Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

CHUYỆN ÔNG NỘI KỂ

  Đền Thờ Ngô Quyền (Đường Lâm Sơn Tây)
 
    Quê tôi, nơi chảo lửa của miền Trung. Hè đến, nhiệt độ thường nóng nhất nước. Trong cái oi ả, nóng bức của chiều hè, sau bữa cơm chiều, lúc cả nhà quây quần uống "nác" chè xanh, ông tôi thường kể một vài câu chuyện…
   Chuyện của ông nội tôi thường mở đầu: Quê ta ở Đường Lâm, Sơn Tây,…
   Ngày ấy, tôi không tưởng tượng nổi quê tôi là như thế nào… Chỉ biết là nơi ấy là mảnh đất đã sinh ra Ngô Quyền, danh nhân nước Việt, là nơi sinh ra Tướng công Ngô Đăng Minh…là người đã lãnh đạo dân nghèo khai hoang lập ấp tạo nên vùng dân cư trù phú phía nam của Nghệ Tĩnh này. Tôi nghĩ, nơi ấy, quê tổ của tôi thật đẹp, thật hào hùng…
   Họ Ngô từ Sơn Tây, xuất phát thành hai ngả, một nhánh đi sâu vào Quảng Bình lập nghiệp…một nhánh đi lên thượng nguồn sông Ngàn Sâu huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Ông bảo, Tướng công Ngô Đăng Minh đã đưa Họ ta từ Đường Lâm Sơn Tây đến làng Trảo Nha huyện Can Lộc Hà Tĩnh… rồi lập nên xứ Trúc Lâm, Trung Hà, Nam Trạch, Thượng Bình, Qui Hợp... của Huyện Hương Khê.
   Từ thế kỷ 17 đến nay, đã hơn 400 năm ấy, làng tôi giờ đây vẫn còn đó những tên cổ: Thượng ấp, Hạ ấp, Yên Hội... Trong anh em họ hàng thường có câu "Chín đời chưa ra người nể". Nghĩa là chín đời chưa phải người ngoài, phải tìm rõ ngọn nguồn, tránh việc trai gái lấy nhầm nhau ….
   Họ Trần, Trương, Nguyễn, Bạch là anh em… nhà tôi mang họ Trần. Ông nội kể, ngày ấy, Tướng công có chuyện phải về Thăng Long. Người ra đi trong niềm lưu luyến của dân làng và dòng họ. Như linh tính mách bảo, Người dặn con cháu phải đoàn kết, yêu thương nhau… chuyến đi này chắc là dài lắm. Người đổi họ cho anh em. Từ đó họ Trần, Trương, Nguyễn, Bạch ra đời…
   Thế rồi Người đi và đi mãi… Người mất ở Kinh thành Thăng Long. Người đã chuẩn bị cho mình một chúc thư. Khi khâm liệm, quan quân đã đọc được bức thư của Người… Ước nguyện của Người là được an táng nơi Người đã cùng anh em xông pha trận mạc, đánh giặc Bồn Man, giữ yên bờ cõi Tổ quốc…
   Nhà Vua đã ban chỉ, cho quân lính đưa Người từ Thăng Long về an táng tại Trúc Lâm, huyện Hương Khê…
   Nơi yên nghỉ của Người đã thành Di tích lịch sử.
   Nơi làng tôi, ngài cho xây ngôi đền thật to, thật đẹp, là nơi tụ hội của dân làng. Ngôi đền có Nhà Thánh, có Hàm Rồng, có thượng điện, hạ điện… Ngôi đền tọa lạc trên một gò đất cao, hướng về phía mặt trời mọc.
   Cây cỏ trong khu vực đền là của Thánh, rất thiêng, chẳng ai dám chặt cây gì của Ngài.  Hễ có ai xâm lấn đất Nhà Thánh, hay vi phạm tôn nghiêm đều bị Ngài trừng  trị. ...
Cây cổ thụ trong Đền um tùm. Những lúc chiều về, từng đàn chim ríu rít gọi nhau, không gian thật thanh bình và cũng rất huyền bí…
   Phía trước đền có ruộng cấy lúa, gọi là ruộng Họ. Ruộng chung của Họ giao cho người lo việc cúng đơm. Ruộng là tài sản chung không ai có quyền tranh chấp…
   Bao nhiêu thế kỷ đi qua, người quê tôi, dẫu từ đầu huyện đến cuối huyện, vẫn gọi nhau theo ngôi thứ. Những ai ở Trúc Lâm thường được gọi bác, làng tôi phận em út chỉ được gọi chú mà thôi.
   Trong làng tôi, ai ở Thượng ấp thì được gọi bác, Hạ ấp thì gọi chú, Yên Hội thì gọi là chú út… Việc chung, việc riêng của anh em trong làng, trong họ đều cùng nhau gánh vác. Truyền thống đoàn kết đã thành mối keo sơn…
   Làng tôi thường trọng việc học hành. Nhà nghèo xơ nghèo xác cũng gắng làm thuê, cuốc mướn cho con ăn học, kể cả bán đi những tài sản quý nhất cho việc học hành của con, của cháu… Ông nội tôi bảo: họ ta có truyền thống học hành, từ Ngô Quyền, Ngô Tuấn (Lý Thường Kiệt) đến Ngô Tướng Công (Ngô Đăng Minh), thời hiện đại có Thi sỹ Ngô Xuân Diệu… ai ai cũng từ gian khổ, mài sắt nên kim… các con hãy gắng học hành cho nên người. Nếu sau này đi cày ruộng thì cũng phải là đường cày của người có học.
   Ngày trước, khi còn sống, ông tôi hay được làng chọn đi đầu trong các đình đám cưới xin. Làng có quan niệm, người đi đầu đoàn phải là người vợ chống hòa thuận, con cái học hành chăm chỉ, có con trai, con gái… để sau này mang điều may mắn cho con cháu khi khởi lập gia đình.
   Cứ mỗi chiều hè, tôi lại cứ nghe ông kể chuyện. Chuyện ông kể đi kể lại đã bao năm nay mà vẫn đó, như mới bắt đầu rằng: quê ta ở Đường Lâm Sơn Tây, qua Trảo Nha Can Lộc, Trúc Lâm, Trung Hà, Nam Trạch, Quy Hợp… họ Trần, Trương, Nguyễn, Bạch là anh em…  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.