đồng Chum huyền bí
(Xiêng Khoảng), thác Khôn, thác Quang Xi, Hang Thẳm tình.v.v.
Là một vùng
đất có lịch sử lâu đời nhưng trải qua các cuộc chiến tranh với người Miến Điện,
Trung Hoa và đặc biệt với đế quốc Xiêm nên nhiều di tích lịch sử, văn hóa, tôn
giáo bị tàn phá. Nhiều di tích hiện nay đã được xây dựng lại trong cuối thế kỷ
19, đầu thế kỷ 20 còn nét cổ kính, uy nghi.
Viên Chăn -
tên gọi của thành phố bắt nguồn từ tiếng Pali, có nghĩa là “thành phố của gỗ
đàn hương” – một loại cây quý trong kinh điển Ấn Độ. Theo tiếng Lào - Wiang Jan
có nghĩa là “thành phố của mặt trăng”. Thành phố nằm dọc theo bờ sông Mekong, có lẽ vì thế mà có một môi trường sống rất dễ
chịu, thoáng đãng. Khi người Pháp cai trị, họ quy hoạch hệ thống đường, xây
dựng các biệt thự, công trình mang phong cách Pháp. Con đường lớn nhất xuyên
giữa lòng thành phố là Đại lộ Lan Xang (Lan Xang có nghĩa là Triệu voi) - được
ví như Đại lộ Champs Elysées ở Paris (Pháp).
Cuối Đại lộ
Lan Xang là Patuxay Gate- biểu tượng chiến thắng của người Lào được xây dựng
vào năm 1962. Công trình này dùng để vinh danh những chiến sĩ trong cuộc kháng
chiến chống Pháp của nhân dân Lào. Patuxay Gate có nhiều tên gọi khác: “đường
băng thẳng đứng” hay “Champs Elysées của phương Đông”... Patuxay Gate trước đây
được biết đến là tượng đài Anousavary. Hình thức bên ngoài Patuxay Gate có phần
nào đó giống với khải hoàn môn ở Paris,
tuy nhiên, vẫn nở rộ nét đặc sắc của nhân dân Lào: những hình tượng trang trí
Kinari – nửa người phụ nữ và nửa chim, những phù điêu mô tả trường ca Rama và
các tháp mang đậm phong cách của người Lào. Từ trên cao, Thủ đô Viêng Chăn hiện
ra trước mắt du khách không gian bao la và trải rộng vươn ra mọi hướng. Patuxay
Gate lại kết hợp hài hòa trong không gian quảng trường rộng lớn. Mỗi khi chiều
về là lúc người dân Viêng Chăn cùng du khách lại tụ tập về đây vui chơi thư
giãn.
Tại Viêng
Chăn, có rất nhiều chợ đường phố. Thức ăn của Lào rất đặc biệt và ngon, thủ
công mỹ nghệ truyền thống như: dệt-lụa, đồ trang sức và giỏ xách phong phú.
Ngoài ra có Công viên Phật lưu giữ bộ sưu tập bê tông ngoài trời của nghệ thuật
điêu khắc Phật giáo và Hindu, Hồ Nam Ngeun, làng văn hóa Vangxang...
Ở Viêng Chăn
có nhiều ngôi chùa rất lớn và nổi tiếng như Wat Sisaket, Ong Teu, That Luang...
Chùa Wat Sisaket lưu giữ đến 6.840 tượng Phật lớn nhỏ rất quý hiếm và là ngôi
chùa có nhiều tượng Phật cổ nhất Lào. Tượng ở đây được làm chủ yếu bằng đồng,
một số làm từ các vật liệu khác như gỗ quý, bạc hoặc mạ vàng. Đối diện với chùa
Wat Sisaket là chùa Prakeo, nét độc đáo ở đây là pho tượng quý hiếm Phật Phra
Bang (đúc tại Sri Lanka, bằng vàng) được vua Fa Ngum mang từ Angkor về Viêng
Chăn trong thế kỷ 14.
Điểm nổi bật
nhất là chùa Heavy Buddha được xây dựng từ thế kỷ thứ I, hiện là trường học của
sư sãi, các nhà sư từ nhiều miền đất nước của Lào được truyền dạy kinh Phật
dưới sự hướng dẫn của các sư trụ trì thâm niên.
Tháp That
Luang (Thạt Luổng)- di sản văn hóa thế giới, biểu tượng văn hóa Phật giáo và
hiện được coi là biểu tượng của nước Lào. That Luang được xây dựng năm 1566
trên nền phế tích của một ngôi đền Khmer thế kỷ XIII và theo truyền thuyết là
có chứa một sợi tóc của Đức Phật được một nhà truyền giáo mang đến từ Ấn Độ.
Sau đó, tháp Thạt Luổng bị tàn phá và đổ nát sau cuộc xâm lược của người Thái ở
thế kỷ XIX. Năm 1930, tháp được khôi phục lại theo kiến trúc nguyên bản với độ
cao 45m. Bức tượng ngay phía trước tháp là vua Setthathilath, người đã cho xây
dựng tháp đầu tiên. Ngày xưa, bốn mặt vòng quanh That Luang được bao bọc bởi
các ngôi chùa nhưng hiện tại chỉ còn tồn tại chùa Luang Nua và Luang Tai. Hằng
năm, ở đây, vào trung tuần tháng 11 diễn ra lễ hội cấp quốc gia là Lễ hội That
Luang. Tháp That Luang được coi là rất linh thiêng nên có nhiều người đến đây
cầu khấn các nguyện vọng.
Luông Pra Băng
hay Luông Pha Băng, nghĩa là Phật Vàng Lớn. Luông Pha-băng là Thủ đô của Vương triều Lan Xang thế kỷ thứ
14, thời kỳ hưng thịnh của Lào dưới triều Vua Xê-tha-thi-lát, nhưng từ năm 1545
chiến tranh xảy ra liên miên, Vua Xê-tha-thi-lát quyết định rời kinh đô đến
Viêng Chăn. Trước năm 1975, nó vẫn là thủ đô hoàng gia, trung tâm của Vương
quốc Lào. Ngày nay, nó là tỉnh lỵ của tỉnh Luông Pra Băng. Luông Pha Băng có
129 điểm du lịch, với nhiều di tích lịch sử, tôn giáo, chùa và làng cổ kính với
những kiến trúc và chạm trổ độc đáo, có cố cung hoàng gia, thác nước Tát
Khoang-xi, được ca ngợi như "viên ngọc xanh giữa rừng nhiệt đới".
Luông Pha-băng đã được UNESCO công nhận là di tích lịch sử và văn hóa của thế
giới năm 1995.
Cánh đồng chum
- một di tích khảo cổ học nằm ở tỉnh Xiêng Khoảng có khoảng 2.000 cái chum lớn
nhỏ ở 52 địa điểm nằm rải rác tại chân dãy núi Trường Sơn. Kích thước của các
chum đá dao động khoảng từ 0,5 đến 3m, trọng lượng lên đến 6000 kg và có niên
đại khoảng 1500 đến 2000 năm.
Các câu chuyện
huyền thoại của người Lào cho rằng có những người khổng lồ đã từng định cư ở
khu vực này. Theo một truyền thuyết khác, một vị vua cổ đại tên là Khun Cheung - đã tiến hành cuộc
chiến chống lại kẻ thù thành công. Ông đã cho tạo lập cánh đồng chum để ủ lên
men và chứa số lượng lớn rượu gạo lao lao để ăn mừng chiến thắng. Cánh
đồng chum mang trong mình những bí ẩn
của một nền văn hoá, một thế giới tâm linh mà cho đến bây giờ vẫn chưa rõ về
xuất xứ…
Đất nước, con người và nền văn hoá Lào quả là
đang mang trong mình nguốn sức mạnh vô biên, ẩn chứa biết bao điều kỳ diệu, đó
chính là tiềm năng và là nguồn nội lực to lớn. Tiềm năng và nguồn lực to lớn đó
đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào trân trọng, giữ gìn, bồi
đắp và phát huy trong thời đại mới, thời đại hội nhập và phát triển.
Chuyên đề 10
CẦN LÀM GÌ ĐỂ GÌN GIỮ, PHÁT HUY TÌNH CẢM HỮU NGHỊ ĐẶC BIỆT VIỆT NAM-
LÀO
------
Là hai nước
láng giềng có nhiều nét tương đồng về văn hóa, Việt Nam và Lào đã chung tay viết nên
những trang sử hào hùng của hai dân tộc. Tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai Đảng,
hai nước Việt - Lào và sự gắn bó keo sơn giữa dân tộc Việt Nam và nhân dân các
bộ tộc Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phômvi hản trực tiếp
gây dựng nền móng, được các thế hệ lãnh đạo kế tục của hai Đảng, hai nước, cùng
nhân dân hai nước quý trọng, nâng niu và dày công vun đắp.
Trải qua nhiều
giai đoạn và biến cố của lịch sử, hai nước Việt Nam - Lào cùng tựa lưng vào dải
Trường Sơn hùng vĩ, sát cánh bên nhau, xây đắp quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt
Nam - Lào cao đẹp, mẫu mực, thủy chung, hiếm có trong lịch sử quan hệ quốc tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Việt - Lào hai nước chúng ta - Tình sâu hơn nước
Hồng Hà, Cửu Long”. Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản cũng từng nói: “Trong lịch sử cách
mạng thế giới đã có nhiều tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản,
nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt
lâu dài và toàn diện như vậy”.
Sau khi Việt Nam hoàn thành
sự nghiệp thống nhất đất nước và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ra đời vào
năm 1975, quan hệ Việt - Lào đã chuyển sang giai đoạn mới. Đó là mối quan hệ
hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng và hai Nhà nước
mà bằng chứng sinh động là Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào được ký ngày 18/7/1977.
Tình đoàn kết
đặc biệt giữa hai nước đã góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường
quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trong
thời kỳ mới. Trong các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước, hai bên luôn khẳng
định quan điểm nhất quán, tiếp tục coi trọng và dành mọi ưu tiên cho việc củng
cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn
diện Việt Nam - Lào, coi đây là tài sản vô giá cần gìn giữ và truyền lại cho
muôn đời con cháu mai sau
Những thành
tựu to lớn về kinh tế-xã hội sau hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới và
những chuyển biến quan trọng trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào,
Lào - Việt Nam trong những năm qua đã tạo nên những điều kiện vật chất to lớn
thúc đẩy việc tiếp tục tăng cường hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào - Việt
Nam trong giai đoạn mới.
Để tăng cường
hợp tác toàn diện, đưa quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam
lên tầm cao mới cần bổ sung và điều chỉnh cơ chế, chính sách, chương trình và
tổ chức chỉ đạo hợp tác cho phù hợp với thực tế và những đòi hỏi mới của sự hợp
tác toàn diện giữa hai nước. Đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc
tế và khu vực hiện nay và những năm tới, càng cần phải đẩy nhanh việc điều chỉnh
kịp thời, linh hoạt các nội dung đã thỏa thuận bằng các văn bản hợp tác nhằm
tạo điều kiện cho các tổ chức, đơn vị hợp tác thực hiện có hiệu quả những mục
tiêu chiến lược hợp tác đã đặt ra.
Trong quá
trình tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện, hai bên cần luôn luôn tôn trọng
đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa
các quan hệ đối ngoại của nhau.
Trong quan hệ
hợp tác kinh tế sắp tới cần phải chú trọng tính thực chất, hiệu quả và chất
lượng. Có nghĩa là, các chương trình hợp tác, nhất là từ phía Việt Nam (các dự án của Việt Nam đầu tư vào Lào) phải phù hợp
với yêu cầu của công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và an
ninh quốc gia của Lào. Việt Nam cần ưu tiên các dự án hợp tác với Lào phù hợp
với qui hoạch và kế hoạch phát triển của Lào đã được vạch ra tại các kế hoạch 5
năm 2006-2010 và tầm nhìn đến 2020 của Lào. Đó là các dự án hợp tác về phát
triển thủy điện với Lào, dự án xây dựng đường giao thông ra biển; các dự án hợp
tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Việt Nam và
Lào cần phải phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt trở
thành động lực thúc đẩy ngày càng mạnh mẽ hợp tác toàn diện, đặc biệt là hợp
tác kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển của mỗi nước, đưa hợp tác toàn diện
Việt Nam-Lào, Lào - Việt Nam trong thời gian tới ngang tầm với quan hệ truyền
thống đặc biệt giữa hai nước chúng ta.
Tính chất đặc
biệt của quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam khác căn bản với các quan hệ
đối tác thông thường ở chỗ nó là quan hệ hợp tác toàn diện bao gồm cả chính
trị, an ninh, kinh tế, văn hóa... và ưu tiên, ưu đãi cho nhau cao hơn cả các
quan hệ song phương khác. Cần có một nhận thức thống nhất của cán bộ và nhân
dân hai nước về tính chất đặc biệt này. Cả hai bên cần có tầm nhìn rộng hơn,
toàn diện và lâu dài hơn chứ không chỉ ở các lợi ích kinh tế thuần túy và ngắn
hạn.
Để tăng cường
quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào - Việt Nam trong giai đoạn mới, cần
tập trung tiếp tục thực hiện những định hướng lớn đã được thỏa thuận giữa hai
Bộ Chính trị tháng 1-2008 tại Viêng Chăn và tiếp tục thực hiện 6 chương trình
mục tiêu đã được thỏa thuận tại Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ giai đoạn
2006-2010. Thực hiện thắng lợi chương trình hợp tác giai đoạn 2006-2010 sẽ tạo
những tiền đề vật chất cần thiết cho việc xây dựng chiến lược hợp tác Việt
Nam-Lào, Lào-Việt Nam giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến 2020.
Định hướng cơ
bản của chiến lược hợp tác Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là:
“Phát huy truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào - Việt Nam trở thành
động lực tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế, góp phần thực
hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập của mỗi nước”. Trong đó,
không ngừng nâng cao nhận thức và làm sâu sắc thêm quan hệ đặc biệt Việt
Nam-Lào, Lào - Việt Nam trong hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật tạo
sự chuyển biến mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế ngang tầm với quan hệ truyền
thống giữa hai nước. Thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo: coi trọng, phát triển và củng
cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện
giữa hai nước và coi đây là nhiệm vụ có tầm chiến lược to lớn, thiết thực phục
vụ lợi ích đảm bảo ổn định an ninh chính trị và phát triển của mỗi nước. Coi
hợp tác và nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là
nhiệm vụ chiến lược lâu dài giữa hai nước nhằm hình thành một thế hệ mới kế cận
có đầy đủ năng lực và nhận thức một cách sâu sắc về mối quan hệ hữu nghị truyền
thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước, tạo lòng tin
vững chắc, lâu dài lẫn nhau, góp phần tăng cường bền vững mối quan hệ giữa hai
Đảng và hai Nhà nước. Đặc biệt coi trọng đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ
chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ các cấp của các địa phương Lào, cán bộ làm
việc ở các dự án giữa hai nước; kết hợp hài hòa giữa đào tạo và bồi dưỡng, giữa
số lượng và chất lượng, giữa đào tạo chính qui các bậc học với đào tạo nghề.
Thường xuyên
phối hợp và cụ thể hóa quan điểm về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt
Nam trên tinh thần các tuyên bố chung và thỏa thuận cấp cao giữa lãnh đạo hai
Đảng, hai Nhà nước vào các nội dung hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật
giữa hai nước. Từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác trên nguyên
tắc bình đẳng, cùng có lợi và tinh thần quan hệ đặc biệt theo luật pháp của mỗi
nước trên cơ sở những nội dung sau:
- Tiếp tục đầu
tư và phát huy những tiềm năng, lợi thế của hai nước nhằm bổ sung nguồn lực cho
nhau, phù hợp với mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước
theo từng giai đoạn, góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa
của Lào trong 10 năm tới, đưa nước Lào thoát khỏi nước kém phát triển vào năm
2020.
- Phấn đấu
tăng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 2 tỷ USD vào năm 2015 và 5 tỷ USD
vào năm 2020. Quan tâm đặc biệt tới việc bảo đảm kết nối giao thông đường bộ
trên các trục huyết mạch và các tuyến kết nối qua biên giới với các cảng biển
của Việt Nam để phục vụ đầu tư, thương mại và hội nhập giữa hai nước trên
nguyên tắc đầu tư đồng bộ và đồng thời giữa hai bên.
- Tăng cường
và nâng cao vai trò hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa các bộ, ngành, tổ chức, địa
phương và doanh nghiệp hai nước. Gắn phát triển kinh tế - xã hội với quốc
phòng, an ninh, đặc biệt là các địa phương có chung đường biên giới nhằm phát
triển các địa phương khu vực biên giới trở thành hậu phương chiến lược vững
chắc, ổn định, hòa bình, hữu nghị, hợp tác lâu dài, tạo sự gắn bó, tin tưởng
lẫn nhau lâu dài.
- Hai bên phối
hợp chặt chẽ việc rà soát, bổ sung sửa đổi các văn bản thỏa thuận, phối hợp xây
dựng cơ chế, chính sách mới phù hợp với luật pháp và tình hình thực tế mỗi
nước, thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước và thông lệ quốc tế, tạo sự
chuyển biến trong hợp tác kinh tế cũng như hội nhập quốc tế và khu vực của mỗi
nước.
- Phối hợp
chặt chẽ trong việc thực hiện các cam kết và có sự đồng thuận trong các khuôn
khổ hợp tác đa phương đối với những vấn đề có liên quan đến hai nước.
Trên cơ sở
những kết quả to lớn của sự hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam những
năm qua, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước thống nhất đặt ưu tiên cao
nhất cùng phấn đấu nâng quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam
lên tầm cao mới, theo phương châm chất lượng và hiệu quả, góp phần
giữ vững ổn định an ninh chính trị, tăng trưởng kinh tế bền vững, hội nhập ngày
càng sâu rộng và có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế. Để đạt được mục tiêu
này, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí trước hết tiếp tục củng cố, tăng
cường sự gắn bó, tin cậy và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong những vấn đề
có tính chiến lược giữa hai Đảng, hai nước; duy trì các cuộc gặp cấp cao truyền
thống. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức phong phú, hiệu
quả và thiết thực về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt
và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam cho toàn thể cán bộ, đảng viên
và nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ thanh thiếu niên hôm nay và mai sau./.
Chuyên đề 11
TẠI SAO HAI NƯỚC VIỆT NAM- LÀO
PHẢI YÊU THƯƠNG GẮN BÓ CHẶT CHẼ VỚI NHAU
-----------
Trong lịch sử
quan hệ quốc tế từ xưa tới nay, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam
là một điển hình, một tấm gương mẫu mực, hiếm có về sự gắn kết bền chặt, thủy
chung, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc, đấu tranh vì độc lập, tự do
và tiến bộ xã hội.
Hai nước Việt Nam -
Lào có lịch sử gắn bó rất lâu đời với nhau trong suốt chiều dài dựng nước và
giữ nước của mỗi dân tộc. Trong chiều dài lịch sử ấy, nhân dân hai nước đã
“chung lưng đấu cật” để xây dựng mỗi nước phát triển. Là hai nước láng giềng có
nhiều nét tương đồng về văn hóa, Việt Nam và Lào đã chung tay viết nên
những trang sử hào hùng của hai dân tộc. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu
đời Việt Nam - Lào bắt nguồn từ tình cảm láng giềng thân thiết, sự gắn bó keo
sơn giữa dân tộc Việt Nam và nhân dân các bộ tộc Lào đã trải qua muôn vàn thử
thách, được nhiều thế hệ lãnh đạo hai Đảng và nhân dân hai nước, đặc biệt là
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản kính mến trực tiếp gây
dựng nền móng, được các thế hệ lãnh đạo kế tục của hai Đảng, hai nước, cùng
nhân dân hai nước quý trọng, nâng niu và dày công vun đắp, không ngừng phát
triển và trở thành mối quan hệ đặc biệt, thủy chung, trong sáng và là mẫu mực
hiếm có trong quan hệ quốc tế hiện nay.
Chủ tịch Hồ
Chí Minh từng nói: “Hai dân tộc Việt và Lào sống bên nhau trên cùng một dải
đất, cùng có chung một dãy núi Trường Sơn. Hai dân tộc chúng ta đã nương tựa
vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau... Tình nghĩa láng giềng anh em Việt - Lào thật là
thắm thiết không bao giờ phai nhạt được”. Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản cũng nói:
“Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt sẽ mãi mãi vững
bền hơn núi, hơn sông”. Tư tưởng lớn của hai nhà lãnh đạo đã trở thành kim chỉ
nam soi đường, chỉ lối, được Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước thực hiện
nhất quán trong suốt những năm tháng chiến đấu chống kẻ thù chung, giành độc
lập, thống nhất đất nước đến hòa bình, xây dựng, đổi mới, hội nhập và phát
triển.
Đặc biệt,
trong nhiều giai đoạn lịch sử, hai dân tộc Việt Nam - Lào đều có chung một kẻ thù
xâm lược. Vị trí địa lý và lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của mỗi dân
tộc đã gắn kết hai nước trở nên gần gũi, thân thiện. Theo đó, quá trình chiến
đấu của mỗi nước phải dựa vào nhau để chống kẻ thù chung, bảo vệ dân tộc, bảo
vệ đất nước. Vì vậy, quân và dân hai nước Việt Nam- Lào luôn sát cánh bên nhau
chống lại kẻ thù chung vì độc lập của mỗi nước, vì hạnh phúc của nhân dân và
mỗi dân tộc.
Trải qua nhiều
giai đoạn và biến cố của lịch sử, hai nước Việt Nam - Lào cùng tựa lưng vào dải
Trường Sơn hùng vĩ, sát cánh bên nhau, xây đắp quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt
Nam - Lào cao đẹp, mẫu mực, thủy chung, hiếm có trong lịch sử quan hệ quốc tế.
Truyền thống quan hệ hữu nghị, đoàn kết vĩ đại và sự hợp tác toàn diện giữa hai
Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh
vĩ đại và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản kính yêu đã sáng lập, gìn giữ và được kế
tục, phát triển bởi các thế hệ lãnh đạo, các chiến sỹ cách mạng và nhân dân hai
nước Lào - Việt Nam. Trong suốt nhiều thập kỷ qua, hai nước đã cùng nhau lập
những chiến công hiển hách, giành độc lập dân tộc cho cả hai dân tộc; Mọi thắng
lợi của Cách mạng Lào đều gắn chặt với sự giúp đỡ, ủng hộ mạnh mẽ, hy sinh to
lớn của nhân dân Việt Nam anh em với tinh thần đồng chí chung một chiến hào,
“hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” cùng đồng cam cộng khổ, từng bước đi tới
thắng lợi cuối cùng, chiến thắng đế quốc xâm lược và phát triển đất nước theo
con đường chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, mối quan hệ đó trở thành di sản quý giá,
thành quy luật tồn tại và phát triển của hai nước và cũng là mối quan hệ thủy
chung, trong sáng, đặc biệt và hiếm có trong quan hệ quốc tế.
Sau ngày Việt Nam hoàn thành
sự nghiệp thống nhất đất nước và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ra đời vào
năm 1975, quan hệ Việt - Lào đã chuyển sang giai đoạn mới. Đó là mối quan hệ
hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng và hai Nhà nước
theo Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào được ký ngày 18/7/1977.
Hiệp ước đã tạo khung pháp lý thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện. Hàng loạt các
văn bản, hiệp định hợp tác được ký kết, tạo ra những bước chuyển to lớn về chất
trong quan hệ đặc biệt giữa hai Chính phủ trên tất cả các lĩnh vực chính trị,
kinh tế, đối ngoại, an ninh, quốc phòng, giáo dục, y tế, văn hóa,... Sự hợp tác
chặt chẽ giữa hai Chính phủ đã tạo ra mối liên kết gắn bó hữu cơ, bổ trợ lẫn
nhau và tạo môi trường thuận lợi đối với sự nghiệp phát triển của cả Việt Nam và
Lào.
Bước vào thời
kỳ đổi mới với muôn vàn khó khăn, Chính phủ hai nước phải đổi mới cả về nội
dung, phương thức và cơ chế hợp tác để giữ vững và phát huy hiệu quả quan hệ
hữu nghị và hợp tác toàn diện, đặc biệt Việt Nam - Lào.
Chiến lược hợp
tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong thời gian tới (2011 - 2015
và tầm nhìn đến 2020) được xây dựng và thực hiện trong bối cảnh quốc tế, khu
vực và ở từng nước có những thuận lợi và khó khăn đan xen cùng những chuyển
biến rất mau lẹ, tác động trực tiếp đến quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai
nước.
Bối cảnh quốc
tế và khu vực có những thuận lợi và khó khăn, nhiều cơ hội đang mở ra cho quan
hệ hợp tác giữa hai nước, đồng thời cũng đang phải đối mặt với những thách thức
rất lớn. Các nước lớn và các nước phát triển tăng cường hợp tác với ASEAN và
các tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập
kinh tế quốc tế diễn ra với tốc độ nhanh và ngày càng sâu sắc.
Toàn cầu hoá
và hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực là đang là xu thế phổ biến hiện nay và
trụ lực chính của tiến trình này là tự do hoá thương mại. Khu vực Đông Nam Á
nói chung và tiểu vùng Mê Công nói riêng đang gia tăng mạnh mẽ các lộ trình họi
nhập trên nhiều cấp độ. Với vị trí quan trọng của khu vực Châu Á- Thái Bình
dương,, các nước lớn và phát triển ngày càng quan tâm và tăng cường mở rộng
quan hệ, đặc biệt là hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư vào khu vực này, góp
phần tạo nên diện mạo mới cho khu vực. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát
triển của mỗi nước GMS, trong đó có Việt Nam và Lào.
Tuy nhiên đây
cũng sẽ là tâm điểm của sự tranh giành quyền lực và ảnh hưởng của các nước lớn
và các nền kinh tế phát triển, tác động tiêu cực đén ASEAN và GMS, trong đó có
Việt Nam
và Lào. Mặt khác, vượt ra ngoài những nội dung hội nhập kinh tế, các vấn đề về
chính trị và an ninh nãy sinh trong sự tương tácvề quan hệ lợi ích chiến lược
giữa các nước lớn với nhau và những tham vọng và các nước này đối với khu vực,
rất có thể đẩy các nước trong khu vực tới những bất ổn khó lường.
Mặt khác, hợp
tác giữa các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng(GMS) diễn ra mạnh mẽ và ngày càng
có hiệu quả. Công cuộc đổi mới đất nước Việt Nam và Lào với tốc độ phát triển
ngày càng nhanh và bền vững, cùng những kết quả hợp tác đạt được giữa Việt Nam
và Lào đòi hỏi phải tăng cường toàn diện trong giai đoạn mới. Vì vậy, trong
thời gian tới Việt Nam
và Lào phải có sự phối hợp nhịp nhàng, đổi mới quan hệ hợp tác toàn diện phù
hợp với bối cảnh mới.
Việt Nam và
Lào sống bên nhau tại hai triền Đông và Tây Trường Sơn hùng vĩ, rất thuận lợi
cho sự phát triển phong phú của động vật, thực vật lại được bổ sung bởi nhiều
hang động, rừng nguyên sinh kỳ thú, thuận lợi cho du lịch. Nơi đây có nhiều
sông suối chảy dốc từ núi cao đổ xuống, tạo lợi thế cho khai thác thủy điện.
Trường sơn còn
là một tường thành vững chắc cho quân dân hai nước nương tựa nhau chống giặc
ngoại xâm.
Về kinh tế,
hai nước có thể bổ sung cho nhau thế lợi về biển cả của Việt Nam, đường bộ
của Lào đi sâu vào lục địa châu Á, cùng các nguồn tài nguyên phong phú do mỗi
nước quản lý.
Ngoài những
điều kiện trên, hai nước Việt Nam, Lào có một ưu thế nổi trội vô cùng quý giá
là quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam mà hai Đảng, hai dân tộc cần
luôn luôn vun đắp, bảo vệ và phát huy trong mọi hoạt động chính trị, tư tưởng,
kinh tế, quốc phòng an ninh, ngoại giao, văn hoá, giáo dục đào tạo nhân lực,
nhân tài.
Tình đoàn kết
đặc biệt giữa hai nước đã góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường
quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trong
thời kỳ mới. Trong các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước, hai bên luôn khẳng
định quan điểm nhất quán, tiếp tục coi trọng và dành mọi ưu tiên cho việc củng
cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn
diện Việt Nam - Lào, coi đây là tài sản vô giá cần gìn giữ và truyền lại cho
muôn đời con cháu mai sau, đòi hỏi hai nước Việt Nam- lào phải yêu thương gắn
bó chặt chẽ với nhau, giữ cho quan hệ đặc biệt Việt –Lào muôn đời bền vững.
Trong quan hệ
hữu nghị ở tầm quốc gia đó cùng với bề dày lịch sử, tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet;
Salavan là những người bạn thủy chung son sắt từ trong cuộc kháng chiến chống
kẻ thù chung cho đến nay. Phát huy tình đoàn kết trong sáng, thuỷ chung giữa 2
dân tộc trong kháng chiến chống kẻ thù chung, ngày nay Quảng Trị đã có mối quan
hệ hợp tác với hai tỉnh Savannakhet và Salavan trên nhiều lĩnh vực, đạt được
những thành quả quan trọng, vun đắp cho tình đoàn kết hữu nghị Việt –Lào muôn
ngày càng tốt đẹp và bền vững.
(Theo LĐLĐQT)