Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

HOÀNG SA CỦA NƯỚC VIỆT NAM!

Hồ sơ Ty Khí tượng đảo Hoàng Sa 
01/09/2010 0:56 

Lễ bàn giao bộ hồ sơ Ty Khí tượng đảo Hoàng Sa 1955 cho Bộ Ngoại giao ngày 29.7.2010 - Ảnh: B.N.L
Trong thời gian vừa qua, tại Thừa Thiên - Huế, người dân, các nhà nghiên cứu và Chi cục Lưu trữ của tỉnh đã phát hiện và bàn giao cho Bộ Ngoại giao nhiều tài liệu quan trọng liên quan đến việc thực thi chủ quyền VN trên quần đảo Hoàng Sa. Đây là những bằng chứng cho thấy qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, VN đã thực thi chủ quyền liên tục trên quần đảo Hoàng Sa.
Gần đây nhất, ngày 29.7.2010, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bàn giao cho Bộ Ngoại giao bộ hồ sơ được mang tên "Ty Khí tượng đảo Hoàng Sa 1955", do Chi cục Văn thư lưu trữ tỉnh Thừa Thiên-Huế tìm thấy trong kho lưu trữ lịch sử III (hồ sơ tiếp quản từ chế độ cũ trước năm 1975) của chi cục.
Nguồn gốc tài liệu
Ông Nguyễn Tất Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Văn thư lưu trữ tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết bộ hồ sơ này nguyên nằm trong Mục lục hồ sơ của Ty Kiến thiết (chế độ cũ), lưu trữ những tài liệu trong giai đoạn từ 1897 - 1960, được Nhà nước cách mạng tiếp quản sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước năm 1975. Bộ hồ sơ được Phòng Lưu trữ tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) lập danh mục lưu trữ ngày 15.7.1984, để thống kê thường xuyên tài liệu trong kho lưu trữ. Trong quá trình quản lý và sử dụng danh mục hồ sơ của chi cục, ông Thắng đã tìm thấy bộ hồ sơ này. "Nhận thức ý nghĩa quan trọng và giá trị của tài liệu về mặt lịch sử, liên quan đến chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa, tôi đã tiến hành khai thác tư liệu, báo cáo với UBND tỉnh, Sở Nội vụ để xin ý kiến chỉ đạo về việc bàn giao tài liệu phục vụ công tác đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc", ông Thắng nói.
Đây là một hồ sơ gốc vì các văn bản được đánh máy, có đầy đủ chữ ký, khuôn dấu cũng như bút tích xử lý công việc của các quan chức liên quan trong ngành giao thông công chánh, hàng không và khí tượng lúc bấy giờ.
Sở dĩ bộ hồ sơ Ty Khí tượng đảo Hoàng Sa 1955 được lưu giữ tại Huế là do cơ cấu bộ máy phân cấp của ngành giao thông công chánh lúc bấy giờ có cơ quan Quận Công chánh Bắc Trung Việt đóng tại Huế (do có văn bản ghi là Trung Việt, nhưng lại có văn bản ghi là Bắc Trung Việt, nên trong loạt bài này chúng tôi xin tạm gọi thống nhất tên của đơn vị này thành Quận Công chánh Bắc Trung Việt - PV). Theo đó, Ty Khí tượng tại đảo Hoàng Sa, trực thuộc Trung tâm khí tượng Đà Nẵng, Ty Công chánh Quảng Nam, chịu sự quản lý chung của Quận Công chánh Bắc Trung Việt (đóng tại Huế).
Theo phân cấp quản lý như vậy, quy trình xử lý công việc liên quan đến sửa chữa Ty Khí tượng tại đảo Hoàng Sa, được Ty Công chánh Quảng Nam lập báo cáo và lập bản chiết trù kinh phí (tức hồ sơ dự toán - PV) đề xuất lên Quận trưởng Quận Công chánh Bắc Trung Việt tại Huế, sau đó mới trình lên Nha Giám đốc khí tượng VN thẩm định. Sau khi thanh tra chuyên ngành về xây dựng thẩm định xong sẽ trình lên Bộ Giao thông - Công chánh để chuyển Bộ Tài chính phê duyệt kinh phí thi hành. Vì vậy, bộ hồ sửa chữa Ty Khí tượng đảo Hoàng Sa 1955 thông qua xử lý của Quận Công chánh Bắc Trung Việt đóng tại Huế, đã được lưu trữ cho đến khi chính quyền Cách mạng tiếp quản (1975 đến nay).
Tóm lược hồ sơ
Bộ hồ sơ gồm 10 trang tài liệu (4 trang tiếng Việt và 6 trang tiếng Pháp), với nội dung đề nghị và phê chuẩn việc sửa chữa Ty Khí tượng tại đảo Hoàng Sa năm 1955. 
Nhóm văn bản tiếng Pháp, gồm hai loại văn bản:
1/ Báo cáo việc sửa chữa Ty Khí tượng tại đảo Hoàng Sa, của Ty Khí tượng Quảng Nam đóng tại Đà Nẵng, có ký tên, đóng dấu và bút phê qua từng cấp trình duyệt (gồm 3 trang văn bản);
2/ Bảng chiết trù kinh phí kèm theo báo cáo, cũng do Ty Công chánh Quảng Nam lập, có ký tên, đóng dấu và bút phê qua từng cấp trình duyệt  (3 trang tài liệu).
Nhóm văn bản tiếng Việt, gồm 4 trang văn bản, có 3 nội dung như sau: Trang văn bản đầu chỉ có nội dung Tỉnh Quảng Nam công thự - Trụ sở Ty Khí tượng tại đảo Hoàng Sa (Pattle) Iles des Paracels (trang văn bản này chỉ mang nội dung là tiêu đề của danh mục hồ sơ được lưu - PV); 2 văn bản của Trung tâm Khí tượng Đà Nẵng do kỹ sư khí tượng người Pháp tên H.CECILION ký tên, đóng dấu gửi Quận trưởng Quận Công chánh Bắc Trung Việt (tại Huế) và Trưởng ty Công chánh Quảng Nam, yêu cầu xúc tiến việc sửa chữa Ty Khí tượng đảo Hoàng Sa, như đã phê duyệt. Văn bản cuối cùng là bản sao công văn của Nha Giám đốc khí tượng Việt Nam (ở Sài Gòn) gửi Trưởng khu Công chánh Huế về công tác tu bổ công sự khí tượng tại Đà Nẵng và quần đảo Hoàng Sa, có nội dung điều chỉnh một số hạng mục và kinh phí tu sửa Ty Khí tượng Đà Nẵng và Ty Khí tượng đảo Hoàng Sa.


Trang tiêu đề của bộ hồ sơ Ty Khí tượng tại đảo Hoàng Sa 1955 (ảnh chụp lại từ tư liệu gốc) - Ảnh: B.N.L
Tu sửa Ty Khí tượng đảo Hoàng Sa  
02/09/2010 0:16 
Như đã tóm lược ở phần trước, bộ hồ sơ Ty Khí tượng đảo Hoàng Sa 1955 bao gồm các văn bản đề nghị và phê duyệt cấp ngân sách quốc gia để sửa chữa Ty Khí tượng tại vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam này. Theo đó, kinh phí được đề nghị là 22.000 đồng.
Ngày 12.5.1955, Trưởng ty Công chánh Quảng Nam đóng tại Đà Nẵng, kỹ sư trưởng Nguyen Ngoc Tiep (tên ghi theo tiếng Pháp, không có dấu - PV) đã có báo cáo gửi các cấp lãnh đạo đề nghị cấp kinh phí tu sửa Ty Khí tượng tại đảo Hoàng Sa. Theo đó, ông đề nghị cấp 22.000 đồng (kèm theo bản chiết trù kinh phí, giống như hồ sơ dự toán ngày nay - PV), để sơn và quét vôi tường; xây dựng một sàn bê tông kích thước 1,7m x 1,7m để lắp đặt tháp phong - lúc - kế (thiết bị đo gió) tại đảo Hoàng Sa.
Báo cáo được đánh máy bằng tiếng Pháp, tạm dịch như sau:
Bộ Giao thông Công chánh - Khu công chánh Bắc Trung Việt tại Huế - Ty Công chánh Quảng Nam; Quốc gia Việt Nam - Tài chính quốc gia - năm 1955, Chương 0.5173 - Khoản 1 - Đoạn 1.


Bản chiết trù kinh phí sửa chữa Ty Khí tượng tại đảo Hoàng Sa với đầy đủ chữ ký, con dấu, bút tích xử lý công việc của các cấp thẩm quyền liên quan (ảnh chụp lại từ tài liệu gốc)
Trích yếu: "Trao đổi giữa các phi trường dân sự Việt Nam về khu nhà của Ty Khí tượng quần đảo Hoàng Sa (Pattle). Có báo cáo của trưởng ty".
Nội dung: "Báo cáo này nhằm mục đích trình bày sự chuẩn y của các cấp lãnh đạo một bản chiết trù 22.000 đồng kèm theo, đối với các công tác bảo dưỡng và những chuẩn bị khác cho tòa nhà chính của Ty Khí tượng trên đảo Hoàng Sa (Pattle). Những công việc cần thiết cho việc tu sửa những tòa nhà ở đây bao gồm: sơn và vôi quét tường; xây một bệ bằng bê tông kích thước 1m7x1m7 để dựng một tháp phong-lúc-kế".
Chúng tôi trân trọng đề nghị các cấp chuẩn y bản chiết trù kèm theo với ủy nhiệm tài chính nhằm tính khoản chi vào ngân sách quốc gia năm 1955...
Đà Nẵng, ngày 12.5.1955, Trưởng ty Công chánh Quảng Nam - kỹ sư trưởng Nguyen Ngoc Tiep (ký tên và đóng dấu).
Sau khi Trưởng ty Công chánh Quảng Nam trình lên, ngày 31.5.1955, Trưởng khu Công chánh Bắc Trung Việt tại Huế, kỹ sư trưởng Truong Van Hue, có bút phê "đã xem và trình" (ký tên và đóng dấu).
Giấy tờ được chuyển bằng đường hàng không về Sài Gòn, với các bút tích và chữ ký xác nhận nhật ký hồ sơ của các bộ phận chuyên trách ngành hàng không, như sau: Ngày 14.6.1955, Trưởng nha Nghiên cứu tại Tân Sơn Nhất (Sài Gòn) kỹ sư Trân Ngoc Lam bút phê xác nhận (ký tên); Ngày 16.6.1955, Giám đốc Nha công tác phi trường (đánh số 55 - 1495 D/A/P) Tạ Huyến cũng có bút phê "Đã xem và chuyển, việc chuẩn y kèm theo cam kết số 63 về 22.000 đồng"; ngày 18.6.1955, Tổng giám đốc hàng không dân sự là Trần Văn Của ký xác nhận (đánh số 29/R) nội dung "đã xem". Hồ sơ được chuyển cho Bộ Giao thông - Công chánh.
Sau khi nhận hồ sơ, ngày 29.6.1955, Tổng thư ký Bộ Giao thông - Công chánh Nguyễn Văn Mô đã bút phê: "Đã xem và chuyển để chuẩn y".
Báo cáo đề nghị cấp kinh phí tu sửa Ty Khí tượng tại đảo Hoàng Sa của Ty Công chánh Quảng Nam với đầy đủ chữ ký, con dấu, bút tích xử lý công việc của các cấp thẩm quyền liên quan (ảnh chụp lại từ tài liệu gốc)

Kèm theo báo cáo này là bản chiết trù kinh phí số 63, trong đó liệt kê chi phí nguyên vật liệu gồm: xi măng, sắt thép, cát, sỏi, chổi, sơn, vôi, bột màu, công thợ... với tổng số tiền đề nghị được cấp là 22.000 đồng. Ngày 8.7.1955, Phòng Thanh tra các khoản chi đã kiểm tra thẩm định hồ sơ dự toán này và xác nhận "đã kiểm tra tại Phòng Thanh tra các khoản chi" Đặng Văn Khiêm (ký tên, đóng dấu). Hồ sơ sau khi thẩm định được chuyển cho Bộ Tài chính. Ngày 13.7.1955, Bộ trưởng Tài chính Trần Hữu Thương phê duyệt (số công văn 432MF/APP) "xác nhận chuẩn y cho phép thực hiện".
Số tiền 22.000 đồng ở miền Nam thời điểm 1955 là một khoản kinh phí khá lớn. Theo bản dự toán kinh phí mà Ty Công chánh Quảng Nam đã lập và trình, 22.000 đồng được kê chi tiết với 16 mục chi bao gồm vật liệu, công thợ, chi phí vận chuyển đủ để hoàn thành các hạng mục công trình. Theo đó, xi măng thời giá lúc bấy giờ là 3,5 đồng/kg, số xi măng cần cho công trình là 500kg trị giá 1.750 đồng.
Cứ hình dung, với số tiền 22.000 đồng, nhưng Ty Công chánh Quảng Nam phải báo cáo và lập dự toán đề nghị lên Bộ trưởng Tài chính phê duyệt theo danh mục chi của ngân sách quốc gia, đủ thấy tầm quan trọng của công việc đến mức nào.
Bùi Ngọc Long (Báo thanhnien)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.