Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

MIẾU TRẦM LÂM LINH THIÊNG

xuanlinhbmtx | 09 March, 2010 18:53

                                     Đền Trầm Lâm - vnmedia
Giữ gìn báu vật của Vua Hàm Nghi
Lao Động số 39+40 Ngày 16/02/2007 Cập nhật: 5:48 AM, 16/02/2007 (LĐ) -
   Hàm Nghi (em ruột Kiến Phúc - con nuôi thứ ba của Tự Đức) chỉ làm vua đúng một năm (8.1884-8.1885) lúc 17 tuổi. Sau khi bị thất thủ tại kinh thành Huế, các cận thần đưa vua xa giá ra Quảng Trị rồi xây dựng căn cứ chống Pháp ở vùng rừng Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
   Sau khi vua hạ bút phê chuẩn Chiếu Cần Vương (lần hai) được một ngày thì Phan Đình Phùng ở huyện Đức Thọ, Cao Thắng ở huyện Hương Sơn liền lên bái yết vua rồi trở thành những thủ lĩnh của phong trào Cần Vương. Nhưng Vua Hàm Nghi cũng chỉ lưu lại ở phòng tuyến Sơn phòng Hương Khê 24 ngày... Đêm báo mộng Chiến tuyến Sơn phòng của Vua Hàm Nghi ở cách miếu Trầm Lâm (dân gian thường gọi là miếu Trăm Năm) xã Phú Gia, huyện Hương Khê chừng một kilômét.
   Miếu thiêng tự ngàn xưa.
   Trước miếu có chín bậc đá ong, hai đầu là hai cấp cầu vồng để xuống hồ miếu, cũng nổi tiếng linh thiêng. Tương truyền, hồ miếu không có đáy, lòng hồ là mạch thuỷ lâm ăn sâu vào dòng sông Ngàn Sâu cách hàng chục kilômét. Và khi người dân địa phương thả cuộn dây 500 mét, đầu buộc viên đá nhưng đoạn chót cuộn dây vẫn không chùng thì họ càng tin hơn về hồ thiêng không đáy.
   Cụ Trần Tăng - một "pho sử sống" của vùng đất này còn cho biết: "Mùa hạn năm 1953 ao làng khô khốc, nhưng nước trong lòng hồ vẫn nguyên xi. Dẫu mưa lũ đến mấy, mực nước trong hồ vẫn không ngập. Năm ngoái, dân làng ra đào mương dẫn nước hồ ra để xây móng âm bao quanh hồ nhưng nước chảy mấy ngày đêm vẫn không hề cạn.

                                   Giếng Ngọc-vnmedia
   Dưới hồ có đủ thứ cá và sáu con rùa rất đẹp". Một đêm, Vua Hàm Nghi được báo mộng: "Quân phiến loạn đang theo kịp chân nhà ngươi. Việc này do ngươi tính liệu. Nhưng nhà ngươi tiếp tục trú ngụ ở đây thì muôn dân sẽ bị sát hại". Tỉnh dậy, Vua Hàm Nghi rung chuông, rung đạc mời cận thần lại để báo mộng rồi kịp thời viết sắc phong cho miếu Trầm Lâm trước khi xuống thuyền về lại Huế. Những báu vật vua mang theo, gồm hai con voi vàng, một con voi đồng, một con nghê đồng, hai thanh kiếm thần, 38 đạo sắc...được các triều thần đem vào miếu lễ tạ, hàm ơn giấc mộng.

                                              Hoàng Bào

                                             Voi vàng, ngựa vàng
   Âm thầm gìn giữ 122 năm trôi qua, người dân xã Phú Gia xem di vật vua ban như những báu vật thiêng liêng của làng. Cụ Trần Tăng tự hào: "Trải qua hai cuộc kháng chiến, bao nạn đói, bao trận bão lũ nhưng báu vật vua ban vẫn được dân nghèo làng này gìn giữ hết sức cẩn mật.
   Đến nỗi, mãi tới năm 2000, huyện, tỉnh mới biết làng có voi vàng, kiếm thần... của Vua Hàm Nghi".
   Từ miếu Trầm Lâm, tôi cùng anh Lê Khắc Tính - Phó Chủ tịch phụ trách văn hoá xã tới thôn Phú Hoà - nơi cụ Trần Văn Nhung đang giữ trọng trách coi giữ báu vật trong một năm. Dưới mái cọ nghèo, bên cạnh bàn thờ tổ tiên là bàn thờ chính thờ Tam vị đức Đại Vương (gồm Đức Thánh Mẫu ở miếu Trầm Lâm, hai đại tướng quân) và thờ Vua Hàm Nghi.
   Trong dáng vóc của một ông từ nho nhã, cụ Nhung nói: "Tôi một mái nhà tranh, một tấm lòng thành vì báu vật này là của giang sơn giao phó". Theo cụ Nhung, đến ngày rằm tháng chạp, mỗi năm làng lại tổ chức lễ hạ keo để "xin bề trên ứng chứng, ứng chức người được bầu làm đạo chủ (coi giữ báu vật) hàng năm" (sau này ban lễ nghi kết hợp văn hoá làng và chính quyền địa phương mở lễ hạ keo để chọn đạo chủ).
   Đạo chủ phải là người có đủ bốn điều kiện: Vợ chồng đang thượng tại; gia đình có nền nếp, gia phong; người đạo chủ phải biết làm lễ thông thạo; đặc biệt phải có niềm tin kính". Khi nghe tôi ngỏ ý muốn chụp hình hai con voi vàng, anh Tính giải thích: "Tất cả báu vật đều được niêm phong hoặc cất giữ trong két sắt. Việc được xem hay không phải tuỳ thuộc vào lễ xin âm dương của đạo chủ.
   Năm ngoái, một vị lãnh đạo tỉnh lên, ngỏ ý muốn nhìn thấy báu vật nhưng lễ xin không được, đành phải chịu". Cụ Nhung tiếp lời: "Tôi xin xong, nếu được thì đại diện chính quyền mới cho phép mở két. Nếu không được thì anh cũng phải về".
   Cụ Nhung thắp hương, quỳ trước bàn thờ khấn. Tôi hồi hộp nhìn theo khói hương bay quanh những lời cụ khấn. Cụ tung hai đồng tiền đều ngửa, bảo: "Được rồi đấy. Anh viết báo cho cả nước biết đến tấm lòng người Phú Gia giữ gìn báu vật của vua ban, lẽ nào không được".
   Tôi cảm ơn cụ, hồi hộp nhìn cụ mở két mang hai con voi vàng ra. Con voi lớn nặng 27 chỉ. Con voi nhỏ nặng 17 chỉ. Cả hai đều được bàn tay nghệ nhân kim hoàn chế tác theo thế đứng thẳng mang dáng vóc vừa mạnh khoẻ của con voi chiến vừa rất kỳ công với nịt, bành bé tẹo nhưng tinh xảo từng nét chạm.
   Hai thanh kiếm thần màu đồng nung, lưỡi trắng. Ngoài vỏ đề hai chữ "Phụng tự". Những bộ áo triều thần bằng nỉ như còn mới nguyên. Phía trước bên phải thêu hình ảnh con cò - tượng hình quan văn; bên phải là hình con cọp - tượng hình quan võ (văn cò, võ cọp). 38 đạo sắc được đựng trong 38 ống quyển còn tươi nguyên nét chữ của các triều vua.
    Cụ Nhung tâm sự: "Thời chiến, có lúc phải đào hầm để giấu các báu vật trong lòng đất nhưng khó mấy, mỗi năm phải làm lễ phơi đồ và lễ mộc dục (lễ lau chùi đồ tế khí). Và khi bàn giao cho đạo chủ mới, những người giữ trọng trách phải đếm cẩn thận từng báu vật và dùng cân tiểu ly để cân lại trọng lượng hai con voi vàng".
   Thế nhưng đã một lần xảy sự cố, khi một con voi vàng bị thay thế bởi một con voi vàng mã giống hệt. Đó là năm 1936 khi cố Lê Triết đang làm đạo chủ thì con trai là Lê Yêm "cuỗm" một con voi vàng đem sang Lào bán. Bán xong, Lê Yêm trích một khoản tiền mua đàn bò. Đang trên đường qua biên giới thì anh này bị một con bò to khoẻ nhất húc vào bụng, chết ngay tại chỗ.
   Bạn cùng thủ mưu với Lê Yêm là Lưu Duyên, ở nhà bị phát chứng bệnh thần kinh rồi đem con bỏ vào nồi nước sôi để...luộc. Bà vợ đi chợ về thấy cảnh cha luộc con, khiếp quá rồi chết đứng.
   Về sau, biết chuyện này, một người Lào đã mang con voi về xin làm lễ, trả lại cho đạo chủ...
   Lễ hội rước sắc Năm 2001, Bộ VHTT đã công nhận Sơn phòng Hàm Nghi, miếu Trầm Lâm và đền Công Đồng là quần thể di tích lịch sử cấp quốc gia.
   Bắt đầu từ đó xuất hiện lễ hội rước sắc (rước báu vật từ nhà đạo chủ cũ sang nhà đạo chủ mới) trong ngày mồng bảy tháng giêng hàng năm. Sáng sớm ngày đó, trước sự chúng kiến của dân làng, đạo chủ trong bộ đồ lễ thành kính, xin âm dương xong mới bắt đầu lễ rước.
   Dân làng ai cũng mặc bộ đồ đẹp nhất để rước kiệu từ miếu Trầm Lâm qua điếm Công Đồng qua Sơn Thành rồi về nhà đạo chủ mới. Các báu vật và bảo sắc được các bô lão đội lên đầu. Ảnh Vua Hàm Nghi được rước bằng kiệu. Đoàn rước đi qua đồng khoai, ruộng lúa, xóm làng trong âm vang tiếng chiêng, tiếng trống và râm ran những câu chuyện, truyền thuyết vui buồn ngày xưa. Chỉ mới bốn năm mà lễ hội rước sắc này đã trở thành lễ hội văn hoá lớn nhất huyện Hương Khê, thu hút hàng ngàn du khách thập phương. 
(Sông Lam) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.