Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

TỔNG BÍ THƯ LÊ DUẨN - HẬU DUỆ VUA HỒ QUÝ LY?


  Tổng Bí thư Lê Duẩn và các con trai Hãn, Kiên Thành, Kiên Trung (Tienphong)
"Chẳng hạn như, quy định 10% đại biểu Quốc hội ngoài Đảng là chưa thỏa đáng. Tôi muốn tỷ lệ này cao hơn... Trong chiến tranh giải phóng đất nước, có đến 90% những chiến sĩ hy sinh ngoài mặt trận không phải là đảng viên. Có nghĩa là, gần 100% người Việt Nam đều yêu nước..."(Tiến sỹ Lê Kiên Thành)

Theo truyền phả của dòng họ Lê, Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) và một số tài liệu ở trong nước thì nguồn gốc của họ Lê ở đây là họ Hồ. Ông tổ là Hồ Tiết Tăng sống ở ven biển Kỳ La. Sau sự kiện Hồ Quý Ly bị bắt ở núi Thiên Cầm - Kỳ La và Hồ Hán Thương bị bắt ở núi Cao Vọng (Kỳ Hoa), Hồ Tiết Tăng sợ họ Hồ sẽ bị liên luỵ nên đổi thành họ Lê và chuyển dời lên vùng Đá Bạc, Kẻ Gỗ cùng vợ làm nghề trồng chè và chăn nuôi trâu bò trên núi.

Ông bà sinh được 4 người con, 1 gái, 3 trai. Người con gái đầu lòng là Lê Thị Thân sau lấy chồng về Thanh Hoá. Người con trai thứ hai là Lê Am, người con trai thứ ba là Lê Mậu Tài, còn người con trai út không rõ tên.

Lúc Lê Lợi dấy cờ Lam Sơn khởi nghĩa, mở rộng căn cứ kháng chiến chống quân Minh, ông Hồ Tiết Tăng vốn thông thạo địa hình rừng núi đã dẫn đường, giúp đỡ nghĩa quân Lam Sơn lập doanh trại ở núi Phú Lễ, xã Phúc Trạch, nay là xã Hương Trạch, huyện Hương Khê - Hà Tĩnh. Lèn Phú Lễ đã trở thành một căn cứ quan trọng của nghĩa quân Lam Sơn giúp nghĩa quân chuẩn bị lương thảo, xây dựng lực lượng góp phần đắc lực cho cuộc kháng chiến chống giặc Minh đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Sau khi cuộc kháng chiến thắng lợi, đất nước thái bình, vua Lê đã xét công lao của cụ Hồ Tiết Tăng, ban thưởng tiền bạc và cho cả 3 người con trai của cụ ra Thăng Long ăn học. Lê Am được làm quan trong nội cung; Lê Mậu Tài được phong đến chức Võ Huynh tướng quân, nguyên sung đại thần tiên đô thái giám; người con trai út cũng được học hành và bố trí công việc ở trong triều đình. Cả 3 anh em đều một lòng trọng nghĩa phò vua giúp nước. Nhờ có công lao phục vụ triều đình, Lê Am được ban đặc ân chọn sinh phần (chọn đất để an táng khi còn sống). Lê Am đã chọn doi đất cao gần sông Ngàn Mọ - con sông mạch nguồn đã bồi đắp cho cuộc sống dân làng Mỹ Duệ và là nơi dòng họ Hồ mai danh ẩn tích đổi thành họ Lê đã sinh thành và nuôi dưỡng ông.

Lê Am mất tại Thăng Long, được đưa về an táng ở Am Tháp. Về sau Lê Mậu Tài mất ở Thăng Long cũng được nhà vua cho đưa về an táng tại Am Tháp. Am Tháp được xây dựng có kiến trúc tổng thể đẹp, hài hoà và độc đáo của phong cách nghệ thuật thế kỷ XVI. Tháp Cẩm Duệ là một cứ liệu để nghiên cứu về lịch sử văn hoá Việt Nam. Khi đạo Nho được đề cao thì đạo Phật có sự thoả hiệp để tồn tại. Sự giao thoa về tôn giáo đó có đóng góp vào văn hoá Việt Nam tầng văn hoá Việt - Hoa - Ấn. Tháp Cẩm Duệ còn có giá trị khoa học nghệ thuật trong việc nghiên cứu các đề án kiến trúc bằng đá còn lại hiếm hoi của thế kỷ XVI.

Cùng với thời gian, họ Lê, Cẩm Duệ phát triển thành một dòng họ lớn vào hàng vọng tộc, học hành đỗ đạt, nhiều người được bổ làm quan trong triều đình nhà Lê.

Đến thời nhà Mạc, do người dòng họ Lê là Lê Mậu làm đến chức trung tế không phụng sự triều Mạc nên bị hiềm khích. Sợ nhà Mạc trả thù, nên đã di chuyển vào khai khẩn, lập nên làng Bích La Đông, Triệu Đông, Triệu Phong, Quảng Trị. Ngày nay cứ mồng 3 tết hàng năm, tại phiên chợ đình Bích La, dân làng Bích La lại làm lễ thắp hương tưởng niệm công đức ngài phó tướng Lê Mậu Doãn - người đã cùng với 14 họ ở Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên vào khai khẩn ruộng hoang mở cõi, lập nên xứ Hoa An (tức làng Bích La ngày nay). Đó chính là liệt tổ của Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Thời kỳ đương nhiệm, ngày 4/4/1979 cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã về thăm Am Tháp, Cẩm Duệ để bái tổ và thăm cố hương. (Theo Quangtrionline)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.