Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

BI HÀI… HẬU TÂY DU KÝ

(Vè chống tiêu cực ở nông thôn - sưu tầm)
  
Trạng Trình xưa :
Nguyễn Bỉnh Khiêm
Viết ra sách Sấm những trang thiên tài
Nói rằng: Tuất Hợi niên lai
Có cơm có gạo chẳng ai ăn cùng
Ngẫm lời truyền tụng cha ông…

Suy ra giờ đã rõ
Mới qua năm con chó
Việc dân sự tỏ tường
Đã đảo lộn kinh hoàng
Đảo từ trên xuống dưới

Mọt hết thời rơi xuống
Mối lợi thế ngoi lên
Hậu thổ lên hoàng thiên
Hoàng thiên về hậu thổ

Nhìn việc thời chưa rõ
Nắm việc thế chưa tài
Trước Phật tổ Như Lai
Xưng mình là Đại Thánh
Mối cho mình Đại thánh

Phúc cha ông chưa mạnh
Đức phụ mẫu chưa dày
Nhờ Phật Bà cao tay
Giúp Tề Thiên biết mấy
Cứu mối vàng biết mấy

Chắc bà con đều thấy
Toàn một lũ bợm già
Người ta hại dân ta
Cõng rắn cắn gà nhà

Ngô Dy, Nguyễn Giao, Bùi Đào
Máu sa thịt nát
Kẻ la hết hơi
Người cười khúc khích
Bàn cỗ liên hoan
Rượu thịt tưng bừng
Tưởng rằng chị ngã, em nâng
Ai ngờ em ngã
Chị bưng (che) miệng cười…
Kêu van Đại Thánh đâu rồi?

Múa như ý, tìm đồng tiền đại náo
Hỡi những kẻ chuyên quyền ẩn náu
Nấp dưới chiêu bài
Ném đá dấu tay
Bịt mặt bịt mày
Rước voi về dày mả tổ
Dân tình ngắn cổ
Kêu nỏ (chẳng) thấu rời
Ngậm đắng nuốt cay
Còng lưng chịu tội…

Nào có thấy Đường Tăng
Chỉ toàn Trư Bát giới
Không riêng chi ngày hội
Trư mới húc mõm vào
Sống với nghĩa dưới đồng bào
Trư cũng tìm quấy phá…

Thương vợ chồng Chuyên Thìn vất vả
Gỗ bị tịch thu do khai thác trái ý đồ
Vợ con ở nhà nhịn khát, nhịn khô
Lim cũng chuyền đi
Nhắm (uống) rượu.

Thương ông con!
Chộ (thấy) tiền trăm bạc triệu
Cầm đồ bảo bối đứng canh
Vẫn một mực trung thành
Với Tề Thiên Đại Thánh
Dù đêm khuya ngày lạnh
Dù gió kép mưa đơn
Vẫn bảo vệ cơ quan...
Nhưng chỉ canh phần hồn
Xác đã chuồn đâu cả
Hợp thức dần tất cả

Gỗ ơi gỗ dối trá
Gỗ dối cả lòng dân
Gỗ có phép thân thông
Biết bay và biết biến?

Đội lốt người xuất hiện
Tay nắm chắc đinh ba
Sục vào tận trong nhà
Dọa bà Hùng lấy cá
Đòi mổ mèo lấy cá

Thương tình cho Trư quá
Gặp phải phép yêu tà
Bèn thu vội đinh ba
Theo Tề Thiên Đại Thánh…

Hỡi những phường mặt lạnh
Chuyên hám của hại dân
Giả đại thánh đại thần
Chỉ là quân dối trá
Ngoài khoác áo nhà sư thầy cả
Miệng với mồm tụng niệm nam mô
Trong dạ dao găm một bồ
Chuyên hủ hóa, tham ô đục khoét…

Hỡi Phật tổ Như Lai có biết
Chiếu đèn trời soi xuống trần gian
Bắt bầy đồ đệ
Nấp dưới bóng Đường Tăng
Đổi số
Thay cung
Tha hồ làm loạn
Dân bất bình vô hạn
Thấy hạ giới bất công
Kẻ thẳng lưng cưỡi cổ thằng còng
Quyền trong tay một lũ mục đồng
Tâm vị kỷ đâu vì người khác

Hỡi đọc giả thông minh uyên bác
Thả hồn vào sử tích dân gian
Chuyện bi hài “Cướp lại trị gian”
Gian của dân tham lam kiếm sống
Lời cảnh tỉnh thay hồi chuông báo động
Cho lớp cầm cương xã hội mai sau
Noi Đường Tăng liêm khiết hàng đầu
Tâm có đẹp lòng dân càng mến phục

Kinh sử làu thông nâng cao nhận thức
Dẫn dắt dân lành vững bước đi lên
Gương Như Lai toả sáng mọi miền
Xây xã hội bình yên hạnh phúc
Cho Khe Tuần nước không vấn đục
Cho đường Giàng bớt khúc quanh co
Cầu rào Tiêm vắng những chuyến đò
Khi bất chợt tràn về cơn lũ…

Tây du ký trích vài dòng tâm sự
Bạn đời ơi ghi nhớ trong lòng
Qua đêm dài sẽ sáng vầng dương
Mối mọt tàn tất phải dày công
Sau mưa trời lại sáng…

ST: TẾ LAM
1987


Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

NHÀ THƠ PHÙNG QUÁN


Bí mật 30 năm của Phùng Quán
TP - Phùng Quán làm bài thơ Lời mẹ dặn khi mình mới một tuổi (1957). Bị cấm đoán lung tung nhưng bảy tuổi mình đã biết, còn được đọc cả bài thơ, đơn giản vì ba mình rất thích bài này.
Phùng Quán thời trẻ

Cạnh nhà mình có bác Thông công an. Hình như hồi đó bác làm trưởng hay phó ty công an tỉnh Quảng Bình, cũng rất thích bài này.
Khi nào hai cụ ngồi với nhau cũng đều nhắc Phùng Quán, Trần Dần. Có người thì hai cụ nói tiếng Pháp, vắng người thì các cụ cứ oang oang không kiêng dè gì, mặc kệ mình đứng ôm cột nhà hóng chuyện. 
Còn bé chẳng thấy hay gì, chỉ thấy đúng. Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng không nói yêu thành ghét/ Dù ai cầm dao dọa giết/  Cũng không nói ghét thành yêu . Giống y chang ba mạ, cô thầy vẫn dạy, có gì đâu nhỉ?
Sau này chơi thân với Phùng Quán, anh mới kể bí mật mà anh đeo đuổi chẵn ba chục năm vì bài thơ này.
Nghĩ cũng hay hay, bài thơ như một chân lý hiển nhiên ấy lại làm cho thời đó xôn xao, đi đâu cũng thì thào thì thầm, như phát hiện gì ghê gớm lắm. Bài thơ bị qui chụp là biểu tượng hai mặt, mưu đồ đen tối của lực lượng thù địch.
Anh Quán nói, thực ra mình viết bài thơ Chống tham ô lãng phí với Lời mẹ  dặn như những góp ý với Đảng thôi, vì mình nghĩ mình là chiến sĩ, không dám nói thật cho Đảng biết thì ai nói. Cho nên mới có câu này: Trung ương Đảng ơi! /Lũ chuột mặt người chưa hết/ Đảng cần lập những đội quân trừ diệt/ Có tôi/ Đi trong hàng ngũ tiên phong. Khi đó Đảng hô một phát là mình vác súng xung phong ngay, mưu đồ gì đâu.
Một tối ở chòi Ngắm sóng (nhà riêng Phùng Quán ở bờ Hồ Tây - BTV), anh rút tiền, nói Lập đi mua cho anh chai rượu, anh kể chuyện này hay lắm. Chỉ chai rượu trắng với nhúm lạc rang, hai anh em ngồi gần sáng đêm.
Anh kể, hồi đó phê phán chỉ trích đánh đấm anh rất nhiều. Đánh đau nhất, độc nhất, là bài thơ  Lời mẹ dặn- thật hay không dài 112 câu của Trúc Chi.
Hỏi Trúc Chi là ai, anh nói từ từ cái đã, rồi ngâm nga cả bài thơ, không quên câu nào. Chứng tỏ anh đã đọc đi đọc lại bài thơ này trăm lần là ít suốt mấy chục năm qua. Hồi ấy hễ ai bị phê ở báo, dù chỉ nhắc bóng gió một câu thôi, cầm chắc đời tàn. Thế mà cả bài thơ 112 câu dài dằng dặc, chụp mũ anh không thiếu một thứ gì.
Nào là Nó ghét chỗ thầy hiền bạn tốt/Nó yêu nơi gái điếm cao bồi/ Ghét những người đáng yêu của thiên hạ/Yêu những người đáng ghét của muôn người/ Quen học thói gà đồng mèo mả/ Hóa ra thân chó mái chim mồi...
Nào là Theo lẽ thường: Thì sét đánh không ngã/ Chắc trên đầu có cột thu lôi/ Nếm đường mật lưỡi không biết ngọt/ Chắc ăn tham vị giác hỏng rồi/ Nghề bút giấy đã làm không trọn/ Dùng dao khắc đá cũng xoàng thôi...
Mình nói qui kết tàn bạo thế, anh không bị tù tội là may. Đột nhiên anh nhìn thẳng vào mặt mình, nói hơn ba chục năm qua chỉ làm một việc là tìm cho ra Trúc Chi là ai.
Anh  trầm ngâm hồi lâu, uống hết chén rượu, nói sở dĩ quyết tìm cho ra Trúc Chi, vì đời mình tan nát cũng vì ông này chứ không ai khác.Tìm để biết ông ta là ai, rứa thôi, ngoài ra không có ý chi hết. Khi đó nhiều người cho mình dại, chẳng để làm gì, nhỡ người ta biết mình đi tìm, có khi thiệt thân.
Hồi đó cả nước chỉ có mỗi anh Trúc Chi làm thơ ở Hải Phòng, cán bộ tập kết, thỉnh thoảng lên Hà Nội vẫn gặp Phùng Quán chuyện trò rất vui vẻ. Phùng Quán đi tàu về Hải Phòng hỏi cho ra nhẽ. Trúc Chi cười buồn, nói anh nghĩ tôi là hạng người nào lại đi làm mấy trò đó.
Phùng Quán bế tắc, đôi khi nghi người nọ người kia nhưng tóm lại là không phải. Năm 1989, tình cờ người bạn gửi cho anh tập thơ Một đôi vần của Trúc Chi do NXB Văn hoá Dân tộc Việt Bắc ấn hành, trong đó in nguyên bài thơ Lời mẹ dặn - thật hay không. Lời nói đầu cho biết Trúc Chi là Hoàng Văn Hoan.
Bí mật ba mươi năm giải tỏa.
Nguyễn Quang Lập


Lời mẹ dặn..
Tôi mồ côi cha năm hai tuổi

Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.

Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ

Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn.
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc
- Con ơi -
trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.

- Mẹ ơi, chân thật là gì ?

Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
- Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.

Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.

Từ ấy người lớn hỏi tôi :

- Bé ơi, bé yêu ai nhất ?
Nhớ lời mẹ tôi trả lời :
- Bé yêu những người chân thật.

Người lớn nhìn tôi không tin

Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không ! Những lời dặn đó
Như trang giấy trắng tuyệt vời,
In lên vết son đỏ chói.

Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi

Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Những lời mẹ dặn thủa lên năm
Vẫn nguyên vẹn mầu son chói đỏ.

Người làm xiếc đi dây rất khó

Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.

Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.

Tôi muốn làm nhà văn chân thật

Chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

- Phùng Quán -

Trích : tập thơ "Thơ với tuổi thơ"
-----------------------------



CHỐNG THAM Ô LÃNG PHÍ

Phùng Quán

Tôi đã đi qua
Những xóm làng chiến tranh vừa chấm dứt
Tôi đã gặp
Những bà mẹ quấn giẻ rách
Da đen như củi cháy giữa rừng
Kéo dây thép gai tay máu ròng ròng
Bởi đồn giặc, trồng ngô trỉa lúa...
Tôi đã đi qua
Những xóm làng vùng Kiến An, Hồng Quảng
Nước biển dâng cao ướp muối các cánh đồng
Hai mùa rồi, lúa không có một bông
Phân người toàn vỏ khoai tím đỏ;
Tôi đã gặp
Những em thơ còm cõi
Lên năm lên sáu tuổi đầu
Cơm thòm thèm độn cám và rau
Mới tháng ba đã ngóng mau ra Tết!
Để được ăn no có thịt
Một ngày... một ngày...
Tôi đã đi giữa Hà Nội
Những đêm mưa lất phất
Đường mùa đông nước nhọn tựa dao găm
Chị em công nhân đổ thùng
Run lẩy bẩy chui hầm xí tối
Vác những thùng phân...
Thuê một vạn một thùng
Mấy ai dám vác?
Các chị suốt đêm quần quật
Sáng ngày vừa đủ nuôi con...
Một triệu bài thơ không nói hết nhọc nhằn
Của nhân dân lao động
Đang buộc bụng, thắt lưng để sống
Để dựng xây, kiến thiết nước nhà
Để yêu thương, nuôi nấng chúng ta
Vì lẽ đó
Tôi quyết tâm từ bỏ
Những vườn thơ đầy bướm đầy hoa
Những vần thơ trang kim vàng mã
Dán lên quân trang đẫm mồ hôi và máu tươi Cách Mạng!
Như công nhân
Tôi quyết đúc thơ thành đạn
Bắn vào tim những kẻ làm càn
Vào lũ người tiêu máu của dân
Như tiêu giấy bạc giả!
Các đồng chí ơi
Tôi không nói quá
Về Nam Đinh mà xem
"Đài xem lễ" họ cao hứng dựng lên
Nửa chừng bỏ dở
Mười một triệu đồng dầm mưa giãi gió
Mồ hôi máu đỏ mốc rêu
Những con chó sói quan liêu
Nhe răng cắn rứt thịt da cách mạng!
Nghe gió mùa đông thâu đêm suốt sáng
Nhớ "Đài xem lễ" tôi xót bao nhiêu
Đất nước đêm nay không đếm hết người nghèo
Thiếu cơm thiếu áo...
Bọn tham ô, lãng phí, quan liêu
Đảng đã phê bình trên báo
Còn bao tên chưa ai biết ai hay?
Lớn, bé, nhỏ, to, cao, thấp, béo, gầy...
Chúng nảy nòi, sinh sôi như dòi bọ!
Khắp đất nước đâu đâu chẳng có!
Đến một ngày Đảng muốn phê bình tất cả
E phải nghìn số báo Nhân dân!
Tôi đã dự những phiên toà xử tội
Những con chuột mặc áo quần bộ đội
Đục cơm khoét áo chúng ta
Ăn cắp máu dân đổi chác đồng hồ
Kim phút kim giờ lép gầy như bụng đói
Những mẹ già, em trai, em gái...
Còng lưng rỏ máu lấn vành đai!
Trung ương Đảng ơi!
Lũ chuột mặt người chưa hết.
Đảng cần phải lập những đội quân trừ diệt
Có tôi!
Đi trong hàng ngũ tiên phong.

1956




Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

CHÀO MỪNG NGÀY 8-3

CHÚC EM YÊU SỨC KHỎE, BÌNH AN VÀ HẠNH PHÚC...

Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

QUÀ QUÊ




Ai về Hương Vĩnh quê choa
Sông Tiêm uốn khúc chợ Gia rộn ràng...

-------------------

TẶNG CÁC BẠN TỈNH XA VỀ HÀ TĨNH THAM GIA TẬP HUẤN

ĐƯA DÂN CA VÀO TRƯỜNG HỌC

-------------------

Cám ơn anh Nguyễn Văn Thế đã tặng món quà này.


NÓI VỚI VỢ



Eng đi tập huấn nơi xa

Theo lệnh điều động đến ba, bốn ngày

“ Em nhớ: chốt trong, khóa ngoài”

Kẻo thằng “Kẻ trộm” lấy “giày,tất” đi



Từ trong nớ, ra ngoài ni

Hàng trăm cây số, em chi thêm tiền

Cho anh đỡ chút ưu phiền

Xêng xang khách sạn  “hai miền” giao lưu



Xa em biết mấy u sầu

Em an tâm nhé, eng mong mau về

Nhớ em uống méng nác chè

Đợng trong đọi sứ - hương quê ấm lòng



Cà phê má phấn, môi hồng

“Nu, đen” mời gọi bên vòng, bên eo

Chỉ thương cái ví quá bèo

Chộ chi nhởi nấy nên teo mất rồi!



Ngày ăn ba bữa em ơi!

Chương trình tài trợ cứ mời tẹt ga

Chuyện nhiều, eng chỉ sơ qua

Hôm sau về lại, tặng quà…   “Đơ cu”



9-02-2012

TG: NVT

Hương Khê-Hà Tĩnh

 -------------------------

           Eng=anh; Đợng= đựng; nác=nước; méng= miếng; đọi= bát; nu= nâu;  ni=này; nớ= ấy; nhởi=chơi; Đơ cu=cu đơ (kẹo Cu Đơ)